Giấc ngủ ở trẻ nhỏ và cách giúp trẻ ngủ ngon hơn

18/09/2023
Nội dung chính xem nhanh

Trẻ nhỏ không có chu kỳ giấc ngủ đều đặn cho đến khoảng 4 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh ngủ khoảng 16 đến 17 giờ mỗi ngày và trẻ có thể chỉ ngủ 1 hoặc 2 giờ mỗi lần. Khi trẻ lớn hơn, trẻ ngủ ít hơn. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có có nhu cầu ngủ khác nhau.

Nguồn ảnh: Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ

1. Các giai đoạn của giấc ngủ sơ sinh 

Giấc ngủ ở trẻ sơ sinh khác với ở trẻ lớn hơn và người lớn. Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ được chia làm 2 loại: giấc ngủ có sự chuyển động mắt nhanh và giấc ngủ không có sự chuyển động mắt nhanh và giấc ngủ trải qua các giai đoạn sau:

1.1 Buồn ngủ

Giai đoạn 1: Buồn ngủ: bé có thể ngủ gật trong giai đoạn này.

1.2 Giấc ngủ động

Giai đoạn 2: Giấc ngủ có sự chuyển động mắt nhanh (còn được gọi là giấc ngủ động). Khi đó bé có thể giật cơ tay hoặc cơ chân, và mắt di chuyển dưới mí mắt đang nhắm nghiền.

Nhịp thở thường không đều và có thể ngừng trong 5 đến 10 giây. Sự ngừng thở 5-10 giây này là bình thường ở trẻ sơ sinh. Sau cơn ngừng thở đó, trẻ bắt đầu lại với một đợt thở nhanh với tốc độ 50-60 nhịp/phút trong 10-15 giây. Và sau đó là một nhịp thở đều đặn cho đến khi một chu kỳ mới với cơn ngừng thở.

Màu da của bé không hề thay đổi khi cơn ngừng thở 5-10 giây này xảy ra và cơn ngưng thở đó hoàn toàn bình thường, không đáng lo ngại. Khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi, những cơn ngừng thở ngắn 5-10 giây này sẽ biến mất. 

1.3 Giấc ngủ nhẹ

Giai đoạn 3: Giấc ngủ nhẹ: là giấc ngủ mà hơi thở đều đặn hơn và giấc ngủ trở nên ít hoạt động hơn. 

1.4 Giấc ngủ yên tĩnh

Giai đoạn 4 và 5: Giấc ngủ sâu không cử động mắt nhanh (còn được gọi là giấc ngủ yên tĩnh) Tình trạng giật các cơ chân, tay và các chuyển động khác chấm dứt và bé chìm vào giấc ngủ sâu thật sự. Trong giai đoạn 4 và 5 này, bé có thể khó đánh thức hơn.

2. Cách giúp trẻ ngủ ngon hơn

Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp con bạn và bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm.

2.1 Đối với tất cả trẻ sơ sinh:

  • Giữ yên tĩnh vào ban đêm. Cố gắng không kích thích trẻ hoặc đánh thức khi bạn cho trẻ ăn hoặc thay tã trong đêm. Nếu bạn nói, hãy nói nhẹ nhàng.
  • Vào ban ngày, hãy giữ trẻ thức lâu hơn để chơi cùng với bạn. Giữ trẻ tỉnh táo lâu hơn vào ban ngày sẽ giúp trẻ ngủ lâu hơn vào ban đêm. Bạn dành thời gian nói chuyện, đọc và chơi cùng với bé. 

2.2 Đối với bé từ 4 tháng tuổi trở lên:

  • Cho trẻ lên giường khi trẻ buồn ngủ. Đừng đợi cho đến khi trẻ ngủ rồi mới đặt trẻ lên giường. Điều này giúp trẻ học cách tự ngủ trên giường của mình. Nếu bạn bế trẻ hoặc đu đưa trẻ để trẻ ngủ, trẻ có thể khó ngủ lại nếu thức dậy trong đêm. Hãy nhớ đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ, đến khi trẻ được 1 tuổi. 
  • Đừng vội vã đến ngay để dỗ dành một trẻ nhỏ đang ngủ mà khóc. Bé cần thời gian để tự ngủ trở lại và bé cần học cách tự ngủ lại. Trẻ 6 tháng tuổi thức dậy trong đêm và ngủ lại sau vài phút là điều bình thường. Tất nhiên, bạn có thể cho trẻ bú, thay tã hoặc an ủi trẻ khi trẻ bệnh nếu cần. 

Nguồn: Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ

Nhóm biên dịch: BS.CKII Lê Nguyễn Nhật TrungBS.CKII Nguyễn Phương Khanh, Ths.Bs Trần Hà Phương Tâm, BS.CKI Trần Tiểu Thanh, Ths.Bs Nguyễn Thị Mỹ Phước

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU

Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện

 

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn