Hồi sức sơ sinh ngay trong 2 giờ đầu với phương pháp bơm Surfactant ít xâm lấn (LISA)

Chú thích ảnh: Chăm sóc trẻ tại Khu Hồi sức sơ sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam
Em bé Q.T.V (Đã thay đổi tên nhân vật) sinh non 30 tuần 05 ngày, cân nặng lúc sinh 1785 gam, được bác sĩ sơ sinh và ekip theo dõi và tham gia đón bé ngay tại phòng mổ Bệnh viện Phương Nam. Sau sinh, bé suy hô hấp được thở áp lực dương ngay tại phòng mổ và chuyển về khu Hồi sức sơ sinh (NICU).
ThS. Bác sĩ Nguyễn Tố Na, Khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Phương Nam chia sẻ: “Mọi công tác hồi sức, chẩn đoán và chuẩn bị thuốc diễn ra khẩn trương ngay trong 2 giờ đầu tiên sau chào đời”. Sau khi được theo dõi và làm xét nghiệm, em bé được chẩn đoán mắc bệnh màng trong hay còn gọi là hội chứng suy hô hấp trẻ sơ sinh.
Bệnh màng trong là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh non tháng, có khả năng gây suy hô hấp nặng, tử vong hoặc thở máy kéo dài, xơ phổi hay còn gọi là loạn sản phổi cùng rất nhiều hệ lụy nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời. Trẻ sơ sinh bệnh màng trong cần được hỗ trợ thở và bơm thuốc hỗ trợ phổi sớm trong vài giờ đầu (surfactant - hay còn gọi là chất hoạt diện - chất giúp phổi trẻ sơ sinh nở tốt và trao đổi khí ở trẻ sơ sinh bình thường nhưng thường bị thiếu hụt ở trẻ non tháng). |
Phương pháp bơm thuốc vào phổi được các bác sĩ lựa chọn là phương pháp bơm Surfactant ít xâm lấn (LISA). Đây là phương pháp tiên tiến, cần một ekip được huấn luyện, khó thực hiện nhưng nhẹ nhàng hơn cho bệnh nhi. Ở phương pháp này, trẻ không cần phải đặt ống thở để bơm thuốc, giảm nguy cơ sang chấn đường thở, tránh phụ thuộc máy thở, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Phương pháp bơm Surfactant ít xâm lấn (LISA) hiện được áp dụng rộng rãi trên thế giới và Việt Nam.
Tại khu Hồi sức sơ sinh, bé cũng được thở máy không xâm lấn. Đây là một hình thức hỗ trợ hô hấp cho trẻ sơ sinh có trên các dòng máy thở hiện đại và dây thở mềm mại, giảm tỷ lệ đặt nội khí quả xâm lấn trên trẻ sơ sinh suy hô hấp, giảm đáng kể các biến chứng nguy hiểm do thở máy như tràn khí màng phổi, tổn thương dây thanh, viêm phổi thở máy, không gây đau đớn cho trẻ.
2 tháng nuôi bé và từng giọt sữa non quý giá trong phòng NICU
Tại khu Hồi sức sơ sinh, em bé đã sớm cai được máy thở, ăn sữa tăng dần. Trong suốt quá trình, gia đình em bé được động viên, tạo điều kiện cho mẹ vắt sữa cho bé, mọi giọt sữa non quý giá đều được tận dụng. Tại khu NICU, bé được mẹ ấp kangaroo hàng ngày, tập bú mẹ trực tiếp.
Bé non tháng còn hay ngưng thở, bú nuốt chưa tốt, bé được theo dõi 24/24 tập bú ngày, đêm, cùng vật lý trị liệu bú nuốt mỗi ngày. Mỗi ngày số lượng sữa trẻ tự bú được tăng lên, cơn ngưng thở giảm đi là niềm vui, động lực cho Ekip Hồi sức sơ sinh.
Bé cũng được theo dõi về tăng cân, bổ sung năng lượng, vi chất phù hợp cho trẻ non tháng, chủng ngừa, xét nghiệm sàng lọc toàn diện các vấn đề sơ sinh, non tháng thường gặp phải, khám mắt, siêu âm tim, đo thính lực, siêu âm não, bụng, khớp háng.
Trong đó, có cả bệnh lý xương chuyển hóa rất thường gặp ở trẻ non tháng nguy cơ cao có thể gây loãng xương, gãy xương nhưng diễn tiến âm thầm, dễ bỏ sót. Mọi vấn đề của trẻ từ nhỏ nhất đều được quan tâm sát sao mục tiêu giúp trẻ phát triển khỏe mạnh nhất, toàn diện nhất, bắt kịp trẻ đủ tháng.
Theo Khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Phương Nam: “Sau hơn 2 tháng điều trị tại NICU, Khoa Nhi – Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam, bé Q.T.V đã được xuất viện với thể trạng như một trẻ đủ tháng về cả cân nặng chiều dài, vòng đầu, bú giỏi, không biến chứng, không di chứng, mọi xét nghiệm trong ngưỡng bình thường.”
Một em bé sinh ra bé nhỏ, yếu ớt, nhưng với tình yêu thương và quá trình hồi sức chăm sóc sơ sinh chuyên nghiệp, tỉ mỉ, toàn diện đã giúp bé hoàn thiện tối ưu nhất như một trẻ sinh đủ tháng khi xuất viện. Chính vì vậy, theo các chuyên gia y tế, trẻ sơ sinh nguy cơ cao được sanh tại trung tâm có khả năng hồi sức sơ sinh là một yếu tố cực kỳ quan trọng ban đầu giúp con cải thiện tỷ lệ sống còn và phát triển bắt kịp các em bé bình thường.
Hiện Bệnh viện Phương Nam đã triển khai chương trình THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM TRẺ SINH NON do các Bác sĩ Sơ sinh có kinh nghiệm phụ trách, thăm khám theo lịch trình trẻ sơ sinh, đặc biệt là sơ sinh sinh non và sơ sinh nguy cơ cao sau xuất viện. Rất nhiều vấn đề của trẻ sẽ được kiểm tra, đánh giá và tiếp tục theo dõi bao gồm: Tăng trưởng và phát triển có tốt, có phù hợp trong vòng 6 tháng đến 12 tháng sau sinh; các vấn đề bệnh và biến chứng sinh non trong trước đây được đánh giá lại và xem xét tiến triển thuận lợi hay không; Một số vấn đề khác của trẻ như thị lực, thính lực, thần kinh, vận động, tiêm chủng cần được đánh giá lại và giới thiệu thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa liên quan nếu cần thiết.