Làm thế nào để giữ an toàn cho bé khi ngủ

12/03/2024
Nội dung chính xem nhanh

Nguồn ảnh: Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ

Mỗi năm, khoảng 3.500 trẻ nhỏ ở Hoa Kỳ chết đột ngột khi ngủ. Hầu hết những cái chết thương tâm này là do hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ hoặc ngạt thở hoặc do bị siết cổ. 

Để giảm nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ liên quan đến giấc ngủ, Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ đã đưa ra những khuyến cáo về giấc ngủ an toàn cho trẻ. 

Mặc dù không có cách nào đảm bảo để ngăn ngừa hoàn toàn hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS), nhưng nghiên cứu cho chúng ta biết rằng một môi trường ngủ an toàn có thể giúp giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Dưới đây là một số cách bạn có thể giúp tạo ra một môi trường ngủ an toàn: 

1. Đặt bé nằm ngửa khi ngủ 

Đặt bé nằm ngửa khi ngủ vào ban đêm và kể cả các giấc ngủ ngắn.

Trẻ nằm ngửa khi ngủ ít có có khả năng bị đột tử so với trẻ nằm sấp hoặc nằm nghiêng khi ngủ. Nằm nghiêng khi ngủ cũng là một tư thế có nguy cơ đột tử vì trẻ có thể chuyển từ nằm nghiêng qua nằm sấp và làm bé ngạt thở.

Một số cha mẹ lo lắng rằng trẻ nhỏ sẽ bị nghẹt thở khi nằm ngửa nhưng điều này không đúng. Cấu tạo đường thở và phản xạ ho của bé sẽ giúp bé tránh nghẹt thở. Ngay cả trẻ nhỏ bị trào ngược dạ dày thực quản cũng nên nằm ngửa khi ngủ. 

Ngoài ra, hãy ghi nhớ:

  • Trẻ sơ sinh nên được da kề da với mẹ càng sớm càng tốt sau khi sinh trong ít nhất một giờ. Sau đó, khi người mẹ cần ngủ hoặc cần chăm sóc, bé nên được đặt nằm ngửa trong nôi bằng phẳng, không bị nghiêng.
  • Trẻ sinh non có thể cần phải nằm sấp tạm thời khi bé đang ở khoa hồi sức sơ sinh, nhưng bạn nên đặt trẻ nằm ngửa ngay khi trẻ khỏe và bệnh lý ổn định. Việc đặt trẻ nằm ngửa khi ở tình trạng ổn định và bé vẫn còn ở bệnh viện giúp trẻ thích nghi dần với việc nằm ngửa khi về nhà. 
  • Một số trẻ nhỏ sẽ nằm sấp. Bạn nên luôn đặt bé nằm ngửa khi ngủ, nhưng nếu bé lăn thoải mái theo cả hai chiều khi nằm sấp, khi thì nằm ngửa, lúc này bạn không cần phải tiếp tục đặt bé nằm ngửa nữa. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng không có chăn, gối, đồ chơi nhồi bông hoặc khăn lót giường của bé. Bé của bạn có thể lăn vào bất kỳ vật dụng nào trong số này và gây ngạt thở cho trẻ.

2. Sử dụng một bề mặt ngủ chắc chắn và bằng phẳng 

  • Hãy cho bé nằm ngủ trong cũi và kiểm tra cũi phải chắc chắn. Nên dùng tấm nệm cứng cho bé. Không nên để bất cứ thứ gì khác trong cũi cùng với bé như gấu bông, khăn. 
  • Không sử dụng cũi bị hỏng.
  • Nếu bé ngủ trên ghế ô tô, xe đẩy, xích đu, địu, bạn nên chuyển trẻ nằm ngửa sang một bề mặt ngủ chắc chắn càng sớm càng tốt.

3. Không bao giờ cho bé ngủ chung giường với bạn

Dựa trên bằng chứng, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị không ngủ chung giường với con bạn trong bất kỳ trường hợp nào. Các trẻ sinh đôi, sinh ba cũng không nên ngủ chung giường.

  • Nếu bạn mang em bé vào giường để cho ăn hoặc dỗ dành và sau đó bạn hãy đặt bé vào giường riêng của bé khi bé và bạn ngủ. 
  • Nếu có bất kỳ khả năng nào khiến bạn có thể ngủ quên khi em bé đang nằm trên giường của bạn, hãy đảm bảo rằng không có gối, ga trải giường, chăn hoặc bất kỳ vật dụng nào khác có thể che mặt, đầu và cổ của bé hoặc khiến trẻ quá nóng. Ngay sau khi bạn thức dậy, bạn hãy chuyển bé sang giường riêng.
  • Tránh ngủ chung với trẻ ở những nơi khác. Nguy cơ tử vong ở trẻ nhũ nhi liên quan đến giấc ngủ cao hơn tới 67 lần khi trẻ ngủ với ai đó trên đi văng, ghế bành mềm hoặc đệm.

Điều cực kỳ quan trọng là không ngủ chung giường với bé của bạn nếu:

  • Bạn đã uống rượu, thuốc hoặc chất an thần gây nghiện. Nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh liên quan đến giấc ngủ cao hơn gấp 10 lần đối với những trẻ ngủ chung giường với người đang mệt mỏi hoặc đã uống thuốc khiến họ khó thức giấc hoặc họ đã sử dụng các chất như rượu hoặc ma túy.
  • Bé của bạn còn rất nhỏ hoặc có thể sinh non. Nguy cơ trẻ sơ sinh tử vong liên quan đến giấc ngủ khi ngủ chung giường cao gấp 5 đến 10 lần khi con bạn dưới 4 tháng tuổi. Và nguy cơ trẻ sơ sinh tử vong liên quan đến giấc ngủ cao gấp 2 đến 5 lần khi sinh non hoặc nhẹ cân.

4. Đừng ngủ chung giường với trẻ và hãy ngủ chung phòng với trẻ

Hãy cho bé ngủ chung phòng với bạn trong ít nhất 6 tháng đầu tiên và không cho bé ngủ chung giường, bé sẽ ngủ ở cũi của bé. Bạn có thể đặt cũi, nôi gần giường của bạn trong phòng ngủ. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị ba mẹ ngủ cùng phòng với trẻ vì nó có thể giảm nguy cơ hội chứng đột tử khi ngủ đến 50% và an toàn hơn nhiều so với ngủ chung giường. Việc ở chung phòng cũng sẽ giúp bạn cho bé ăn dễ dàng, dỗ dành và kết nối với con tốt hơn.

5. Để các vật mềm, bông ra khỏi khu vực ngủ của bé

Những đồ vật này có thể làm tăng nguy cơ bé bị ngạt thở hoặc bị siết cổ. Đồ vật này bao gồm gối và đồ chơi như gối, mền, chăn, tấm phủ, đồ chơi, hoặc các sản phẩm được gắn vào thanh giường cũi.  

  • Nếu lo bé bị lạnh, bạn có thể mặc cho bé nhiều lớp quần áo hoặc dùng túi ngủ không phủ mặt. Bạn nên mặc cho bé nhiều hơn một lớp so với những gì bạn đang mặc.
  • Không để chăn, gối hoặc các vật nặng khác ở xung quanh hoặc đè lên người bé. 

6. Đừng để con bạn bị quá nóng

Quá nóng có thể làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử. Bé sẽ cảm thấy thoải mái khi chỉ cần mặc nhiều hơn một lớp so với bạn trong cùng một môi trường

  • Kiểm tra các dấu hiệu quá nóng của bé như đổ mồ hôi, ngực nóng hoặc da đỏ bừng.
  • Không đội mũ cho bé khi ở trong nhà sau khi bạn từ bệnh viện về nhà.

7. Các cách khác để giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ

Cùng với việc tạo ra một môi trường ngủ an toàn, đây là một số cách khác để giảm nguy cơ này cho con bạn:

7.1 Cho bé bú sữa mẹ

Bằng chứng cho thấy sữa mẹ làm giảm nguy cơ đột tử. Bạn cho con bú sữa mẹ càng lâu thì sự bảo vệ bé khỏi hội chứng đột tử càng tốt. 

  • Cho con bú sữa mẹ hoặc cho bé bú sữa mẹ vắt . Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị nuôi con bằng sữa mẹ nên là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho con bạn trong khoảng 6 tháng đầu.
  • Ngay cả sau khi bạn cho bé ăn dặm, hãy tiếp tục cho con bú cho đến khi bé được ít nhất 12 tháng hoặc lâu hơn nếu bạn và bé mong muốn.

7.2 Hãy thử cho bé ngậm núm vú giả vào giờ ngủ tối và cả những giấc ngủ ngắn

Điều này giúp giảm nguy cơ đột tử, ngay cả khi núm vú giả rơi ra sau khi con bạn ngủ. Nhưng hãy nhớ: 

  • Nếu bé đang bú sữa mẹ, hãy đợi cho đến khi việc bú mẹ bắt đầu ổn định trước khi cho bé ngậm núm vú giả. Khi nào thì việc bú mẹ bắt đầu ổn định? Việc bú mẹ bắt đầu ổn định nghĩa là khi nguồn sữa của bạn tốt, việc cho con bú diễn ra thoải mái và đều đặn, con bạn bú tốt và trẻ tăng cân như bình thường. Nếu bạn không cho con bú, bạn có thể bắt đầu cho trẻ ngậm núm vú giả bất cứ khi nào bạn muốn.
  • Không sao nếu con bạn không muốn ngậm núm vú giả. Bạn có thể thử cho bé dùng lại sau, một số bé không thích chúng. Nếu núm vú giả rơi ra sau khi bé ngủ, bạn không cần phải đặt núm vú giả vào lại miệng bé.

