Viêm tụy mãn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

24/08/2024
Nội dung chính xem nhanh

Viêm tụy mạn tính là bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời trước khi tuyến tụy bị suy giảm hoặc mất chức năng. Vì vậy, việc phát hiện bệnh cũng như nắm được những thông tin cơ bản về bệnh rất quan trọng, nhằm giúp bệnh nhân chủ động hơn khi đối phó với bệnh.

1. Viêm tụy mạn tính là gì?

Viêm tụy mạn tính (hay mãn tính) xảy ra khi các mô tụy bị xơ hóa dần dần, dẫn tới phá huỷ ngày càng nặng nhu mô tụy. Hậu quả là suy giảm hoặc làm mất chức năng tụy.

Viêm tụy mãn được chia thành 3 loại như sau:

1.1. Viêm tụy mãn tiên phát

  • Thể vôi hóa 
  • Thể không vôi hoá 

1.2. Viêm tụy mãn thứ phát

  • Sau tắc nghẽn ống tụy nhý hẹp bóng vater 
  • Dính sẹo trên ống tụy, chấn thương phẫu thuật, u chèn ép

1.3. Viêm tụy mãn đặc biệt

Viêm tụy mãn đặc biệt là tình trạng viêm tụy liên quan đến yếu tố di truyền, rối loạn chuyển hóa, nội tiết. 

2. Đâu là nguyên nhân viêm tụy mạn tính?

Nguyên nhân dẫn đến từng loại viêm tụy mạn không giống nhau. Cụ thể như sau:

2.1. Viêm tụy mãn tiên phát

  • Rối loạn chuyển hoá: Thiếu đạm, thừa mỡ kéo dài.
  • Nhiễm độc: Rượu, chì, photpho, coban mạn.
  • Vôi hoá: Hay gặp ở nam nghiện rượu, trung bình sau 9 năm mắc nghiện rượu.
  • Tự miễn: Thấy tăng gamma globulin, có kháng thể kháng tụy.
  • Di truyền gia đình: Bệnh nhầy nhớt tụy, hoặc chứng cường tuyến cận giáp, tăng lipit máu nội sinh.

2.2. Viêm tuỵ mãn thứ phát

Do tắc nghẽn, do chấn thương phẫu thuật xơ hóa quanh ống tụy

2.3. Viêm tụy mãn đặc biệt

Do di truyền, do rối loạn chuyển hoá nội tiết.

3. Triệu chứng bệnh viêm tụy mạn tính gồm những gì?

Nhận biết dấu hiệu viêm tụy mạn tính

Các dấu hiệu viêm tụy mạn tính có thể bao gồm:

  • Đau: đau ở vùng thượng vị xuyên ra sau lưng; đau lâm râm, kéo dài, có lúc thành cơn; đau sau uống rượu, ăn mỡ. Cơn đau giảm đau khi nằm nghiêng, ngồi cúi, úp lưng. Người bệnh có thể buồn nôn. Khoảng 20% người bệnh không bị đau bụng. 
  • Đi lỏng: nhiều lần trong ngày; phân lỏng như cháo, màu xám nhạt, phân láng mỡ, sợi cơ. 
  • Sờ nắn bụng: Không thấy gì đặc biệt, ấn vùng tá tụy đau, tam giác Chauffard đau, Điểm Mayo Robson đau. Da, niêm mạc vàng nhạt (thường kéo dài từ 2- 10 ngày rồi hết), thường có vàng da sau triệu chứng đau, nhưng người bệnh không sốt như khi bị sỏi mật. 
  • Toàn thân: Gầy đét, da khô, tóc thưa, dễ rụng, mệt mỏi, thiếu máu, phù nề.

4. Bệnh viêm tụy mạn tính có nguy hiểm không?

Bệnh này sẽ tiến triển nặng dần và xuất hiện biến chứng trong vòng 10 năm đầu.

Sau 10-15 năm mắc bệnh, có ⅓ trường hợp giảm tình trạng phá hủy tuyến tụy và không còn triệu chứng đau bụng, thay vào đó là tình trạng kém hấp thu và tiểu đường sẽ phát triển.

Biến chứng của viêm tụy mãn tính có thể gồm:

  • U nang do giãn ống tụy hay u nang giả.
  • Chảy máu tiêu hoá 10%.
  • Vàng da, ứ mật do đầu tụy chèn ép ống mật chủ.
  • Đái tháo đường.
  • Hội chứng kém hấp thu.
  • Hẹp tá tràng, nôn mửa.
  • Tràn dịch thanh mạc thường bên trái. Ít tràn dịch ở màng bụng, màng tim hơn. Nguyên nhân do u nang giả tụy dò vào. Dịch có amylase cao, có thể có máu.
  • Ung thư tuyến tụy, chiếm 3% số ca viêm tụy mạn.

5. Chẩn đoán viêm tụy mãn tính bằng cách nào?

5.1. Bước chẩn đoán để xác định bệnh

Nói chung khó chẩn đoán xác định, bác sĩ chỉ nghĩ tới viêm tụy mãn tính khi bệnh nhân có biểu hiện gầy còm, đi tiêu lỏng không rõ nguyên nhân, kết hợp với thăm dò tụy. 

Hoặc đây là chẩn đoán sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác như lao, ung thư…

5.2. Chẩn đoán phân biệt với các bệnh tại tụy khác

1. Với ung thư tụy: (1- 2% các loại) 60% là đầu tụy, 15% là thân và đuôi tụy. Bệnh tiến triển từ từ với biểu hiện đầy bụng, tiêu chảy, mất khẩu vị; đau bụng âm ỉ, khi có tắc mật thì u đã to.

2. Sỏi tụy: ít gặp; gồm canxi cacbonat, phospho, chất hữu cơ. 

  • Đau dữ dội thượng, lan ra sau lưng, giống cơn đau quặn gan 
  • Rối loạn tiêu hoá: tiêu phân mỡ, có sợi cơ. 
  • X-quang tụy có hình cản quang sỏi tụy 

3. U nang tuyến tụy: ít gặp, bệnh nhân có tiền sử bị viêm tụy cấp 

  • Đau thượng vị lệch về bên trái, tiêu hoá kém, nôn, mệt mỏi, gầy. 
  • Đôi khi có vàng da, có thể có xuất huyết tiêu hóa, có thể có hội chứng TALC cục bộ do chèn ép.
    Khám có khối u to vùng thượng vị, không di động, gõ đục giữa hai vùng trong là dạ dày và đại tràng ngang.
  • X-quang: Có thể thấy sỏi, dạ dày bị lõm bờ cong lớn (nang đuôi tụy), góc treitz bị đẩy xuống, khung tá tràng bị giãn rộng (u đầu tụy).Chụp bơm hơi sau phúc mạc thấy nang tụy. Chụp tĩnh mạch lách-cửa thấy hình tĩnh mạch lách bị chèn ép.

6. Điều trị viêm tụy mạn như thế nào?

Bệnh viêm tụy mãn tính được điều trị theo những nguyên tắc như sau:

  • Điều trị cơn cấp tính của viêm tụy mạn như viêm tụy cấp
  • Dùng thuốc thay thế chức năng tụy bị suy giảm
  • Điều trị triệu chứng
  • Dùng các biện pháp can thiệp khi có tắc nghẽn đường mật tụy.

Các phương pháp cụ thể bao gồm:

6.1. Điều trị nội khoa

1. Điều trị cơn cấp tính của viêm tụy mạn.

2. Viêm tụy mạn tính nên ăn gì rất quan trọng:

  • Bỏ hoàn toàn rượu. 
  • Bỏ thuốc lá.
  • Chế độ ăn giảm chất béo, chiếm 25 – 30% tổng số năng lượng. Người bệnh nên dùng các chất béo có nhiều Triglycerid dễ hấp thu như dầu vừng, dầu đậu tương, dầu lạc. 
  • Không nên hạn chế chế độ ăn vì bệnh nhân viêm tụy mạn tính dinh dưỡng vốn đã rất kém.

3. Điều trị giảm đau: Thường là rất cần thiết, nhất là thể viêm tụy mạn đau nhiều. Các thuốc giảm đau không Steroid là những thuốc sử dụng phổ biến để cắt cơn đau trong viêm tụy mạn tính. Tùy theo mức độ đau mà có chỉ định cho liều thích hợp. 

4. Dùng các thuốc thay thế men tụy ngoại tiết. 

5. Điều trị tiểu đường: Theo mức độ tăng của đường huyết mà có chỉ định dùng thuốc uống hoặc Insulin dạng tiêm. 

6. Điều trị sạm da.

6.2. Phẫu thuật

Các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật viêm tụy mãn khi điều trị giảm đau bằng nội khoa không có kết quả, hoặc khi có các biến chứng như giãn ống tụy, giãn đường mật, chèn ép tá tràng gây tắc ruột, chèn ép mạch mạc treo, nang giả tụy… 

Phương pháp mổ đang được áp dụng phổ biến hiện nay là phẫu thuật Frey và phẫu thuật Berger. 

  • Phẫu thuật Frey tiến hành cắt đầu tụy, mở ống tụy chính dọc thân và đuôi tụy, nối thân và đuôi tụy với quai hỗng tràng. 
  • Phẫu thuật Berger cắt đầu tụy bảo tồn tá tràng, cắt ngang thân tụy, nối tụy và nối ống mật chủ với quai hỗng tràng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh viêm tụy mạn tính và cách điều trị. Hi vọng đã giúp ích cho bạn trong việc phát hiện và điều trị bệnh lý này.

Khoa Khám bệnh Đa khoa Bệnh viện Phương Nam - Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cả gia đình 

Khoa Đa khoa Bệnh viện Phương Nam là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, đa dạng cho mọi lứa tuổi. Với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, chúng tôi cam kết mang đến trải nghiệm khám chữa bệnh an toàn và chất lượng cao. 

Đặc biệt, với sự dẫn dắt của Thầy thuốc Ưu tú. PGS. TS. BS. Đặng Trần Côn, chuyên gia đầu ngành ngoại tổng hợp và bệnh lý gan mật, đã có 40 năm kinh nghiệm, đào tạo nên nhiều thế hệ bác sĩ đa khoa ưu tú. Với sự dẫn dắt của bác sĩ Côn cùng đội ngũ bác sĩ có từ 10-20 năm kinh nghiệm, Đa khoa Bệnh viện Phương Nam phát triển với những mũi nhọn: 

  • Ngoại khoa 
  • Nội khoa 
  • Tiêu hóa 
  • Da liễu 
  • Dinh dưỡng 
  • Tai - Mũi - Họng 
  • Răng hàm mặt 
  • Cấp cứu 24/7 

Bên cạnh dịch vụ y tế chất lượng cao cùng đội ngũ bác sĩ đa khoa hàng đầu, không gian phòng khám, phòng lưu trú tại Bệnh viện Phương Nam được thiết kế thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm giác thoải mái và thư giãn cho khách hàng.

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.

 

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn