SARS-COV-2 CÓ GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN NAM GIỚI?
KS. TRẦN ĐÀO HỒNG TRINH
Tính đến ngày 16/4/2020, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã lên đến hơn 2.000.000 người và có hơn 100.000 người tử vong. Trong thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về sinh lý bệnh của virus SARS-Cov-2 để đưa ra những hướng dẫn đúng đắn trong việc điều trị COVID-19.
Các triệu chứng gây ra bởi COVID -19 bao gồm sốt, ho, khó thở, v.v… [1]. Virus SARS-Cov-2 được phát hiện trong dịch tiết mũi, đờm, phân, hiếm khi có máu (1%) ở người nhiễm bệnh nhưng không tìm thấy trong nước tiểu [2]. Đây là một loại virus rất dễ lây lan và gây nhiễm trùng đường hô hấp, thậm chí đe dọa tính mạng của người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những ảnh hưởng đến tinh trùng và sức khỏe sinh sản của người nhiễm COVID-19 vẫn chưa có nhiều bằng chứng được đưa ra.
Theo các báo cáo ghi nhận tỷ lệ nhiễm trùng, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao ở bệnh nhân nam cao hơn ở nữ đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học về nguy cơ tác động của virus SARS-Cov-2 lên các yếu tố nam.
Dữ liệu trước đây từ các bệnh sốt cao khác đã chứng minh rằng nhiệt độ cơ thể tăng cao có thể tạm thời làm giảm quá trình sinh tinh. Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy nhiều loại virus như Quai bị, Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), virus herpes ở người, Ebola và Zika có thể được phát hiện trong tinh dịch người sau khi bị nhiễm trùng và có thể gây viêm tinh hoàn [5, 6]. Những virus này, thông qua bệnh sốt, có thể có tác động tiêu cực đến chức năng sinh sản của nam giới và sự sản sinh tinh trùng [5]. Liệu sốt do COVID-19 có thể được dự đoán theo mô hình này hay không, điều này vẫn cần được làm sáng tỏ.
Thế thì liệu rằng người nhiễm COVID-19 sẽ bị nhiễm trùng tinh hoàn như những bệnh khác hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe thế hệ con cái không?
Để cung cấp bằng chứng cho những giả thiết liên quan đến các biểu hiện bệnh trên tinh hoàn có thể có của COVID-19, một vài nghiên cứu đã được thực hiện. Ở Trung Quốc, Pan và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu trên 34 bệnh nhân nam (18-57 tuổi) được chẩn đoán mắc COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc từ ngày 26 tháng 1 năm 2020 đến 2 tháng 3 năm 2020. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng không phát hiện SARS-Cov-2 trong tinh dịch bằng phương pháp RT-PCR [4].

Ngoài ra, các nhà khoa học đã xác định được cơ chế để Sars-Cov-2 xâm nhập vào tế bào bằng các nhận biết thụ thể Angiotensin Converting Enzyme 2 (ACE2). Protein spike (còn gọi là protein S) gắn vào Angiotensin Converting Enzyme 2 (ACE2) sử dụng protease serine của tế bào (TMPRSS2) trên protein S [3]. Dựa vào các cơ chế đã biết của SARS-Cov-2 xâm nhập vào các tế bào và đòi hỏi biểu hiện kép của protein ACE và TMPRSS2, các tác giả đã chứng minh SARS-CoV-2 có thể không thể xâm nhập vào các tế bào tinh hoàn thông qua cơ chế gián tiếp ACE2 / TMPRSS2 [3]. Do đó, dường như SARS-Cov-2 không thể xâm nhập vào bất kỳ tế bào nào trong tinh hoàn (ví dụ: tế bào mầm, tế bào Leydig, tế bào Sertoli, v.v…).
Tuy SARS-Cov-2 khó có thể xâm nhập vào tinh hoàn và chưa được tìm thấy trong tinh dịch, nhưng cũng không thể kết luận liệu chất lượng tinh trùng và khả năng sinh sản của nam giới nhiễm COVID -19 có bị suy giảm hay không. Các nhà khoa học vẫn đang nổ lực nghiên cứu, nhiều chủng mới của SARS-Cov-2 đã được tìm thấy, do đó, chúng ta không được chủ quan. Hơn hết, tất cả mọi người vẫn bảo vệ bản thân và gia đình tránh khỏi dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng, nhất là các bạn chưa lập gia đình và chưa có kế hoạch có con.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật các nghiên cứu mới nhất từ phía các nhà khoa học đến các bạn trong những bài tiếp theo.
References
- Wang D, Hu B, Hu C, Zhu F, Liu X, Zhang J, et al. Clinical Characteristics of 138 Hospitalized Patients With 2019 Novel Coronavirus-Infected Pneumonia in Wuhan, China. JAMA 2020; in press. doi:10.1001/jama.2020.1585 2.
- Wang W, Xu Y, Gao R, Lu R, Han K, Wu G, Tan W. Detection of SARS-CoV-
2 in Different Types of Clinical Specimens. JAMA 2020; in press. doi:10.1001/jama.2020.3786
- Hoffmann M, Kleine-Weber H, Schroeder S, Krüger N, Herrler T, Erichsen S, et al. SARSCoV-2 Cell Entry Depends on ACE2 and TMPRSS2 and Is Blocked by a Clinically Proven Protease Inhibitor. Cell 2020; in press. DOI: 10.1016/j.cell.2020.02.052
- Pan F, Xiao X, Guo J, Song Y, Li H, Patel DP, et al. No evidence of SARS-CoV-2 in semen of males recovering from COVID-19. Fertil Steril 2020; in press.
- Liu W, Han R, Wu H, Han D. Viral threat to male fertility. Andrologia 2018;50:e13140.
- Salam AP, Horby PW. The Breadth of Viruses in Human Semen. Emerging infectious diseases 2017;23:1922-4
- Michael L.Eisenberg, Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) and men's reproductive health, Fertility and Sterility, Published online: April 14, 2020