Gánh nặng tâm lý trên hành trình tìm con của những cặp vợ chồng hiếm muộn

03/10/2023

Con đường chinh phục ước mơ trở thành cha mẹ đầy gian truân và thử thách của những cặp đôi hiếm muộn có thể tạo ra nhiều tổn thương tâm lý như căng thẳng, trầm cảm, lo âu, tuyệt vọng…

Phải đối mặt với tình trạng hiếm muộn là một trải nghiệm đầy khó khăn và mệt mỏi với bất kỳ ai trên thế giới này. Bởi lẽ, hiếm muộn không đơn thuần chỉ là một vấn đề sức khỏe mà nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày, đến tình trạng kinh tế, đến các mối quan hệ xã hội và đặc biệt là sức khỏe tâm lý tâm thần của người mắc phải.

Hiếm muộn có ảnh hưởng thế nào?

Tác động tâm lý: Đa phần mọi người khi bước vào mối quan hệ hôn nhân đều muốn có con, và nếu giấc mơ đó không thành hiện thực, nó có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng, tuyệt vọng và căng thẳng tinh thần cũng như cảm giác phẫn nộ, cô độc, hối hận, đau buồn và ghen tuông. Việc khó khăn để mang thai và đối phó với áp lực từ gia đình và xã hội cũng mang lại rất nhiều nỗi đau cho người phụ nữ. Đặc biệt khi ở Việt Nam, người ta thường cho rằng phụ nữ là nguyên nhân chính gây hiếm muộn. Bên cạnh đó, đàn ông cũng sẽ gặp phải các vấn đề tâm lý tương tự khi phải đương đầu với tình trạng hiếm muộn.

Tác động của mối quan hệ: Sự bất ổn trong hôn nhân là một trong những thách thức phổ biến nhất đi kèm với hiếm muộn. Đổ lỗi cho nhau, thiếu hỗ trợ và thiếu chấp nhận ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân, điều này có thể tàn phá mối quan hệ tình cảm của những cặp đôi hiếm muộn. Không chỉ vậy, hiếm muộn cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ khác bởi đôi khi người bệnh sẽ tự cô lập mình với mọi người để tránh các tình huống gợi nhắc nỗi đau về con cái của họ.

Ảnh hưởng đến sự gần gũi về thể chất: Sự căng thẳng và lo lắng gây ra bởi tình trạng hiếm muộn có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ và thậm chí cả trải nghiệm tình dục, khiến việc thụ thai tự nhiên trở nên khó khăn hơn và đồng thời có thể khiến chất lượng điều trị hiếm muộn kém hiệu quả hơn.

Các vấn đề xã hội: Đối với xã hội Việt Nam hiện nay, vấn đề hiếm muộn là một vấn đề xã hội hơn là vấn đề sinh học. Sự thiếu nhận thức của những người xung quanh có thể ảnh hưởng đến cách một người đón nhận tin tức này. Có nhiều trường hợp, chẩn đoán hiếm muộn có thể khơi mào cho những bất hòa với bố mẹ chồng, bị đe dọa bỏ rơi, kỳ thị, phân biệt đối xử và thậm chí bị bạo lực thể chất lẫn tinh thần.

Làm thế nào để ứng phó với hiếm muộn một cách lành mạnh?

 Bạn có thể khó kiểm soát cảm xúc khi phải đương đầu với tình trạng hiếm muộn, tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không hề đơn độc. Tìm được người đồng hành và hỗ trợ sẽ khiến gánh nặng tâm lý của bạn được giải tỏa đi rất nhiều. Điều quan trọng là bạn phải thực hiện các biện pháp thích hợp và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.

Chấp nhận tình trạng của bản thân: Đương đầu với hiếm muộn có rất nhiều gánh nặng tinh thần và cách chữa trị hữu hiệu nhất là bắt đầu bằng sự chấp nhận. Để tiến về phía trước, trước tiên các cặp vợ chồng cần chấp nhận rằng vấn đề này tồn tại và sẽ mất nhiều thời gian cũng như sự nỗ lực. Chấp nhận hoàn cảnh sẽ giúp các cặp đôi lập kế hoạch tốt hơn cho các bước tiếp theo.

Tìm hiểu về các lựa chọn: Một phần khó khăn khi đối phó với hiếm muộn là cảm giác bất lực và không biết phải làm gì tiếp theo. Nếu bạn ở trong tình huống này, bạn có thể đến gặp các bác sĩ tư vấn hiếm muộn và tìm hiểu về tình trạng hiếm muộn sẽ giúp hai vợ chồng lên kế hoạch điều trị đúng thời điểm. Điều này không chỉ làm sáng tỏ những nghi vấn, xoa dịu những lo lắng, căng thẳng liên quan đến điều trị hiếm muộn.

Đừng đổ lỗi cho bản thân: Chấp nhận hiếm muộn là một điều khó thực hiện, nhưng điều quan trọng là bạn không tự trách mình khi chấp nhận điều này. Trong hầu hết các tình huống, việc một người hiếm muộn hoặc khó thụ thai không phải lỗi của bản thân họ; đó là sự kết hợp giữa di truyền và các yếu tố khác mà bạn không thể kiểm soát. Đổ lỗi cho bản thân về việc hiếm muộn sẽ không giúp ích gì cho mục tiêu xây dựng gia đình của bạn; thay vào đó, hãy tập trung năng lượng của bạn vào những bước tích cực mà bạn có thể thực hiện để đạt được những mục tiêu đó.

Luôn đồng hành cùng vợ/chồng của bạn: Hiếm muộn là một trong những nguyên nhân chính sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ hôn nhân. Những cặp vợ chồng như vậy thường phải đối mặt với căng thẳng trong mối quan hệ của họ. Chấp nhận và hiểu rằng người bạn đời của bạn cũng ở cùng một con thuyền với bạn và cần sự chấp nhận và thông cảm của bạn. Bạn cần hiểu rằng bạn đời của bạn cũng đang trải qua vấn đề giống như bạn và cần được hỗ trợ để đối phó với tình trạng hiếm muộn.

Tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý: Bạn không cần phải trải qua những khó khăn khi ứng phó với hiếm muộn một mình. Hãy tin rằng luôn có rất nhiều người quan tâm đến bạn và sẽ nỗ lực để làm cho bạn hạnh phúc. Đó có thể là bạn đời, gia đình hoặc bạn bè của bạn. Việc gặp gỡ các chuyên viên tâm lý tại IVF Phương Châu cũng giúp bạn chia sẻ cảm xúc và bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ khách quan và chuyên nghiệp từ họ. Vượt qua hiếm muộn là một việc khó khăn và không có gì phải xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn và vợ/chồng của bạn đang cảm thấy căng thẳng và thất vọng về hành trình này.

Tài liệu tham khảo:

1. Trương Quang Lâm (2022), Hiếm muộn và những tổn thương tâm lý, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

2. Janet Jaffe (2020), Detours on the Fertility Journey: Helping Clients Navigate Their Options, Psychology Networker Magazine, Issue July/August 2020.

3. Diana Crasta (2022), Life of a couple with fertility issues: The changes and impact of infertility and how to cope, The Health Site.

Cố vấn chuyên môn bài viết

CN. Võ Thị Ngọc Hân

Chuyên viên Tư vấn tâm lý

Khoa Hiếm muộn IVF Phương Châu (Cần Thơ)

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn