Những điều cha mẹ cần biết trước khi cho bé ăn dặm

30/09/2024
Nội dung chính xem nhanh

Vào thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên từ gia đình và bạn bè với những quan điểm khác nhau. Bạn bối rối không biết nên cho bé ăn dặm như thế nào là tốt nhất để giúp con nhận được dinh dưỡng tối đa, đồng thời phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, nếu bạn nắm rõ những điều dưới đây thì hành trình ăn dặm sẽ không còn khó khăn nữa.

Cho bé ăn dặm khi nào là tốt nhất?

Thời điểm sữa mẹ hoặc sữa công thức không còn đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của trẻ, hệ thống tiêu hóa của trẻ sẽ sẵn sàng đón nhận thử thách ăn dặm. Khi bé phát triển các mốc vận động sau đây thì bé có thể đã sẵn sàng để bắt đầu ăn dặm: 

  • Ngẩng cao đầu: Mặc dù một số trẻ sơ sinh có thể ngẩng đầu lên ngay từ khi mới sinh ra, nhưng thường phải đến 3 hoặc 4 tháng tuổi thì trẻ mới có khả năng ngẩng cao đầu liên tục, ngẩng cao hơn và trong thời gian dài. Việc cho bé ăn dặm trước 4 tháng tuổi có thể khiến trẻ có nguy cơ bị dị ứng thức ăn sau này.
  • Ngồi khá vững: Trẻ thường bắt đầu ngồi được vào lúc khoảng 6 tháng tuổi nhưng ban đầu vẫn cần hỗ trợ thêm cho bé. Hiện nay có một số ghế ăn dặm hiện đại có tính năng ngả tiện lợi, giúp hỗ trợ thêm cho những trẻ chưa sẵn sàng tự ngồi thẳng hoàn toàn.
  • Đủ lớn để ăn dặm: Theo nguyên tắc chung, trẻ phải đủ lớn để ăn dặm. Thời điểm cho bé ăn dặm là khi cân nặng của trẻ tăng gấp đôi cân nặng khi sinh và đạt tối thiểu khoảng 5,85 kg. Thông thường, thời điểm này là 6 tháng tuổi. Cho trẻ ăn ngũ cốc bằng bình sữa (hoặc thậm chí là thìa) trước khi hệ tiêu hóa của trẻ trưởng thành (thường 6 tháng tuổi) có thể làm tăng khả năng trẻ bị nôn trớ và/hoặc sặc hít vào phổi. Chỉ khi có lý do y tế, bác sĩ mới khuyên cho bé ăn dặm sớm.
  • Trẻ lớn lên: Khi các trẻ nhận thức rõ hơn về thế giới xung quanh, chúng cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến đồ ăn. Con thường chăm chú nhìn thức ăn và há miệng háo hức chờ đợi khi nhìn thấy thức ăn đưa về phía mình.
  • Có thể há miệng nhận thức ăn từ thìa và đưa vào miệng: Nếu bạn đưa một thìa ngũ cốc mà trẻ đẩy thìa ra khỏi miệng và thức ăn bị rớt xuống cằm, thì trẻ có thể chưa đưa được thức ăn vào miệng để nuốt. Điều này cũng là bình thường vì trước đây trẻ chưa bao giờ ăn thứ gì đặc hơn sữa mẹ hoặc sữa công thức. Hãy thử pha loãng thức ăn trong vài lần đầu tiên; sau đó tăng dần độ đặc. Bạn cũng có thể đợi một hoặc hai tuần sau rồi thử cho bé ăn dặm trở lại.

LƯU Ý: Tổ Chức Y Tế Thế Giới và các chuyên gia khuyến nghị trẻ nên bú mẹ hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi sinh. Sau đó, tiếp tục cho con bú mẹ kết hợp ăn dặm. Nếu cả bạn và bé đều muốn thì nên duy trì bú mẹ trong 2 năm hoặc lâu hơn. Trong thời gian này, bạn nên hỏi bác sĩ Nhi về việc bổ sung vitamin D và sắt trong năm đầu tiên sau sinh. 

Cho bé ăn dặm bắt đầu như thế nào?

Bạn có thể bắt đầu với nửa thìa hoặc ít hơn và nói với bé rằng: Mmm, con xem cái này ngon chưa nè ?". Đầu tiên, có thể bé không biết phải làm gì. Có những trẻ bối rối, nhăn mũi, đảo thức ăn trong miệng hoặc từ chối hoàn toàn. 

Mẹo giúp việc cho bé ăn dặm lần đầu dễ dàng hơn là cho bé bú một ít sữa mẹ, sữa công thức hoặc cả hai trước bữa ăn với mục đích không để bé quá đói. Ngay sau đó, bạn cho bé ăn 1 thìa nhỏ thức ăn và kết thúc bữa ăn bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi bé quá đói, bé sẽ rất cáu kỉnh và rất khó chấp nhận một thức ăn mới, chỉ muốn sữa mà thôi. 

Trong những lần đầu ăn dặm, đừng ngạc nhiên nếu trẻ làm dơ mặt, tay và yếm. Những lần ăn dặm đầu tiên, bạn chỉ nên cho bé ăn một hoặc hai thìa, sau đó mới tăng dần dần lượng thức ăn. Điều này cho phép bé có thời gian học cách nuốt. 

Nếu bé khóc hoặc quay đi không hợp tác khi bạn cho bé ăn dặm, đừng ép con ăn. Hãy để con tiếp tục bú mẹ hoặc bú bình hoàn toàn trong một thời gian nhất định trước khi thử lại. Hãy nhớ rằng, học ăn dặm là một quá trình lâu dài chứ bé không thể ăn tốt ngay từ lần đầu tiên được. Lúc đầu, nguồn dinh dưỡng chính vẫn là sữa mẹ, sữa công thức hoặc cả hai. Ngoài ra, mỗi bé có một đặc điểm khác nhau nên khả năng thích nghi với việc ăn dặm cũng khác nhau.

LƯU Ý: Không cho ngũ cốc trẻ em vào bình sữa vì trẻ có thể bị sặc. Việc này cũng làm tăng lượng đồ ăn bé nạp vào và có thể khiến bé tăng cân quá nhiều. 

Trẻ bắt đầu ăn dặm nên ăn gì?

Chọn thực phẩm cho bé ăn dặm

Thức ăn cho bé ăn dặm 

Thực phẩm bé ăn lần đầu tùy thuộc vào lựa chọn của bạn. Bạn có thể tự nấu cho con hoặc mua đồ chế biến sẵn. Tuy nhiên, thực đơn cho bé bắt đầu ăn dặm nên đảm bảo những điều sau:

  • Thức ăn phải mềm hoặc xay nhuyễn để tránh bị nghẹn.
  • Chỉ giới thiệu một loại thực phẩm mới (món ăn chứa một thành phần) từ bất kỳ nhóm nào trong số thực phẩm chứa đạm, rau, trái cây trong vòng 3-5 ngày để xem trẻ có bị dị ứng với thực phẩm đó không. Sau đó, bạn mới thử qua thực phẩm mới khác.
  • Không có bằng chứng nào cho thấy có thể ngăn ngừa dị ứng thực phẩm nếu chờ bé đủ bao nhiêu tháng mới giới thiệu các loại thức ăn mềm, an toàn (như trứng, sữa, đậu nành, các sản phẩm từ đậu phộng hoặc cá). Tốt nhất là cho bé ăn dặm vào thời điểm 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trẻ bị chàm nặng và/hoặc dị ứng trứng được khuyến cáo nên xét nghiệm dị ứng đậu phộng. Vì vậy, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa về thời điểm và cách cho bé ăn thử các sản phẩm từ đậu phộng.
  • Không có bằng chứng nào cho thấy con bạn sẽ không thích ăn rau nếu được cho ăn hoa quả trước.
  • Hãy chắc chắn cho trẻ ăn dặm các loại thực phẩm cung cấp sắt và kẽm, chẳng hạn như thức ăn trẻ em làm từ thịt hoặc ngũ cốc tăng cường chất sắt.
  • Nếu bạn cho bé ăn ngũ cốc làm sẵn, hãy chắc chắn rằng nó dành cho trẻ nhỏ và có bổ sung chất sắt. Với ngũ cốc dành cho trẻ em có sẵn, bạn có thể pha bằng sữa mẹ, sữa công thức hoặc nước.
  • Trong vòng vài tháng kể từ khi bắt đầu ăn dặm, chế độ ăn hàng ngày của bé nên bao gồm nhiều loại thức ăn khác nhau, chẳng hạn như sữa mẹ, sữa công thức hoặc cả hai, các loại thịt, cá khác nhau, trứng, ngũ cốc, rau, trái cây. Đa dạng thực phẩm sẽ giúp con không bị kén ăn sau này.

Có nên cho bé uống nước trái cây không?

Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi không cần nước trái cây, bạn không nên cho con uống. 

Sau 12 tháng tuổi cho đến 3 tuổi, bé có thể uống nước trái cây được nhưng cần lưu ý:

  • Chỉ nên cho bé uống nước ép trái cây tươi và uống không quá 120 ml mỗi ngày. Uống nhiều nước trái cây làm giảm sự thèm ăn của trẻ với các loại thức ăn bổ dưỡng hơn như sữa mẹ, sữa công thức; thậm chí có thể gây hăm tã, tiêu chảy hoặc tăng cân quá mức.
  • Nên cho bé uống nước ép trong cốc, không uống trong chai. 
  • Để ngăn ngừa sâu răng, không cho trẻ ngậm bình sữa hoặc bình nước trái cây tươi khi đi ngủ. 

Cho bé ăn dặm có cần cho uống nước không?

Bé dưới 6 tháng tuổi không cần uống thêm nước. Sữa đã đảm bảo cung cấp đủ nước cho con. Tuy nhiên, bạn có thể cho uống một chút nước khi bắt đầu cho bé ăn dặm nhưng không quá 240 ml mỗi ngày hoặc khi thời tiết nóng. Nếu bạn sống ở khu vực nước có chất florua, uống nước này cũng giúp ngăn ngừa sâu răng.

Cho bé ăn dặm đi phân như thế nào?

Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, bạn sẽ thấy phân của con rắn hơn và thay đổi màu sắc, mùi. Cụ thể như sau:

  • Mùi phân sẽ nồng hơn nhiều do có thêm đường và chất béo. 
  • Đậu Hà Lan và các loại rau xanh khác có thể khiến phân có màu xanh đậm, củ dền có thể làm cho phân có màu đỏ và đôi khi nước tiểu cũng đỏ. 
  • Nếu thức ăn của trẻ không được nghiền nát, phân của bé có thể chứa những mẩu thức ăn khó tiêu, đặc biệt là vỏ đậu Hà Lan, vỏ hạt ngô, vỏ cà chua hoặc các loại rau khác. 

Những điều này đề là bình thường. Hệ tiêu hóa của bé vẫn còn non nớt và cần thời gian để có thể xử lý hoàn toàn những loại thực phẩm mới này. 

Tuy nhiên, nếu phân cực kỳ lỏng, nhiều nước hoặc nhiều nhầy, rất có thể đường tiêu hóa đang bị kích thích. Trong trường hợp này, bạn hãy giảm lượng thức ăn lại và cho bé tập ăn từ từ. Nếu phân tiếp tục lỏng, nhiều nước hoặc có nhiều nhầy, bạn nên cho bé đi khám bác sĩ.

Khi nào cho trẻ ăn bốc bằng tay?

Trẻ được ăn bốc khi đã sẵn sàng

Không có con số cụ thể về việc trẻ mấy tháng cho ăn bốc. Khi bé biết ngồi và đưa tay hoặc các đồ vật khác lên miệng, bạn có thể cho bé ăn bốc để giúp con học cách tự ăn. 

Trong giai đoạn trẻ tập ăn bốc, bạn nên lưu ý những điều sau đây:

  • Để tránh bị nghẹn, hãy đảm bảo rằng bất cứ thứ gì bạn cho bé ăn đều mềm, dễ nuốt và được cắt thành từng miếng nhỏ. Ví dụ những miếng chuối nhỏ, trứng vụn, trứng khuấy, mì ống nấu chín kỹ, thịt gà nấu chín và thái nhỏ, khoai tây, đậu Hà Lan nấu chín và cắt nhỏ.
  • Mỗi bữa ăn của bé chỉ nên ăn khoảng 8 muỗng canh. 
  • Hạn chế cho bé ăn thực phẩm chế biến dành cho người lớn và trẻ lớn vì những thực phẩm này thường chứa nhiều muối và các chất bảo quản khác.
  • Nếu bạn muốn cho bé ăn thức ăn tươi, hãy sử dụng máy xay để xay thức ăn, hoặc dùng nĩa muỗng để nghiền những thức ăn mềm. Bạn phải nấu chín tất cả các loại thực phẩm tươi và không nêm muối hay bất kỳ loại gia vị nào. Đồng thời, bạn cần bảo quản thức ăn trong tủ lạnh và kiểm tra xem thức ăn có bị hỏng không trước khi cho bé ăn. Thực phẩm tươi sống có vi khuẩn nên chúng sẽ nhanh hỏng hơn các thực phẩm đóng hộp. 
  • Không cho bé ăn bất kỳ thức ăn nào cần nhai ở độ tuổi này hoặc bất kỳ thức ăn nào có nguy cơ gây hóc nghẹn. Thực phẩm cần tránh bao gồm xúc xích , các loại hạt, miếng thịt to hoặc phô mai to, nho nguyên trái, bắp rang bơ, miếng bơ đậu phộng, rau sống, trái cây miếng to, kẹo. 

Bắt đầu thói quen ăn uống tốt ngay từ sớm

Điều quan trọng nhất là bé cần được làm quen với quá trình ăn uống như ngồi ăn, xúc thức ăn bằng thìa, dừng ăn khi no. Những kinh nghiệm ban đầu này sẽ giúp con bạn học thói quen ăn uống tốt.
Bạn nên cho bé ăn dặm cùng với gia đình ngay từ lần đầu tiên nếu có thể. Các nghiên cứu cho thấy rằng các thành viên gia đình ăn tối cùng nhau thường xuyên sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ em.

Bên cạnh đó, hãy nhớ cung cấp nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, giàu chất dinh dưỡng. Bạn cũng nên quan sát để biết các dấu hiệu cho thấy bé đã ăn đủ. Đừng cho bé ăn quá nhiều!

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về dinh dưỡng của con, bao gồm cả những lo lắng về việc con bạn ăn quá nhiều hoặc quá ít, hãy trao đổi với bác sĩ Nhi khoa Bệnh viện Phương Nam để họ hỗ trợ bạn cho bé ăn dặm hiệu quả. 

Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam

Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam, nơi chăm sóc sức khỏe trẻ em đáng tin cậy ngay tại trung tâm quận 7.  

Với đội ngũ chuyên môn Nhi khoa nhiều năm kinh nghiệm bao quát tất cả các lĩnh vực nhi khoa, Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam là lựa chọn chăm sóc sức khỏe cho bé thuận tiện và đáng tin cậy:

  • Vị trí ngay trung tâm Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7
  • Bệnh viện chuyên về Sản – Nhi – IVF có hệ thống phòng khám Nhi đa dạng và chuyên sâu cho trẻ từ sơ sinh đến 16 tuổi
  • Dịch vụ khám ngoài giờ thuận tiện cho Quý phụ huynh
  • Giờ hoạt động Phòng khám Nhi: T2 - T7, 7:30 – 19:30 và Tiêm chủng: T2 - T7, 7:30 – 16:30
  • Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn hiện đại hàng đầu đảm bảo sự an toàn của khách hàng, đặc biệt là trẻ nhỏ

Tại Bệnh viện Phương Nam, tại Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam, trẻ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện theo từng mốc độ tuổi quan trọng suốt thời gian trưởng thành:

  • 5 mốc độ tuổi quan trọng của trẻ cần được theo giám sát: Sơ sinh - Nhũ nhi (1 tuần tuổi - 12 tháng), Mầm non (12 tháng – 3 tuổi), Trẻ mẫu giáo (3 – 6 tuổi), Tuổi đi học (6 - 12 tuổi), và Tuổi vị thành niên (12 - 16 tuổi)
  • Chương trình Nhi Khoa Phát Triển tiên phong tại Việt Nam
  • Chương trình tầm soát, điều trị tiêu hoá cho trẻ em và nội soi tiêu hoá nhi
  • Tầm soát, điều trị các vấn để về nội tiết và dậy thì sớm
  • Chương trình tiêm chủng theo độ tuổi có bác sĩ Nhi tư vấn
  • Chương trình tái khám và theo dõi dành riêng cho trẻ sinh non và trẻ sơ sinh nguy cơ cao
  • Tầm soát và điều trị các vấn đề về dinh dưỡng trẻ em

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn