HIỂU VỀ GIÁ TRỊ CỦA XÉT NGHIỆM AMH TRONG ĐÁNH GIÁ
DỰ TRỮ BUỒNG TRỨNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Bs Lại Thế Thập – Bác sĩ khoa hiếm muộn IVF Phương Châu
Xét nghiệm AMH là một xét nghiệm quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc đánh giá dự trữ buồng trứng cũng như tình trạng sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Qua đó giúp hỗ trợ chẩn đoán và hướng điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, đặc biệt là những người có ý định thụ tinh trong ống nghiệm. Vậy AMH là gì? Và có giá trị gì trong đánh giá dự trữ buồng trứng của người phụ nữ? Hãy cùng Khoa Hiếm Muộn IVF Phương Châu tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết sau đây:
XÉT NGHIỆM AMH LÀ GÌ?
AMH là từ viết tắt của Anti-Mullerian Hormone. AMH được tiết trực tiếp bởi các tế bào hạt của nang noãn buồng trứng và có liên quan trực tiếp với số lượng nang noãn nguyên thủy trong buồng trứng. AMH được sản xuất nhiều nhất ở nang tiền hốc (preantral) và có hốc nhỏ dưới 4mm (antral), nghĩa là những nang noãn còn non và đang phát triển ở buồng trứng. Do đó, nồng độ AMH cho biết số nang noãn non hiện có trong buồng trứng, hay còn gọi là dự trữ buồng trứng của người phụ nữ. Dự trữ buồng trứng càng tốt có nghĩa là khả năng sinh sản của người phụ nữ càng cao và ngược lại.
Nồng độ AMH sẽ hằng định, không thay đổi theo chu kỳ kinh nên có thể thực hiện vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh.
GIÁ TRỊ CỦA AMH TRÊN LÂM SÀNG
Đánh giá chức năng dự trữ buồng trứng của bệnh nhân:
Dựa vào AMH có thể tiên lượng khả năng sinh sản của bệnh nhân, góp phần chẩn đoán nguyên nhân hiếm muộn và lựa chọn hướng điều trị phù hợp. Ngoài ra, có thể tiên lượng được thời gian lý tưởng cho sinh sản đối với những trường hợp có ý định trì hoãn việc có con hoặc tiên lượng được thời gian mãn kinh của người phụ nữ.
(Biểu đồ thể hiện mối liên quan giữa giá trị AMH và độ tuổi)
Tiên lượng khả năng đáp ứng buồng trứng của bệnh nhân trong quá trình kích thích buồng trứng làm TTON
Dựa vào nồng độ AMH, bác sĩ cũng có thể tiên lượng khả năng đáp ứng và điều chỉnh liều thuốc kích thích buồng trứng phù hợp hơn cho bệnh nhân. Khi AMH thấp, khả năng đáp ứng kém với thuốc khi kích thích buồng trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm là rất cao và kết quả thành công bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngược lại nếu AMH cao, khả năng bị hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) sẽ rất cao.
NGƯỠNG GIÁ TRỊ CỦA AMH ĐỐI VỚI KHẢ NĂNG SINH SẢN:
Ở phụ nữ khỏe mạnh và dưới 38 tuổi, nồng độ AMH bình thường nằm trong khoảng từ 2,0 – 6,8ng/ml. Ngoài ra, nồng độ AMH cao hơn giá trị trên cũng quan sát thấy ở những phụ nữ buồng trứng đa nang.
• Tối ưu cho khả năng sinh sản: 4,0-6,8 ng/ml
• Đạt yêu cầu cho khả năng sinh sản: 2,2-4,0 ng/ml
• Khả năng sinh sản thấp: 0,3-2,2 ng/ml
• Khả năng sinh sản rất thấp: <0,3 ng/ml
• Mức cao: >6,8 ng/ml.
Ngoài ra, dựa vào kết quả AMH bác sỹ có thể ra các chỉ định xét nghiệm khác giúp bệnh nhân phát hiện ra các vấn đề liên quan ung thư buồng trứng khi có một kết quả AMH cao bất thường.
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TĂNG GIÁ TRỊ CỦA AMH?
Nồng độ AMH không thay đổi đáng kể trong suốt chu kỳ kinh và giảm dần theo tuổi. Theo như đã định nghĩa, AMH được tiết trực tiếp bởi các tế bào hạt của nang noãn buồng trứng và có liên quan trực tiếp với số lượng nang noãn nguyên thủy trong buồng trứng. Mà tuổi người phụ nữ càng tăng, số lượng nang noãn nguyên thủy sẽ giảm dần nên AMH ngày càng giảm. Nếu có tăng thì có thể đến từ sai số từ các máy xét nghiệm.
Chính vì vậy, chúng ta sẽ không trông mong tạo ra sự tăng dự trữ buồng trứng trên phụ nữ mà phải đặt ra mục tiêu làm tăng khả năng thu được số lượng nang thứ cấp trên buồng trứng hoặc tăng chất lượng noãn thu hồi trong chu kỳ TTON. Có thể áp dụng một số cách như sau:
- Dùng thuốc hỗ trợ bổ sung DHEA và acid folic theo liều lượng hướng dẫn của bác sỹ kê toa.
- Tạo cơ thể một lối sống khỏe về thể chất cũng như tinh thần: ăn uống cân đối dinh dưỡng, tập thể dục/yoga/thiền…
- Tránh căng thẳng tâm lý, stress.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc chất độc, hóa chất hay việc sử dụng các loiaj chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ma túy
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- https://www.rmanj.com/anti-mullerian-hormone-amh-testing-of-ovarian-reserve/
- https://ivi-fertility.com/blog/low-amh-levels-fertility/
- http://khaosat.yds.edu.vn/yds2/upload2/SDH/NCS-ThongTinDuaLenMang/VuongThiNgocLan-LA.pdf
- http://mitalab.vn/xet-nghiem-amh-giup-tien-luong-kha-nang-sinh-san-cua-buong-trung.html
- https://www.centerforhumanreprod.com/infertilityedu/causes/anti-mullerian-hormone/program/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3800538/