PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VẬN ĐỘNG CHO TRẺ SINH NON

02/12/2024
Nội dung chính xem nhanh

Trẻ sinh non có thể gặp các vấn đề về vận động cần được vật lý trị liệu phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của bé. Phục hồi chức năng vận động cho trẻ sinh non giúp trẻ có thể sinh hoạt như bình thường.

1. Các vấn đề về thần kinh vận động ở trẻ sinh non là gì?

Trẻ sinh non dưới 37 tuần thai có nguy cơ gặp phải những vấn đề về vận động như:

  • Hay gặp hiện tượng căng cơ, hoặc co cứng cơ, hoặc rối loạn phản xạ, có thể kéo dài đến 12 tháng sau sinh hoặc dài hơn. Các bất thường này cần được theo dõi, vật lý trị liệu và phục hồi vận động trong thời gian dài.
  • Bệnh bại não khiến trẻ có bất thường về vận động và phản xạ, có kèm hoặc không kèm bệnh lý xuất huyết não màng não trung bình nặng, hoặc nhuyễn hóa chất trắng quanh não thất, tiến triển từ giai đoạn sơ sinh. Các bất thường này cần theo dõi và điều trị bởi bác sĩ nhi khoa tổng quát, bác sĩ sơ sinh, bác sĩ thần kinh nhi, chuyên viên vật lý trị liệu; đồng thời theo dõi sau xuất viện. 

Đa số các bất thường về co cứng và vận động sẽ phục hồi theo thời gian, vì các tổn thương não ở trẻ sơ sinh cải thiện rất tốt. Tuy nhiên, gia đình nên tuân thủ theo hướng dẫn tư vấn và đánh giá của bác sĩ để chăm sóc điều trị và phục hồi chức năng vận động cho trẻ sinh non theo từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Dù vậy, một số trường hợp bại não nặng, có thể đi kèm co giật và các tổn thương ở các hệ cơ quan như thính giác, cảm giác, nhận thức, ngôn ngữ, vận động và tương tác xã hội. Do đó cần có hoạt động phục hồi chức năng vận động cho trẻ sinh non. 

2. Khi nào trẻ sinh non nên được đánh giá phát triển thần kinh vận động và trị liệu để phục hồi vận động?

Ở trẻ sinh non nhẹ cân, nguy cơ bại não cao hơn nhiều so với trẻ đủ tháng. Bởi vì, não trẻ sinh non dễ bị tổn thương do thiếu oxy và dễ bị xuất huyết hơn. Do vậy, việc theo dõi tái khám định kỳ và điều trị phục hồi chức năng sau khi xuất viện là rất cần thiết.

Khi đánh giá phát triển ở trẻ sinh non cần căn cứ theo tuổi hiệu chỉnh sau sinh. Ví dụ: trẻ sinh non 28 tuần (tức sinh ra sớm trước 12 tuần), hiện đến khám đã sinh được 20 tuần thì cần trả lại cho trẻ 12 tuần tuổi bị thiếu, như vậy tuổi hiệu chỉnh của trẻ là 8 tuần (2 tháng tuổi).  

Ba mẹ nên quan sát xem con có những bất thường dưới đây không và đưa con đi khám:

  • Trẻ vẫn nắm chặt bàn tay đến tháng thứ 3 mà vẫn không tự mở ra được, hoặc không có phản ứng với các kích thích.
  • Trẻ không thể giữ thẳng đầu sau 4 tháng.
  • Đến tháng thứ 5, trẻ không trườn để lấy đồ vật.
  • Sau 7 tháng trẻ không ngồi vững.
  • Đến 12 tháng trẻ không thể bò, hoặc bám tường hay thành giường để đứng lên.
  • Trẻ chỉ sử dụng một tay.

3. Những triệu chứng của bệnh bại não ba mẹ cần lưu ý 

Triệu chứng của bệnh bại não rất khác nhau ở từng trẻ, tùy thuộc vào bộ phận và mức độ tổn thương não. Một số trường hợp có biểu hiện nặng và rõ từ sau sinh, còn đa số khó có thể phát hiện trong suốt một thời gian dài. Các triệu chứng của bệnh sẽ được biểu hiện qua các cử động và tư thế bất thường theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, bao gồm:  

  • Đi nhón chân và đi vặn vẹo: Đi nhón chân là đi bằng đầu ngón chân, xuất hiện do cơ gấp đầu ngón chân bị cứng nghiêm trọng hoặc cơ bị ngắn. Đi vặn vẹo là hiện tượng đi với tình trạng hai đầu gối và khớp hông uốn cong do cơ bắp gân kheo và cơ đai chậu bị cứng hoặc rút ngắn.
  • Đi bắt chéo: Tình trạng các cơ phụ của khớp hông bị cứng nghiêm trọng. Nếu liên tục cứng mà không được điều trị đúng cách có thể xảy ra tình trạng co thắt khớp hông.
  • Rối loạn kèm theo: Do không chỉ khu vực điều khiển vận động ở não bộ bị tổn thương mà còn ở các khu vực khác nên trẻ có thể bị các chứng rối loạn khác. Chúng sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị rối loạn vận động. Vì vậy, việc chẩn đoán tất cả rối loạn từ sớm để kết hợp trị liệu là điều rất quan trọng. Khoảng 50% bệnh bại não kèm suy giảm trí tuệ, thường đi liền với liệt tứ chi thể cứng và có xu hướng tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của rối loạn vận động.
  • Co giật: Co giật thường hay kèm theo cơn giật cơ mạnh ở thể bại liệt tứ chi thể cứng và cơn giật cơ nhỏ ở liệt nửa người nhỏ, cần dùng thuốc chống co giật. Nếu không kiểm soát tốt co giật, trẻ sẽ bị hạn chế phát triển nhận thức và việc phục hồi chức năng vận động cho trẻ sinh non cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có khoảng 60% trường hợp có chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn phát âm, mất cân bằng xung quanh mắt dẫn đến lác, bệnh võng mạc ở trẻ nhỏ với rối loạn về thị giác. Ngoài ra, trẻ còn có thể mắc kèm theo rối loạn ăn uống, rối loạn thính giác, chậm phát triển, rối loạn tiếp thu.

4. Mục đích phục hồi chức năng vận động cho trẻ sinh non bị hoặc có nguy cơ bị bại não 

Điều trị bại não nhằm giảm thiểu các rối loạn kèm theo, bao gồm rối loạn vận động, giảm các biến dạng thứ phát hoặc biến chứng có thể xảy ra. Đây là điều trị toàn diện, kết hợp nhiều phương pháp sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ và mức độ nghiêm trọng của rối loạn. 

Hiện nay, cách phổ biến nhất là liệu pháp phát triển thần kinh, giúp tái tạo lại bộ não bị tổn thương và cải thiện chức năng thông qua phát triển vận động. Ngoài ra còn có trị liệu thao tác để trẻ có thể sinh hoạt bình thường, cải thiện chức năng chi trên, phát triển nhận thức, trường hợp rối loạn ăn uống thì trị chứng khó nuốt, trường hợp kèm theo các triệu chứng như chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn phát âm thì điều trị ngôn ngữ nhưng phải bắt đầu vào thời điểm phù hợp. Không nhất thiết phải tiến hành tất cả cùng một lúc mà cần phải kết hợp một cách thích hợp. Điều quan trọng là điều trị càng sớm càng tốt để giảm bất kỳ rối loạn nào. 

5. Phục hồi chức năng vận động cho trẻ sinh non

5.1. Các tư thế đúng

Trong sinh hoạt hàng ngày, ba mẹ cần lưu ý các tư thế sau đây:

  • Tư thế nằm thẳng: Đầu hướng về phía trung tâm, hai tay chắp lại là tốt nhất. Giữ cho vai không bị nghiêng về phía sau, đầu hơi cúi nhưng không nâng vai lên và xương chậu hơi cong về phía trước

 Tư thế nằm ngửa

  • Tư thế nằm sấp: Đây là tư thế tốt cho trẻ sinh non để nâng đầu trẻ lên. Ở tư thế nằm sấp, cho trẻ quay đầu sang 2 bên, đầu ở giữa, tay và vai ở phía trước, chân nên để thoải mái tự nhiên 

 Tư thế nằm sấp

  • Tư thế nằm nghiêng: Cho bé nằm nghiêng lần lượt sang trái rồi phải, giúp trẻ để hai tay đặt ở giữa người. Tư thế một chân cong lên để đỡ, tay đưa ra phía trước khoảng một góc 90 độ là phù hợp.

 Tư thế nằm nghiêng

  • Tư thế khi ôm trẻ: Ôm trẻ sao cho con thấy thoải mái.

 Tư thế ôm trẻ

5.2. Các bài tập đơn giản ba mẹ có thể tập cho con

Trẻ em bị rối loạn phát triển, bao gồm bại não, dễ bị thoái hóa khớp do cứng cơ. Để ngăn chặn điều thoái hóa khớp và biến dạng khớp, nên thực hiện các bài tập khớp liên tục. Những động tác phục hồi chức năng vận động cho trẻ sinh non đơn giản mà ba mẹ có thể giúp con tập tại nhà bao gồm: 

  • Giơ tay lên: Để bé ở tư thế nằm thẳng và giữ vai bằng một tay để trẻ không nhấc vai lên, tay kia giữ cổ tay và nâng tay đó lên phía trên đầu với khuỷu tay mở rộng.

 Động tác giơ tay lên

  • Kéo tay vào phía trong ở tư thế tay mở ra bên cạnh: Đặt bé ở tư thế nằm, giữ vai trẻ bằng một tay để trẻ không thể nhấc vai lên, tay còn lại giữ cổ tay trẻ và gập cánh tay đi ngang qua thân về phía cánh tay đối diện.

 Động tác kéo tay vào trong

  • Xoay cánh tay: Đặt trẻ ở tư thế nằm, duỗi cánh tay từ thân sang bên cạnh một góc 90 độ, sau khi gập khuỷu tay giữ cổ tay của trẻ rồi đưa lên trên sau đó hạ xuống.

 Động tác xoay cánh tay

  • Mở cánh tay sang bên cạnh: Đặt bé nằm thẳng rồi giữ vai bằng một tay để trẻ không thể nhấc vai lên; tay kia giữ cổ tay trẻ, kéo cánh tay sang bên cạnh ra xa khỏi cơ thể.

 Động tác mở cánh tay sang bên

  • Gập chân: Đặt trẻ ở tư thế nằm thẳng, một tay giữ đầu gối bên trái, tay còn lại giữ gót chân. Kéo gập chân trẻ về phía ngực rồi hạ xuống.

Động tác gập chân

  • Nâng chân về phía sau: Đặt trẻ nằm sấp, một tay cố định mông bên trái, tay còn lại đặt bên dưới đầu gối. Nâng chân trẻ lên về phía sau.

 Động tác nâng chân về phía sau

  • Mở và đóng chân sang bên cạnh: Đặt trẻ nằm thẳng, một tay cố định phần xương chậu, một tay nắm vào gót chân của trẻ. Kéo mở chân trẻ sang bên cạnh rồi sau đó kéo về sát với chân bên kia.

 Động tác đóng mở chân sang bên cạnh

  • Uốn cong đầu gối, khớp hông và xoay chân: Đặt trẻ ở tư thế nằm, uốn cong khớp hông và khớp đầu gối ở góc 90 độ. Một tay cố định phần trên đầu gối, tay còn lại đặt ở gót chân của trẻ. Xoay chân để đầu gối hướng vào trong, gót chân hướng ra ngoài; sau đó xoay gót chân vào trong.

 Động tác uốn đầu gối, khớp hông và xoay chân

5.3. Một số biện pháp đơn giản khác để phục hồi chức năng vận động cho trẻ sinh non

Ba mẹ có thể thực hiện những điều sau đây tại nhà theo từng giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh:

  • Ôm chơi với trẻ: Cha mẹ để chân hơi gập lại rồi đặt trẻ nằm thoải mái trong lòng. Để trẻ nằm ngửa, cong khớp hông uốn cong và bàn chân đặt lên ngực của cha mẹ. Vươn cả hai tay về phía trước ở vị trí trẻ có thể dễ dàng nhìn rồi chơi với trẻ.
  • Kích thích trẻ tự điều chỉnh cổ và chức năng chi trên ở tư thế nằm sấp: Để trẻ nằm sấp, cuộn khăn rồi đặt dưới ngực trẻ. Đặt đồ chơi ở giữa, ngay trước mặt trẻ để thúc đẩy con tự điều chỉnh cổ. Vị trí đặt đồ chơi vừa tầm sao cho con chạm tay đến được.
  • Di chuyển cơ thể ở tư thế ngồi: Ba mẹ ngồi duỗi chân ở phía sau lưng trẻ. Để tay dưới nách rồi giữ trẻ và cho trẻ tập luyện di chuyển cơ thể sang bên phải; sau đó cùng di chuyển cơ thể con về giữa; cuối cùng di chuyển cơ thể về bên trái.

Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam

Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam, nơi chăm sóc sức khỏe trẻ em đáng tin cậy ngay tại trung tâm quận 7.  

Với đội ngũ chuyên môn Nhi khoa nhiều năm kinh nghiệm bao quát tất cả các lĩnh vực nhi khoa, Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam là lựa chọn chăm sóc sức khỏe cho bé thuận tiện và đáng tin cậy:

  • Vị trí ngay trung tâm Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7
  • Bệnh viện chuyên về Sản – Nhi – IVF có hệ thống phòng khám Nhi đa dạng và chuyên sâu cho trẻ từ sơ sinh đến 16 tuổi
  • Dịch vụ khám ngoài giờ thuận tiện cho Quý phụ huynh
  • Giờ hoạt động Phòng khám Nhi: T2 - T7, 7:30 – 19:30 và Tiêm chủng: T2 - T7, 7:30 – 16:30
  • Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn hiện đại hàng đầu đảm bảo sự an toàn của khách hàng, đặc biệt là trẻ nhỏ

Tại Bệnh viện Phương Nam, tại Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam, trẻ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện theo từng mốc độ tuổi quan trọng suốt thời gian trưởng thành:

  • 5 mốc độ tuổi quan trọng của trẻ cần được theo giám sát: Sơ sinh - Nhũ nhi (1 tuần tuổi - 12 tháng), Mầm non (12 tháng – 3 tuổi), Trẻ mẫu giáo (3 – 6 tuổi), Tuổi đi học (6 - 12 tuổi), và Tuổi vị thành niên (12 - 16 tuổi)
  • Chương trình Nhi Khoa Phát Triển tiên phong tại Việt Nam
  • Chương trình tầm soát, điều trị tiêu hoá cho trẻ em và nội soi tiêu hoá nhi
  • Tầm soát, điều trị các vấn để về nội tiết và dậy thì sớm
  • Chương trình tiêm chủng theo độ tuổi có bác sĩ Nhi tư vấn
  • Chương trình tái khám và theo dõi dành riêng cho trẻ sinh non và trẻ sơ sinh nguy cơ cao
  • Tầm soát và điều trị các vấn đề về dinh dưỡng trẻ em

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn