VÌ SAO CẦN SIÊU ÂM TRONG KHÁM THAI? – TỔNG KẾT LIVESTREAM

Từ những chia sẻ chuyên môn của các bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ Sản khoa, các gia đình bầu sẽ cần lưu ý 4 điều cần thiết sau:

1. Các giai đoạn siêu âm quan trọng

Đối với các mẹ bầu không có bệnh lý đặc biệt, số lần siêu âm trong suốt thai kỳ sẽ vào khoảng 14 – 15 lần:

- 3 tháng đầu & 3 tháng giữa: Trung bình 4 tuần siêu âm một lần

- Từ 34 tuần trở đi: Tần suất siêu âm cũng như khám thai sẽ dày hơn với mỗi tuần một lần đến lúc vượt cạn

Trong đó, các mốc siêu âm quan trọng các mẹ bầu cần ghi nhớ và thực hiện đầy đủ bao gồm:

- Dưới 6 tuần: Siêu âm xác nhận túi thai nằm trong hay ngoài tử cung để bác sĩ xử trí kịp thời

- 7 – 10 tuần: Siêu âm dự đoán ngày sinh chính xác

- 12 tuần: Siêu âm đo độ mờ da gáy, xét nghiệm sàng lọc một số bất thường nhiễm sắc thể (NST)

- 16 tuần: Đánh giá lại thai

- 20 – 22 tuần: Khảo sát hình thai học thai nhi lần đầu (Siêu âm 4D)

- 24 – 26 tuần: Khảo sát hình thái học lần 2 (Siêu âm 4D)

========

2. “Đến thời điểm hiện tại, khoa học đã chứng minh: Siêu âm nhiều lần trong thai kỳ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé” – Theo BS. CKI. Trần Thanh Truyền – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh BVQT Phương Châu Sóc Trăng. Do đó, mẹ bầu có thể yên tâm khám thai và siêu âm đầy đủ theo chỉ định để bác sĩ có thể theo dõi, đánh giá sự phát triển của thai, kịp thời can thiệp khi nhận thấy bất thường.

Ngoài ra, siêu âm đánh giá chiều dài kênh cổ tử cung còn giúp tiên đoán nguy cơ sinh non và dự phòng sinh non. Từ đó có thể cải thiện kết cục thai kỳ.

========

3. Đã thực hiện NIPT (Sàng lọc trước sinh không xâm lấn) rồi vẫn nên siêu âm đo độ mờ da gáy

Theo BS. CKI. Trần Thế Hùng – Phó khoa Phụ Sản BVQT Phương Châu Sóc Trăng: NIPT giúp sàng lọc các dị tật do bất thường nhiễm sắc thể, nên với các dị tật ở vùng cổ và những bất thường không liên quan đến NST, chỉ khi siêu âm đo độ mờ da gáy mới có thể phát hiện được.

Vì vậy, cần siêu âm đo độ mờ da gáy ngay cả khi đã thực hiện NIPT để kịp thời phát hiện, hạn chế bỏ sót các dị tật ở vùng cổ thai nhi, đảm bảo thai kỳ an toàn cho mẹ và bé.

========

4. Chuẩn bị những gì trước khi siêu âm?

Tùy vào bộ phận cần khảo sát, khách hàng có thể nhịn tiểu hoặc tiểu sạch trước khi siêu âm.

- Đối với siêu âm tử cung – phần phụ qua ngã bụng, mẹ bầu cần uống nước và nhịn tiểu để bàng quang căng, giúp khảo sát tốt hơn.

- Đối với siêu âm đầu dò, mẹ bầu phải tiểu sạch trước khi siêu âm

Siêu âm thì không thể nóng vội, các gia đình bầu nên dành hẳn một quỹ thời gian rộng rãi trong ngày siêu âm bởi bé không chịu “hợp tác”

- Khi siêu âm đo độ mờ da gáy, nếu tư thế thai không thuận lợi, bác sĩ sẽ rất khó khảo sát và mẹ bầu cần đi dạo vài vòng để thay đổi tư thế của bé.

- Đối với siêu âm 3D, 4D: Thời gian thực hiện cũng sẽ lâu hơn khi bé nằm sấp, tay hoặc chân bé che mặt,…

========

Những thắc mắc xoay quanh siêu âm trong khám thai sẽ được bác sĩ giải đáp chi tiết trong buổi livestream lớp “Học Tiền Sản và Chăm Con Cùng Phương Châu”, mời các gia đình theo dõi thêm tại https://bit.ly/livestreamPC_Sieuamthaiky nhé!

Hy vọng các gia đình bầu sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích về Siêu âm sau buổi chia sẻ này để chuẩn bị thật tốt cho thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.

Wildcard SSL