Nuôi cấy phôi khi làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một quy trình phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức của các chuyên viên khi thực hiện. Mục đích lớn nhất vẫn là tìm được phôi chất lượng tốt nhất để thực hiện chuyển phổi và tăng tỉ lệ mang thai cho bệnh nhân. Vậy, nuôi cấy phôi nang bằng công nghệ Time-lapse là gì? Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau đây nhé!
1. Vì sao nên nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang (phôi ngày 5 - 6)?
1.1. Quá trình nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang
Việc nuôi cấy phôi dài ngày lên giai đoạn phôi nang (ngày 5 - 6) là một quy trình được áp dụng phổ biến trên thế giới. Hiện nay, IVF Phương Châu Sài Gòn cũng chỉ định thường xuyên quy trình này.
Quá trình nuôi cấy phôi trải qua các giai đoạn từ ICSI, nuôi cấy đến giai đoạn phôi ngày 3. Vào ngày 3, những phôi được chỉ định nuôi cấy lên phôi nang sẽ được chuyển sang môi trường nuôi cấy mới. Môi trường nuôi cấy này sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho phôi và giúp phôi phát triển thêm tối đa 3 ngày nữa.
Phôi nang (Nguồn: IVF Phương Châu)
1.2. Lợi ích và hạn chế khi nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang
Việc nuôi cấy phôi dài ngày đến giai đoạn phôi nang giúp chọn lọc lại phôi. Các phôi có tiềm năng làm tổ cao sẽ tiếp tục phát triển và hình thành phôi nang, ngược lại những phôi có tiềm năng kém hoặc bất thường sẽ bị ngừng phát triển.
Do đó, khi chuyển phôi nang tỉ lệ thành công cao hơn nhiều so với phôi ngày 3. Đặc biệt, việc nuôi cấy và chuyển phôi giai đoạn phôi nang còn hạn chế nguy cơ đa thai vì mỗi lần chuyển chỉ được chuyển tối đa là 2 phôi.
Bên cạnh những lợi ích kể trên thì quy trình này cũng tồn tại nguy cơ. Do là quá trình chọn lọc phôi nên nuôi cấy phôi nang phải đối mặt với nguy cơ lớn là giảm số lượng phôi. Trung bình, chỉ có khoảng 40 - 50% phôi ngày 3 phát triển thành phôi nang và khoảng 10% trường hợp bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ không có phôi để chuyển.
1.3. Các trường hợp nên nuôi cấy phôi dài ngày đến giai đoạn phôi nang
Với các lợi ích và nguy cơ kể trên, việc nuôi cấy phôi dài ngày lên giai đoạn phôi nang nên được xem xét khi bước vào chu trình điều trị IVF. Thông thường, nuôi cấy phôi dài ngày đến giai đoạn phôi nang sẽ có lợi trong các trường hợp sau:
Bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần và bệnh nhân lớn tuổi. Nuôi cấy và chuyển phôi nang giúp nhóm bệnh nhân này loại bỏ các phôi bất thường và lựa chọn được phôi tiềm năng làm tổ cao để chuyển, nhằm tăng cơ hội thành công ở những chu kì chuyển phôi đầu tiên.
Những bệnh nhân có nhiều phôi vào ngày 3 (>7 phôi) hoặc những bệnh nhân tiên lượng tốt (<30 tuổi, điều trị lần đầu tiên, nhiều nang noãn khi siêu âm). Đối với nhóm bệnh nhân này, vào ngày 3 thường số lượng phôi nhiều hoặc chất lượng phôi tốt, do đó, việc nuôi cấy và chuyển phôi nang giúp bệnh nhân giảm số phôi trữ lạnh, tăng cơ hội có thai ở những chu kì chuyển phôi đầu tiên.Phôi nang tốt ngày 5 được lựa chọn để chuyển phôi.
1.4. Tỉ lệ thành công
Để tăng tỉ lệ thành công mà vẫn an toàn, thông thường, bệnh nhân sẽ được chuyển từ 1 - 2 phôi nang. Những bệnh nhân trẻ tuổi (<35 tuổi) và chất lượng phôi tốt sẽ được xem xét chuyển 1 phôi nang nhằm tránh nguy cơ đa thai. Những bệnh nhân lớn tuổi, thất bại làm tổ nhiều lần thường được chuyển từ 1 - 2 phôi tuỳ vào chất lượng phôi nhằm tăng cơ hội có thai cho bệnh nhân.
2. Nuôi cấy phôi bằng hệ thống camera quan sát liên tục (TIME-LAPSE MONITORING - TLM)
2.1. Nuôi cấy phôi bằng công nghệ TLM là gì?
TLM là công nghệ giúp việc nuôi cấy phôi không bị gián đoạn, đảm bảo môi trường ổn định nhất trong xuyên suốt 6 ngày phát triển của phôi từ lúc thụ tinh đến giai đoạn phôi nang (blastocyst).Trong quy trình này, camera sẽ ghi hình và lấy ảnh của phôi cứ sau 5 đến 10 phút, rồi từ đó tạo ra một video thời gian trôi đi về sự phát triển của phôi. Điều này cho phép các chuyên viên phôi học phân tích đầy đủ các dữ kiện về khả năng phát triển của phôi, cũng như xác định bất kỳ các dạng phân chia bất thường nào có thể bị bỏ lỡ trong quy trình nuôi cấy phôi thông thường.
Điều này giúp các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tăng khả năng lựa chọn được chính xác phôi tiềm năng để chuyển, bảo quản lạnh và sinh thiết phôi cho các xét nghiệm di truyền tiền làm tổ.
Thao tác theo dõi sự phát triển của phôi qua TLM
2.2. Ưu điểm khi nuôi cấy phôi bằng công nghệ TLM
-
Phôi không cần lấy ra khỏi tủ cấy, do đó, phôi được duy trì sự phát triển trong môi trường không bị gián đoạn.
- TLM cho phép quan sát các mốc thời gian chính xác của sự phân chia tế bào, nén chặt và hình thành phôi nang, hình thành và tái lập phân mảnh, và hiện tượng đa nhân. Do đó, việc đánh giá các thông số động học của phôi sẽ được đánh giá song song với đánh giá hình thái, góp phần giúp chọn lựa phôi tốt hơn.
- Quan sát được các sự kiện bất thường diễn ra trong suốt thời gian phát triển của phôi mà cách kiểm tra phôi truyền thống không thể phát hiện được.
- Thông số động học của phôi thông qua hệ thống TLM có thể dự đoán tình trạng bộ nhiễm sắc thể (NST) của chính phôi đó. Phôi bình thường NST có thông số động học khác với phôi bất thường NST.
- TLM hỗ trợ chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGS) trong việc dự đoán tiềm năng của phôi có chất lượng tốt và định hướng chiến lược cho thao tác sinh thiết.
- TLM cho phép chọn một hoặc ưu tiên thứ tự chuyển của phôi nang để hướng tới chiến lược chuyển đơn phôi.
- TLM giúp tiên lượng và giải thích được cho bệnh nhân nếu họ có phôi ngưng phát triển hoặc phát triển bất thường.
- Bệnh nhân được trả kết quả đầy đủ về thông số động học và video ghi nhận toàn bộ quá trình phát triển của từng phôi.
- Giá thành giảm đáng kể cho những trường hợp không có khả năng làm chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGS) hoặc không muốn thực hiện.
- Tỉ lệ tương đồng với PGS lên đến 97%.
- Có khả năng xác định 10 - 15% phôi có tiềm năng làm tổ thấp.
- Một số nghiên cứu cho thấy TLM làm tăng thêm 10% cơ hội mang thai bằng cách sử dụng thông số và mô hình phân loại phôi để chọn được phôi tốt nhất cho chuyển phôi.
- Dễ dàng triển khai, đặc biệt ở một số trung tâm không có điều kiện trang bị cho PGS hoặc đối mặt với các vấn đề tôn giáo, quy định của Bộ y tế.
Phôi được chọn lựa theo phân loại và mục đích sử dụng
2.3. Đối tượng nên áp dụng
-
Những bệnh nhân mong muốn lựa chọn một số phôi chất lượng tốt nhất để sử dụng.
- Những bệnh nhân đã có phôi chất lượng thấp ở các chu kì trước đây và muốn biết thêm thông tin về sự phát triển động học của tất cả các phôi.
2.4. Những thông tin hữu ích cần biết về TLM
Lựa chọn phôi bằng TLM không làm tăng tỉ lệ thai cộng gộp (khả năng có thai tổng cộng) từ tất cả các phôi có sẵn, nhưng nó có thể giúp giảm thời gian chờ có thai bằng cách lựa chọn được đúng những phôi có khả năng làm tổ cao và nhanh nhất có thể.
Chưa có sự thống nhất động học ở tất cả các trung tâm vì các thông số này cần phải được xem xét kèm với môi trường nuôi cấy, điều kiện nuôi cấy, quá trình kích thích buồng trứng nên có thể các thông số ở trung tâm này không giống với các trung tâm khác.
2.5. So sánh hiệu quả giữa TLM với xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ (PGT)
Cách tiếp cận của 2 phương pháp này là khác nhau:
- TLM đi tìm các dữ kiện về động học của phôi, cụ thể là cách thức phân chia tế bào của phôi.
- PGT là đi tìm hiểu thông tin về đột biến trên gen hay sự sai lệch về số lượng hoặc cấu trúc nhiễm sắc thể (NST) của phôi.
Cả 2 phương pháp này về bản chất có thể bổ sung cho nhau để có một bộ thông tin tổng thể giúp bác sĩ đưa ra quyết định chọn lựa phôi. Tuy nhiên, với các mô hình kết hợp hệ thống TLM tiên lượng trạng thái bình thường hay bất thường NST của phôi thì chưa có nghiên cứu tổng hợp nào cho thấy kết quả lâm sàng và tỉ lệ sinh, chỉ có mối tương quan giữa TLM và PGS mà thôi. Bên cạnh đó, TLM không thể thay thế hoàn toàn được PGT.
Thách thức nhất của PGT là bắt buộc phải nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang (ngày 5, 6). Trong khi đó, TLM sẽ giúp bổ sung cho PGT, do phương pháp này cung cấp một môi trường nuôi cấy phôi cực kỳ ổn định và không xâm lấn đến phôi.
Thách thức lớn nhất cho các bệnh nhân chính là cơ hội của họ sẽ được cụ thể trong bao nhiêu phôi hữu dụng (số phôi có thể sử dụng cho chuyển phôi). Nếu số phôi ít thì chọn lựa TLM là một giải pháp tốt nhất và an toàn nhất để gia tăng cơ hội thành công cho chu kì điều trị. Thông thường, từ 3 phôi trở lên, việc kết hợp TLM và PGS sẽ cho một phương án hoàn hảo nhất.
Đơn nguyên Hỗ trợ Sinh sản - Bệnh viện Phương Nam
Đơn nguyên Hỗ trợ Sinh sản - Bệnh viện Phương Nam quy tụ đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, sở hữu phòng lab IVF đạt chuẩn phòng sạch ISO 5 duy nhất tại Việt Nam, giúp đảm bảo môi trường nuôi cấy phôi tốt nhất cho khách hàng. Sử dụng công nghệ Timelapse để nuôi cấy phôi và trí tuệ nhân tạo (AI) để lựa chọn phôi và đánh giá chính xác khả năng làm tổ của phôi, nâng cao tỷ lệ thành công của điều trị hỗ trợ sinh sản. Hạnh phúc của IVF Phương Châu Sài Gòn là MONG ƯỚC GẦN HƠN trên hành trình đồng hành cùng khách hàng đi tìm mầm xanh sự sống.
Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Hiểu rõ về quá trình nuôi cấy phôi sẽ giúp các cặp vợ chồng mong muốn có con tăng sự chủ động phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị.
----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.