7.3 Mẹ nên được chăm sóc và theo dõi thường xuyên trước khi sinh và không sử dụng chất gây nghiện trong khi mang thai

Có bằng chứng chắc chắn rằng việc chăm sóc trước khi sinh định kỳ làm giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ. Ngoài ra, bạn không uống rượu, cần sa, thuốc phiện hoặc ma túy trong khi mang thai và sau khi sinh con. Nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ cao hơn khi em bé tiếp xúc với rượu hoặc các chất gây nghiện

7.4 Không hút thuốc hoặc sử dụng nicotin trong khi mang thai hoặc sau khi sinh

Hút thuốc khi bạn đang mang thai và hút thuốc gần bé sau khi sinh là những yếu tố rủi ro đáng kể đối với hội chứng đột tử ở trẻ. Không hút thuốc ở bất cứ đâu gần bé, ngay cả khi bạn hút bên ngoài, ở một nơi khác.

Thuốc lá và thuốc lá điện tử đều có chứa chây gây nghiện nicotin. Bạn hãy giữ cho xe hơi và nhà của bạn không có khói thuốc. Bạn hãy loại bỏ khói thuốc thụ động ở bất kỳ khu vực nào mà con bạn và những người không hút thuốc khác thường lui tới.

Nếu bạn là người hút thuốc hoặc bạn hút thuốc trong khi mang thai, điều đặc biệt quan trọng là bạn không ngủ chung giường với bé. Nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ đặc biệt cao, ngay cả khi người hút thuốc không hút thuốc trên giường. 

7.5 Lên lịch khám cho bé và đến tất cả các lần khám định kỳ chăm sóc trẻ khỏe mạnh

Việc khám bé định kỳ thường xuyên giúp đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển của bé đang tốt. Ngoài ra, bé sẽ được chủng ngừa để ngừa bệnh tại các lần khám sức khỏe. Bằng chứng cho thấy rằng việc tiêm chủng cho trẻ có thể giúp bảo vệ chống lại hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ.

7.6 Đảm bảo bé có thời gian nằm sấp khi thức chơi mỗi ngày

Trẻ nên được một người lớn chơi cùng trong thời gian nằm sấp. Điều này giúp cho sự phát triển, vận động của bé và ngăn ngừa chứng đầu phẳng.

Ban nên cho trẻ nằm sấp với khoảng thời gian ngắn ngay sau khi bạn xuất viện về nhà. Sau đó, bạn tăng dần thời gian cho đến khi bé thực hiện được ít nhất tổng 15 đến 30 phút nằm sấp mỗi ngày khi bé được 7 tuần tuổi. 

7.7 Quấn em bé nếu muốn

Cần nhớ rằng quấn bé không làm giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ.

  • Đảm bảo rằng bé luôn nằm ngửa khi được quấn.
  • Không nên quấn bé quá chặt hoặc khiến bé khó thở hoặc và khó cử động hông.
  • Khi bé đang tập lật, bạn nên ngừng quấn bé vì khi bé bị nằm sấp khi quấn, nguy cơ ngạt thở sẽ cao. Bé sẽ tập lật khi được 3-4 tháng tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra sớm hơn.
  • Không sử dụng chăn quấn có trọng lượng hoặc các vật có trọng lượng như một gối to và nặng đè lên người trẻ. 

7.8 Thận trọng khi mua một số sản phẩm cho trẻ

  • Tránh các sản phẩm dành cho trẻ em không phù hợp với các khuyến nghị về giấc ngủ an toàn
  • Không sử dụng máy theo dõi tim mạch tại nhà như một cách để giảm nguy cơ đột tử. Bạn có thể mua các thiết bị chăm sóc sức khỏe như máy đo nhịp tim và đo oxy trong máu. Các thiết bị này có thể được kẹp ở chân hoặc tay. Nhưng hãy nhớ rằng không có bằng chứng nào cho thấy các thiết bị này có tác dụng giảm nguy cơ đột tử. Xin lưu ý rằng các thiết bị này có thể mang lại cho bạn cảm giác an toàn sai lầm. Bạn có thể sử dụng nếu muốn, nhưng đừng sử dụng nó thay thế cho việc tuân theo tất cả các hướng dẫn về giấc ngủ an toàn ở trên.

Nên nhớ 
Hãy nói chuyện với bác sĩ Nhi khoa nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về sự an toàn trong môi trường ngủ của bé. 

Nguồn: Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ

Nhóm biên dịch: BS.CKII Lê Nguyễn Nhật Trung, BS.CKII Nguyễn Phương Khanh, Ths.Bs Trần Hà Phương Tâm, BS.CKI Trần Tiểu Thanh, Ths.Bs Nguyễn Thị Mỹ Phước

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU

Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện



 

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn