NHỮNG TÌNH HUỐNG BẤT LỢI CÓ THỂ XẢY RA TRONG 3 THÁNG ĐẦU THAI KỲ
BS CKI. Nguyễn Thị Nhã Đan - Khoa Hiếm Muộn Phương Châu
Thành quả đạt được sau một thời gian dài điều trị hỗ trợ sinh sản là khi các cặp vợ chồng cầm trong tay kết quả xét nghiệm beta hCG DƯƠNG TÍNH. Đây được gọi là “minh chứng hùng hồn” cho kết quả tuyệt vời: bạn đã mang thai. Thế nhưng, sau khi có kết quả thử thai, một số tình huống thai kỳ không thuận lợi có thể sẽ xảy ra với bạn. Vậy các tình huống đó là gì và dấu hiệu nhận biết ra sao?
1. Thai sinh hoá
Thai sinh hoá là tình trạng thai ngưng phát triển sớm trước giai đoạn siêu âm thấy hình ảnh túi thai trong lòng tử cung.
- Dấu hiệu lâm sàng có khi nhận biết được: ra huyết hoặc đau vùng bụng dưới, có khi không có triệu chứng rõ ràng. Thông thường bệnh nhân sẽ có kết quả xét nghiệm beta hCG dương tính, nhưng nồng độ không cao, và sau 1-2 tuần chỉ số beta hCG sẽ giảm dần về âm tính, siêu âm không thấy hình ảnh túi thai trong lòng tử cung.
- Xử trí: trường hợp này đa số thai sẽ tự sẩy mà không cần bất cứ can thiệp nào. Tuy nhiên bệnh nhân phải tái khám xét nghiệm chỉ số beta hCG thường xuyên đến khi âm tính mới đảm bảo thai đã hoàn toàn ngưng phát triển.
2. Thai ngoài tử cung
Là tình trạng thai làm tổ không đúng vị trí trong lòng tử cung mà sẽ làm tổ tại các vị trí như: vòi trứng, góc sừng tử cung, kênh cổ tử cung,…
- Dấu hiệu lâm sàng: có thể đau bụng âm ỉ vùng bụng dưới (thường ở quanh vị trí thai làm tổ) hoặc ra huyết âm đạo bất thường (ra huyết hồng hay đỏ sẫm, ra huyết rỉ rã kéo dài), nếu thai ngoài tử cung vỡ bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, bủn rủn tay chân, hoa mắt, hoặc ngất xỉu, nhưng cũng có khi bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng. Về xét nghiệm beta hCG thường dương tính với nồng độ thấp, sau đó nồng độ beta hCG có thể tăng giảm bất thường, siêu âm có thể thấy hình ảnh thai nằm ngoài vị trí buồng tử cung.
- Xử trí: tuỳ vào vị trí, kích thước, và thời điểm phát hiện thai ngoài mà bác sỹ sẽ có các hướng xử trí thích hợp: dùng thuốc tiêm để ngừng sự phát triển của thai, phẫu thuật loại bỏ thai, theo dõi sự thoái hoá tự nhiên của thai mà không cần can thiệp,…
=>Tóm lại: Thai ngoài tử cung là một tình trạng nguy hiểm, cần được chẩn đoán sớm để có hướng điều trị kịp thời không ảnh hưởng sức khoẻ của bệnh nhân.
3. Sẩy thai sớm
Sẩy thai sớm hay còn gọi là sẩy thay tự nhiên, là trường hợp thai tự sẩy ra khỏi buồng tử cung mà không do can thiệp trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
- Dấu hiệu lâm sàng báo trước: Ra huyết âm đạo và đau bụng nhiều là 2 triệu chứng thường gặp. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể gặp ở những trường hợp khác như thai ngoài tử cung, đa thai,… Do đó, khi gặp triệu chứng trên, nên đến bệnh viện khám sớm.
- Nguyên nhân sẩy thai sớm: Rối loạn nhiễm sắc thể phôi thai, bất thường tử cung, viêm nhiễm phụ khoa, mẹ bị chấn thương do té ngã, mẹ bị nhiễm virus trong giai đoạn thai sớm: Rubella, CMV,…
- Dự phòng: Khám thai định kỳ để được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm đánh giá sức khoẻ của mẹ và thai nhi, dùng thuốc nội tiết dưỡng thai khi cần thiết.
4. Thai lưu
Là tình trạng thai ngừng phát triển trong tử cung nhưng không tự sẩy ra ngoài. Thai lưu thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong suốt 9 tháng mang thai.
- Dấu hiệu báo trước: giảm cảm giác nghén, tử cung ngừng sự phát triển, không cảm nhận được cử động thai, rỉ ối, vỡ ối, ra huyết, … Tuy nhiên, các triệu chứng này thường hay gặp ở giai đoạn thai lưu muộn, nếu thai lưu ở 3 tháng đầu thai kỳ bạn thường khó phát hiện do triệu chứng không rõ ràng.
- Nguyên nhân: Do bệnh lý ở mẹ: bất thường tử cung, thiếu máu, tăng huyết áp, bệnh tim, nhiễm khuẩn trong thời kỳ mang thai, hút thuốc lá, uống rượu bia,… Vấn đề trên thai nhi: rối loạn nhiễm sắc thể, bất đồng nhóm máu mẹ con, dây rốn bị chèn ép,…
- Xử trí: Khi chẩn đoán thai lưu bác sỹ sẽ sử dụng các phương pháp: dùng thuốc, hút thai, nạo thai để giúp thai ra khỏi buồng tử cung, dựa trên nguyên tắc hạn chế can thiệp tối đa. Sau đó người phụ nữ nên được ngừa thai ít nhất 3 tháng để tử cung hoàn toàn hồi phục.
**Kết luận: Từ khi nhận biết có thai, thai phụ nên khám thai định kỳ để được đánh giá sức khoẻ của mẹ và thai nhi trong từng giai đoạn. Qua đó, bác sỹ có thể tiên lượng sự phát triển thai và có những phương pháp giúp dự phòng những rủi ro không mong muốn. Chúc bạn có một thai kỳ an toàn và khoẻ mạnh.