Mỗi năm có tới hơn 3.000 trẻ sơ sinh ở Mỹ chết vì hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS) và các nguyên nhân khác, trong đó có vô tình ngạt thở hoặc không may bị siết cổ do các vật dụng xung quanh bé. Những gia đình mất con vô cùng sốc, đau đớn và mang theo cảm giác tội lỗi đến rất lâu về sau.
Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về SIDS cùng với câu trả lời chi tiết được Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam tổng hợp từ Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP). Những thông tin này có thể giúp bạn giải quyết và giảm nguy cơ tử vong do SIDS.
1. Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ là gì?
Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ SIDS là cái chết không rõ nguyên nhân, không giải thích được của em bé dưới 1 tuổi đang khỏe mạnh. Hầu hết những trường hợp này xảy ra khi trẻ đang ngủ. Đây cũng là lý do tại sao hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ còn được gọi là "cái chết liên quan đến giấc ngủ", hay trước đây gọi là "cái chết trong nôi". Dù vậy, phần lớn những cái chết này không xảy ra trong nôi.
2. Cho trẻ nằm sấp khi ngủ có phải là nguyên nhân gây đột tử?
Nghiên cứu cho thấy rằng nguyên nhân gây đột tử trong lúc ngủ ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi có thể do não trẻ chưa trưởng thành để kiểm soát hơi thở và khả năng tự thức giấc.
Cụ thể, nếu em bé không nhận đủ oxy, bé phải tỉnh giấc để đối phó với tình trạng này. Tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi khó tự thức giấc khi bị thiếu oxy. Vậy nên nằm sấp nguy hiểm cho trẻ vì ở tư thế này, trẻ ngủ sâu hơn và khó đánh thức hơn khi không có đủ oxy.
Nằm sấp khi ngủ có thể là tư thế nguy hiểm cho trẻ
3. Hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ nhỏ có di truyền không?
Các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu để tìm hiểu sâu hơn. Tuy nhiên, những đứa trẻ có anh chị em ruột hoặc anh em họ tử vong vì hội chứng này sẽ có nguy cơ cao hơn trẻ bình thường.
4. Có những nguy cơ nào khác làm tăng rủi ro gặp hội chứng đột tử khi ngủ không?
Một số yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ trẻ bị đột tử khi ngủ là:
- Cân nặng khi sinh thấp và sinh non có thể làm tăng nguy cơ mắc SIDS vì não của những trẻ này thường chưa đủ trưởng thành để kiểm soát nhịp thở và nhịp tim, đặc biệt là trong khi ngủ.
- Đa thai (sinh đôi, sinh ba,...) có rủi ro cao hơn vì nhiều trẻ có cân nặng khi sinh thấp và sinh non.
5. Cha mẹ có phải chịu trách nhiệm về một số trường hợp tử vong do SIDS không?
Khi nói về hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ SIDS, chúng ta KHÔNG BAO GIỜ nên đổ lỗi, phán xét bất kỳ ai. Hội chứng này có thể xảy ra với bất kỳ gia đình nào.
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi tử vong là do bé gặp vấn đề với việc thức giấc khi không nhận đủ oxy. Khi điều này kết hợp với các điều kiện làm tăng nguy cơ thiếu oxy (chẳng hạn như ngủ nằm sấp, nằm nghiêng, ngủ cùng người khác, ngủ với chăn, gối, các loại giường mềm không an toàn khác, ngủ kê quá cao đầu hoặc ngủ trên giường nghiêng như các loại nôi rung, ghế xe ô tô), em bé có thể chết.
6. Cách nào để đảm bảo trẻ có giấc ngủ an toàn, giảm thiểu rủi ro gặp hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ?
Hướng dẫn của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ như sau:
- Trẻ dưới 1 tuổi phải luôn nằm ngửa khi ngủ. Trẻ nhỏ nằm sấp hoặc nằm nghiêng khi ngủ có thể khó nhận đủ oxy và khó thức giấc khi tình trạng thiếu oxy xảy ra.
- Đặt trẻ nhỏ ngủ trên một cũi với bề mặt bằng phẳng, chắc chắn. Bạn không nên cho con ngủ trên giường mềm, chăn bông, ghế sofa phòng khách và trên các bề mặt mềm có thể dễ dàng chặn mũi và miệng. Bạn cũng tránh đặt gối, chăn, miếng đệm, đồ chơi, thú nhồi bông và các đồ vật mềm khác trong không gian ngủ của bé.
- Bé ngủ trong môi trường quá nóng có liên quan đến nguy cơ gặp hội chứng đột tử cao hơn. Vì vậy, phòng của con nên có nhiệt độ dễ chịu. Nếu thời tiết nóng, bạn nên kiểm tra xem trẻ có dấu hiệu bị nóng quá như đổ mồ hôi, ngực bé nóng hoặc da ửng đỏ hay không và điều chỉnh lại nhiệt độ cho phù hợp.
7. Có nên ngủ chung với con để trông chừng không?
Câu trả lời là không. Việc trẻ nhỏ dưới 1 tuổi ngủ chung giường với người lớn hoặc trẻ lớn khác cũng từng gây ra rất nhiều ca tử vong. Điều này là do người lớn hoặc trẻ lớn khác thay đổi tư thế trong khi ngủ, vô tình chặn miệng và mũi của bé và làm bé bị nghẹt thở. Bên cạnh đó, gối và chăn trên giường có thể cản trở đường thở của trẻ.
8. Có cách nào an toàn để theo dõi tình trạng của bé, đặc biệt là vào ban đêm không?
Bạn có thể ngủ cùng phòng với trẻ sơ sinh trong ít nhất sáu tháng đầu tiên, điều này giúp bạn dễ dàng hơn trong việc cho bé bú, dỗ dành và theo dõi trẻ. Hầu hết các bậc cha mẹ đặt cũi, nôi, hoặc sân chơi có đệm chắc chắn cho trẻ trong phòng ngủ của chính họ. Việc ở cùng phòng với trẻ giúp giảm rủi ro hội chứng đột tử khi ngủ SIDS tới 50%.
9. Nuôi con bằng sữa mẹ có bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi hội chứng đột tử khi ngủ không?
Có! Trẻ bú sữa mẹ trong tối thiểu 2 tháng sẽ giảm ít nhất 50% nguy cơ gặp hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ nhỏ. Điều này có thể là do trẻ sơ sinh chỉ bú sữa mẹ có thể thức dậy dễ dàng và thường xuyên hơn so với trẻ bú sữa công thức. Những lần thức dậy thường xuyên này sẽ bảo vệ em bé.
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng tăng cường miễn dịch cho bé, là một việc đóng vai trò quan trọng trong giấc ngủ an toàn. Học viên Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị cho con bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu và lâu hơn nếu có thể.
10. Việc tiếp xúc với khói thuốc có làm tăng nguy cơ tử vong do SIDS không?
Các nghiên cứu cho thấy rằng hút dù chỉ 1 điếu thuốc mỗi ngày khi đang mang thai làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sau khi sinh. Bên cạnh đó, để trẻ tiếp xúc với khói thuốc thụ động sau sinh ra cũng sẽ làm tăng nguy cơ này. Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá dễ bị cảm lạnh và gặp các vấn đề hô hấp nhiều hơn so với trẻ không tiếp xúc khói thuốc.
Ngoài ra, cứ 5 trẻ sinh ra từ những người hút thuốc trong thời kỳ mang thai thì có 1 trẻ bị nhẹ cân - cũng là một yếu tố nguy cơ của SIDS.
Hãy nhớ, KHÔNG BAO GIỜ hút thuốc gần trẻ nhỏ, bao gồm thuốc là thường và thuốc lá điện tử, có chứa nicotin.
11. Có thiết bị đặc biệt nào có thể giúp ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ không?
Có! Sử dụng núm vú giả đã được chứng minh là có thể bảo vệ trẻ nhỏ khỏi hội chứng này, đồng thời mang lại cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng cho trẻ dưới 1 tuổi. Nếu bạn đang cho con bú mẹ hoàn toàn, hãy đợi cho đến khi con bạn bú tốt và bắt đầu tăng cân rồi sau đó mới cho bé sử dụng núm vú giả. Trẻ bú sữa công thức có thể ngậm núm vú giả bất cứ lúc nào. Nếu những lần đầu bé nhả núm vú giả, hãy kiên nhẫn mời thêm.
Bạn KHÔNG nên sử dụng máy đo nhịp tim tại nhà với hy vọng giảm nguy cơ gặp hội chứng đột tử ở trẻ. Không có bằng chứng nào cho thấy những công cụ này thực sự hiệu quả. Tốt hơn hết là bạn nên dựa vào các hướng dẫn về giấc ngủ an toàn được hướng dẫn bởi học viện Nhi khoa Hoa Kỳ kể trên.
Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam
Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam, nơi chăm sóc sức khỏe trẻ em đáng tin cậy ngay tại trung tâm quận 7.
Với đội ngũ chuyên môn Nhi khoa nhiều năm kinh nghiệm bao quát tất cả các lĩnh vực nhi khoa, Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam là lựa chọn chăm sóc sức khỏe cho bé thuận tiện và đáng tin cậy:
- Vị trí ngay trung tâm Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7
Bệnh viện chuyên về Sản – Nhi – IVF có hệ thống phòng khám Nhi đa dạng và chuyên sâu cho trẻ từ sơ sinh đến 16 tuổi
- Dịch vụ khám ngoài giờ thuận tiện cho Quý phụ huynh
- Giờ hoạt động Phòng khám Nhi: T2 - T7, 7:30 – 19:30 và Tiêm chủng: T2 - T7, 7:30 – 16:30
- Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn hiện đại hàng đầu đảm bảo sự an toàn của khách hàng, đặc biệt là trẻ nhỏ
Tại Bệnh viện Phương Nam, tại Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam, trẻ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện theo từng mốc độ tuổi quan trọng suốt thời gian trưởng thành:
- 5 mốc độ tuổi quan trọng của trẻ cần được theo giám sát: Sơ sinh - Nhũ nhi (1 tuần tuổi - 12 tháng), Mầm non (12 tháng – 3 tuổi), Trẻ mẫu giáo (3 – 6 tuổi), Tuổi đi học (6 - 12 tuổi), và Tuổi vị thành niên (12 - 16 tuổi)
- Chương trình Nhi Khoa Phát Triển tiên phong tại Việt Nam
- Chương trình tầm soát, điều trị tiêu hoá cho trẻ em và nội soi tiêu hoá nhi
- Tầm soát, điều trị các vấn để về nội tiết và dậy thì sớm
- Chương trình tiêm chủng theo độ tuổi có bác sĩ Nhi tư vấn
- Chương trình tái khám và theo dõi dành riêng cho trẻ sinh non và trẻ sơ sinh nguy cơ cao
- Tầm soát và điều trị các vấn đề về dinh dưỡng trẻ em
Chúng tôi mang đến trải nghiệm chăm sóc sức khỏe thoải mái và bổ ích cho gia đình với Bác sĩ thân thiện, cởi mở, sẵn sàng dành thời gian tư vấn và đồng hành cùng gia đình; và hướng dẫn trẻ và bố mẹ cách duy trì lối sống lành mạnh hằng ngày cho con bên cạnh việc tư vấn bệnh lý.
---------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.