Xét nghiệm tinh dịch đồ là phương pháp thường được dùng để chẩn đoán trong các trường hợp vô sinh, hiếm muộn ở nam giới. Cùng tìm hiểu rõ hơn về các thông số trong xét nghiệm tinh dịch đồ, cũng như các bệnh lý liên quan và cách điều trị trong trường hợp cụ thể.
1. Các thông số quan trọng khi đánh giá đại thể mẫu tinh dịch và những bệnh lý liên quan
1.1 Đánh giá tổng quát màu sắc mẫu tinh dịch
Bình thường, tinh dịch đồng nhất và có màu trắng xám. Những bất thường hay gặp khi đánh giá màu sắc mẫu tinh dịch bao gồm:
- Tinh dịch màu vàng: Mẫu nhiễm trùng, có lẫn nước tiểu hoặc do đang uống một số loại vitamin, thuốc.
- Tinh dịch màu đỏ nâu hoặc hồng: Mẫu có lẫn hồng cầu trong máu. Tinh dịch lẫn máu cũng do rất nhiều nguyên nhân. Với người trẻ, tình trạng này chủ yếu là do viêm nhiễm khuẩn hoặc giãn cấu trúc mao mạch ụ núi của tiền liệt tuyến, sỏi hoặc viêm túi tinh. Ngoài ra, còn những nguyên nhân ít gặp hơn như rối loạn đông máu, suy gan, chấn thương tinh hoàn, chấn thương mào tinh hoàn hay khối u ác tính.
- Tinh dịch loãng, trắng trong: Tinh dịch loãng là một biểu hiện của số lượng tinh trùng thấp (ít), thường là thiểu tinh hoặc vô tinh. Khi lượng tinh trùng < 16.106/ml tinh dịch, khả năng thụ tinh của nam giới sẽ giảm xuống, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc người này bị hiếm muộn. Người có tinh trùng loãng đôi khi cũng kèm theo các triệu chứng như: đau vùng tinh hoàn, giảm hoặc mất ham muốn tình dục, tinh thần uể oải, mệt mỏi, căng thẳng và khó tập trung vào công việc…
- Tinh dịch có cặn nhiều: Nguyên nhân có thể là do viêm nhiễm đường tiết niệu. Viêm và giãn vỡ mao mạch trong đường ống dẫn tinh gây tắc hoặc bán tắc đường dẫn tinh. Nếu để lâu thì tình trạng tắc và bán tắc đường dẫn tinh sẽ xuất hiện, tinh trùng không đi ra được sẽ bị ứ lại và chết ngay tại trong đường ống. Lúc đó, cơ thể sẽ sản xuất kháng thể để tiêu diệt tinh trùng (kháng thể kháng tinh trùng).
Các chỉ số xét nghiệm trong tinh dịch đồ
1.2 Tinh dịch ly giải
Tinh dịch ly giải là do các enzyme của tiền liệt tuyến tiết ra. Thông thường, sau khoảng 15 – 30 phút ở nhiệt độ phòng, tinh dịch sẽ ly giải hoàn toàn. Tuy nhiên, đôi khi quá trình này cũng có thể kéo dài đến 60 phút hoặc hơn. Thời gian ly giải lâu thường do viêm tiền liệt tuyến.
1.3 Độ nhớt
Bình thường, giọt tinh dịch nhỏ rời rạc từng giọt một. Bất thường là khi tinh dịch dính chặt vào nhau cho dù cố dùng pipette hút lên. Giọt tinh dịch dính chặt và có thể kéo dài trên 2cm.
2. Các thông số quan trọng khi đánh giá vi thể mẫu tinh dịch và những bệnh lý liên quan
2.1 Sự kết dính và kết đám
Hiện tượng kết dính xảy ra do nguyên nhân tự miễn, thường gặp trong trường hợp thắt ống dẫn tinh. Khi hàng rào máu - tinh hoàn được tạo bởi tế bào Sertoli bị phá vỡ, tinh trùng tiếp xúc với tế bào máu, tạo nên kháng thể phù hợp kháng nguyên bề mặt tinh trùng. Phản ứng kháng nguyên – kháng thể sẽ gây ra sự kết dính các tinh trùng di động với nhau. Tuy nhiên, chưa có đầy đủ chứng cứ cho thấy hiện tượng kết dính do tự miễn có là nguyên nhân gây vô sinh hay không.
2.2 Tế bào lạ
Trong mẫu tinh dịch đồ đôi khi cũng có thể có nhiều loại tế bào khác nhau:
- Bạch cầu: Bình thường, bạch cầu không có trong tinh dịch, nếu có chỉ với số lượng rất ít (<1.106). Nếu mật độ bạch cầu cao cho thấy biểu hiện bệnh lý, thường bắt nguồn từ tuyến tiền liệt hoặc dịch túi tinh.
- Hồng cầu: Bình thường, hồng cầu không hiện diện trong tinh dịch, nếu có thì chỉ với số lượng rất ít nhưng không mang ý nghĩa bệnh lý.
- Tinh trùng non: Đây là các tế bào mầm chưa trưởng thành, khi chúng có nhiều trong tinh dịch có thể là do tình trạng rối loạn chức năng của ống sinh tinh (thường gặp trong bệnh giãn tĩnh mạch tinh).
- Tế bào biểu mô: Loại tế bào này xuất hiện ở hầu hết các mẫu tinh dịch với số lượng rất ít. Tuy nhiên, nếu chúng hiện diện với số lượng lớn cũng không nói lên tình trạng nhiễm trùng hay rối loạn chức năng sinh sản. Nếu mẫu lấy bằng giao hợp gián đoạn sẽ có nhiều tế bào biểu mô âm đạo. Trong trường hợp mẫu lấy bằng bao cao su chuyên dụng sẽ có nhiều tế bào biểu mô từ niệu đạo.
- Bào tương từ biểu mô ống sinh tinh: Tế bào lớn, không nhân (lớn hơn đầu tinh trùng được cho là tế bào tròn, nếu nhỏ hơn thì xem như mảnh vụn).
- Vi khuẩn và vi sinh vật đơn bào: Bình thường, chúng sẽ không có trong tinh dịch, nhưng nếu có với số lượng lớn sẽ cảnh báo tình trạng nhiễm trùng đường sinh dục.
- Cặn: Trong tinh dịch bình thường có thể có nhiều cặn. Cần phân biệt cẩn thận giữa cặn với mảnh vụn và vi khuẩn.
2.3 Số lượng tinh trùng ít
Số lượng tinh trùng ít sẽ biểu hiện bằng tình trạng tinh dịch loãng và trong. Thông thường, chỉ số tổng số tinh trùng di động (TMS) trong một mẫu tinh dịch sẽ là yếu tố chính khi xem kết quả tinh dịch đồ của một người. Nếu TMS < 5.106 được gọi là mẫu yếu nặng. Nếu TMS từ 5 – 10.106 được gọi là yếu vừa và từ 10 – 20.106 được gọi là yếu nhẹ. Mẫu bình thường nếu TMS > 20.106.
2.4 Độ di động của tinh trùng kém
Sự di chuyển của tinh trùng có vai trò vô cùng quan trọng đối với khả năng thụ thai. Có 3 kiểu tinh trùng di động, đó là:
- Di động tiến tới: Tinh trùng di động tiến tới theo thẳng trục từ đầu đến cổ hoặc di chuyển theo dạng vòng tròn lớn. Phân thành 2 dạng là tiến tới nhanh và tiến tới chậm.
- Di động tại chỗ: Tinh trùng không chuyển động tiến tới mà chuyển động nhẹ tại chỗ, bơi theo những vòng tròn nhỏ hoặc gặp khó khăn trong di chuyển.
- Tinh trùng bất động: Không tìm thấy tinh trùng có bất kỳ di chuyển nào.
Để thụ tinh, tinh trùng phải di động tiến tới để qua âm đạo, hướng về phía tử cung đi qua tử cung đến vòi trứng để tìm trứng. Tinh trùng được đánh giá là khỏe mạnh khi có thể di động tiến tới với vận tốc ít nhất 25 micromet mỗi giây. Nam giới có tinh trùng di chuyển kém hoặc gọi là tinh trùng yếu thì khả năng thụ thai sẽ thấp.
Các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự di chuyển của tinh trùng có thể là do: di truyền, giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm tinh hoàn, bướu tinh hoàn… Ngoài ra, làm việc trong môi trường nóng, mặc quần chật hay bó sát, ngâm mình trong nước nóng lâu có thể làm tăng nhiệt độ bìu, gây ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
2.5 Hình dạng tinh trùng bất thường
Tinh trùng ở người có rất nhiều dạng dị tật khác nhau mà nguyên nhân chủ yếu là do bất thường trong sinh tinh hay bệnh lý về mào tinh hoàn. Bất thường hình dạng thường ở dạng hỗn hợp.
Khả năng thụ tinh của tinh trùng bất thường thấp hơn so với tinh trùng bình thường và phụ thuộc vào loại bất thường. Bất thường hình dạng tinh trùng thường liên quan đến sự phân mảnh ADN, bất thường nhiễm sắc thể, thoi vô sắc và đa bội.
3. Một số tình trạng thường gặp khi đánh giá tinh dịch đồ
Các trường hợp trong kết quả đánh giá tinh dịch đồ
3.1 Tinh trùng bình thường (Normozoospermia)
Thông qua các chỉ số của WHO đưa ra vào năm 2021, nếu các chỉ số trong giới hạn bình thường thì kết quả được đánh giá là tinh dịch đồ bình thường hay tinh trùng bình thường.
3.2. Vô tinh hay không có tinh trùng (Azoospermia)
Đây là hiện tượng không tìm thấy tinh trùng trong dịch xuất tinh. Tỷ lệ xuất hiện hiện tượng này ngày càng tăng, chiếm 10% trong tổng số các trường hợp hiếm muộn nam. Đây cũng là một tình trạng hiếm muộn nghiêm trọng.
3.3. Mật độ hay số lượng tinh trùng thấp (Oligozoospermia)
Thông thường, tình trạng này được chia ra làm 3 mức độ nhẹ – vừa – nặng. Trong trường hợp chỉ có vài con tinh trùng trong cặn lắng ly tâm được gọi là Cryptozoospermia.
3.4. Tinh trùng di động kém (Asthenozoospermia)
Tình trạng này thường đi kèm với số lượng tinh trùng thấp và tinh trùng dị dạng. TMS (Total Motility Sperm) là tổng số tinh trùng di động được sử dụng để đo lường mức độ của một mẫu tinh dịch khi đánh giá tinh dịch đồ.
3.5. Tinh trùng dị dạng (Teratozoospermia)
Hiện nay, tỷ lệ dị dạng của tinh trùng ngày càng tăng, phù hợp với tỷ lệ trường hợp hiếm muộn nam ngày cũng ngày càng nhiều. Thông thường, tinh trùng dị dạng sẽ chia ra hình thái tinh trùng bất thường phần đầu, phần giữa và phần đuôi.
3.6. Tinh trùng ít, yếu và dị dạng (OligoAsthenoTeratozoospermia – OAT)
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng hiếm muộn nam và cũng là trường hợp rất thường gặp khi thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ cho bệnh nhân nam. Tinh trùng ít, yếu và dị dạng cũng chia làm 3 thể: nhẹ, trung bình và nặng.
3.7. Tinh trùng chết tự nhiên hay hoại tử (Necrozoospermia)
Đây là tình trạng tinh trùng chết tự nhiên trong mẫu tinh dịch tươi. Tinh trùng chết tự nhiên được phân thành 2 loại là trung bình (50 – 80% tinh trùng bị hoại tử) hoặc nặng (> 80%).
Cần phân biệt Necrozoospermia với Asthenozoospermia (tinh trùng di động kém):
- Trong trường hợp tinh trùng bất động 100% nhưng trong đó vẫn còn những tinh trùng sống thì gọi là Asthenozoospermia.
- Còn Necrozoospermia là tình trạng tinh trùng chết hay hoại tử sau khi xuất tinh. Cả Asthenozoospermia và Necrozoospermia đều gây nên tình trạng hiếm muộn ở nam giới.
3.8. Không có tinh dịch (Aspermia)
Đây là tình trạng đạt cực khoái nhưng không có tinh dịch. Nguyên nhân có thể do xuất tinh ngược dòng, bệnh di truyền (hội chứng Klinefelter hoặc xơ nang), bất thường bẩm sinh đường sinh sản, mất cân bằng nội tiết tố, tiểu đường, ung thư tinh hoàn sau điều trị hoặc rối loạn chức năng tình dục nghiêm trọng….. Cần lưu ý phân biệt Azoospermia (không có tinh trùng) với Aspermia (không có tinh dịch).
3.9. Tinh dịch ít (Hypospermia) hoặc tinh dịch nhiều (Hyperspermia)
Tinh dịch ít là khi thể tích xuất tinh ít < 1.4 ml. Nguyên nhân phổ biến là do xuất tinh ngược dòng, ngoài ra lượng tinh dịch cũng có thể thay đổi tùy tâm trạng, tình trạng thể chất và hoạt động tình dục.
Trái ngược với tinh dịch ít là tình trạng tinh dịch nhiều, xảy ra khi thể tích > 6ml. Nhưng tình trạng này hiếm gặp và thực sự không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của nam giới.
3.10. Tinh dịch có hồng cầu (Hematospermia)
Đây là tình trạng trong dịch xuất tinh có lẫn hồng cầu. Thông thường, việc xuất tinh có máu không kèm theo triệu chứng gì, nhưng thỉnh thoảng có một số triệu chứng khác đi kèm như: đau khi xuất tinh hoặc đau âm ỉ ở khu vực từ tinh hoàn đến vùng đáy chậu.
Nguyên nhân có thể là do:
- Viêm hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
- Viêm mào tinh hoàn.
- Nhiễm trùng túi tinh.
- Nhiễm trùng hoặc sỏi đường tiết niệu.
- Chấn thương tinh hoàn, bìu hoặc vùng chậu…
3.11. Tinh dịch có bạch cầu (Leukocytospermia)
Nếu tinh dịch chứa số lượng bạch cầu > 1.106 thì được xem là bị nhiễm trùng và cần được điều trị bằng kháng sinh.
4. Cách điều trị tùy theo tình trạng gặp phải
4.1. Điều trị không có tinh trùng (Azoospermia)
Nếu làm xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy tình trạng không có tinh trùng thì cần làm xét nghiệm lại lần 2 (sau 1 tuần và trước 3 tháng) để có kết luận chính xác nhất. Nếu đúng là mắc phải tình trạng này thì bác sĩ cần xem xét cụ thể về nguyên nhân. Chẳng hạn như có thể có tinh trùng tại tinh hoàn (do tắc nghẽn) hoặc không có tinh trùng (do suy trục hạ đồi – tuyến yên hoặc bệnh lý tại tinh hoàn…).
4.2. Điều trị xuất tinh ngược dòng
Tình trạng này vẫn có thể có con bằng phương pháp lọc rửa tinh trùng và kết hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp IUI nếu mẫu tinh trùng tốt.
4.3. Điều trị tinh trùng ít, yếu và dị dạng (tùy mức độ)
Bác sĩ có thể tư vấn thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và điều trị nội trong một thời gian ngắn (1 - 2 tháng) và cho kiểm tra lại trước khi quyết định phương thức điều trị cuối cùng. Ngoài ra, có thể cho đông tinh trùng dự phòng nếu nhận thấy mẫu yếu thực sự hoặc có nguy cơ không có tinh trùng vào ngày tiến hành làm kỹ thuật OPU.
4.4. Điều trị tinh trùng bất động hoặc hoại tử 100%
Bác sĩ đánh giá tỷ lệ sống của tinh trùng với các phương pháp nhuộm và HOST để tư vấn khả năng có thể thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm IVF (ICSI) được hay không hoặc vi phẫu ly trích tinh trùng tại tinh hoàn – mào tinh.
Đối với mẫu hoại tử (chết tự nhiên), cân nhắc thời gian lấy mẫu và thời gian thực hiện càng sớm càng tốt trước khi tinh trùng bắt đầu quá trình chết tự nhiên.
4.5. Điều trị tình trạng mẫu lẫn dịch hồng cầu, bạch cầu
Điều trị nội và cho thử lại lần sau. Tiến hành lọc rửa để loại bỏ bớt hồng cầu, bạch cầu khi cần sử dụng mẫu.
Đơn nguyên Hỗ trợ Sinh sản - Bệnh viện Phương Nam
Đơn nguyên Hỗ trợ Sinh sản - Bệnh viện Phương Nam quy tụ đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, sở hữu phòng lab IVF đạt chuẩn phòng sạch ISO 5 duy nhất tại Việt Nam, giúp đảm bảo môi trường nuôi cấy phôi tốt nhất cho khách hàng. Sử dụng công nghệ Timelapse để nuôi cấy phôi và trí tuệ nhân tạo (AI) để lựa chọn phôi và đánh giá chính xác khả năng làm tổ của phôi, nâng cao tỷ lệ thành công của điều trị hỗ trợ sinh sản. Hạnh phúc của IVF Phương Châu Sài Gòn là MONG ƯỚC GẦN HƠN trên hành trình đồng hành cùng khách hàng đi tìm mầm xanh sự sống.
Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích. Điều trị hiếm muộn là một quá trình không hề dễ dàng với rất nhiều xét nghiệm kèm theo. Hiểu rõ hơn về xét nghiệm tinh dịch đồ sẽ giúp “đấng mày râu” bớt lo lắng và phối hợp tốt với bác sĩ trong việc điều trị.
----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.