Thoát vị bẹn ở trẻ em và tất cả những điều cha mẹ cần biết

25/08/2024
Nội dung chính xem nhanh

Có khoảng 1-2% trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng thoát vị bẹn, bao gồm cả nam và nữ. Tình trạng này không tự khỏi mà cần được phẫu thuật để điều trị. Vì vậy, cha mẹ nên nắm rõ các thông tin cơ bản về thoát vị bẹn cùng cách điều trị.

Thoát vị bẹn là gì?

Thoát vị xảy ra khi một cơ quan lồi ra khỏi khoang chứa nó thông qua một lỗ tự nhiên hay lỗ bất thường. Thoát vị bẹn là trường hợp thoát vị xảy ra qua ống bẹn, một ống nối thông giữa bụng và bìu (ở nam) hoặc bụng và môi lớn (ở nữ). 

Tỷ lệ trẻ trai mắc bệnh cao gấp 4 lần so với trẻ gái. Có khoảng 6% số bệnh nhân nam có mắc kèm dị tật ẩn tinh hoàn. 

Khoảng 50% trường hợp được phát hiện trước 1 năm tuổi và hầu hết trong số này là trước 6 tháng tuổi. 

Trẻ sinh non có tỉ lệ mắc thoát vị bẹn cao hơn. Cụ thể, có tới 7 % trẻ trai mắc tật này nếu trẻ sinh trước 30 tuần của thai kì. Trẻ sinh non với cân nặng dưới 1.5kg có nguy cơ bị thoát vị bẹn cao 20 lần so với trẻ nặng hơn.

Nguyên nhân gây thoát vị bẹn ở trẻ em

Bình thường, trong khoảng tháng thứ 5 đến tháng thứ 8 của thai kỳ, tinh hoàn sẽ đi từ vùng bụng vào ống bẹn để đến bìu thông qua một ống được gọi là ống phúc tinh mạc. Sau đó, ống phúc tinh mạc sẽ bị bịt kín (trong những tuần cuối thai kỳ hoặc ngay sau khi sinh). Thoát vị bẹn xảy ra khi ống bẹn và ống phúc tinh mạc không đóng kín.

Nếu ống phúc tinh mạc chỉ bịt kín một phần, thì tùy vị trí và mức độ có thể gây ra:

  • Thoát vị bẹn (nếu không bịt kín hoặc bịt kín ở phía gần tinh hoàn). 
  • Gây ra tràn dịch màng tinh (nếu chỉ bịt kín phần gần ống bẹn). 
  • Hoặc nang thừng tinh (nếu chỉ bịt kín phần gần tinh hoàn và ống bẹn còn chừa lại đoạn giữa)

Bệnh xảy ra ngẫu nhiên hoặc do yếu tố di truyền. 

Triệu chứng thoát vị bẹn là gì?

Triệu chứng thoát vị bẹn ở trẻ em

Biểu hiện của thoát vị bẹn là xuất hiện một khối phồng vùng bẹn bìu ở trẻ trai và vùng gần âm môi ở trẻ gái với những đặc điểm như sau:

  • Khối phồng thường xuất hiện to hơn khi bé khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục. 
  • Khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn bé lại như bình thường. 
  • Vùng bẹn của trẻ có một khối phồng căng cứng, sờ đau và có thể bé không cho sờ. 

Đa số các bé nhập viện với tình trạng bứt rứt, quấy khóc than đau (với trẻ lớn) và bỏ bú, nôn ói (trẻ nhỏ). Thường thì ghi nhận có khối phồng lên xẹp xuống ở vùng bẹn trước đó, nay khối phồng căng và không xẹp lại như mọi khi. 

Cách chẩn đoán thoát vị bẹn ở trẻ em

Chẩn đoán xác định có khối thoát vị

Các bác sĩ cần kiểm tra khối phồng nghi ngờ do thoát vị.

  • Đối với trẻ dưới 1 tuổi, họ sẽ cho trẻ nằm ngửa, duỗi thẳng hai chân và đưa hai tay lên quá đầu. Tư thế này thường làm cho trẻ khóc và làm tăng áp lực ổ bụng do đó sẽ lộ rõ khối thoát vị. 
  • Trẻ lớn hơn được khám cho trẻ ở tư thế đứng, tư thế này cũng làm tăng áp lực ổ bụng và làm lộ khối thoát vị.

Chẩn đoán phân biệt thoát vị bẹn với tràn dịch màng tinh hoặc nang thừng tinh

Khối phồng do thoát vị bẹn gây ra sẽ tăng kích thước; hoặc chỉ xuất hiện khi trẻ khóc hoặc gắng sức, biến mất hoặc nhỏ lại rất nhiều khi trẻ được thư giãn.

Tràn dịch màng tinh thể không thông ổ bụng hoặc nang thừng tinh thì không thay đổi kích thước trong ngày.

Các phương tiện chẩn đoán như siêu âm sẽ giúp bác sĩ phân biệt 3 tình trạng này. Tuy nhiên, trong thực tế, bác sĩ có thể sử dụng nghiệm pháp soi đèn để xác định tràn dịch màng tinh hoàn. Cụ thể, khi sử dụng đèn pin chiếu qua, trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn sẽ cho hình trong suốt.

Cách điều trị thoát vị bẹn cho trẻ

Thoát vị bẹn có tự khỏi không thì chắc chắn là không, buộc phải phẫu thuật. Nếu không điều trị kịp thời có thể xảy ra các tình huống sau: 

  • Nghẹt hoại tử ruột: Khoảng 20% số bệnh nhân có thể bị nghẹt ruột ở bất kỳ tuổi nào, nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ (khoảng 60% trong ba tháng đầu sau đẻ); rối loạn tiêu hóa, gây chậm lớn ở trẻ nhỏ. Bệnh còn tăng nguy cơ gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn. 
  • Tất cả trẻ gái bị thoát vị bẹn, dù không đau nhưng nếu không xẹp đi khi trẻ ngủ thì phải mổ càng sớm càng tốt do tạng thoát vị là buồng trứng. 

Sau khi đã có chẩn đoán xác định, nên chuẩn bị cho việc điều trị bằng phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh biến chứng thoát vị bẹn nghẹt rất hay xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi.

Mổ thoát vị bẹn

Quy trình mổ thoát vị bẹn diễn ra như sau:

Trước khi phẫu thuật 

Không nên cho trẻ ăn trong sáu giờ trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ nôn mửa và hít sặc trong khi gây tê. 

Trong khi phẫu thuật 

  • Rạch một đường nhỏ khoảng 2-3 cm bên trong nếp gấp da háng. 
  • Xác định túi thoát vị. 
  • Đẩy ruột bên trong túi thoát vị trở lại vào vị trí thích hợp của nó, phía sau vách cơ. 
  • Loại bỏ túi thoát vị. 
  • Khâu gia cố các cơ vách để ngăn chặn thoát vị khác. 
  • Nếu trẻ lớn hơn 1 tuổi, nguy cơ thoát vị sẽ phát triển ở phía bên còn lại của háng là rất cao. Do vậy, khuyến cáo nên sửa chữa cả hai bên bẹn. Nếu không có hiện thoát vị ở phía bên kia háng thì tiến hành khâu gia cố bức tường cơ. 

Một số bệnh nhân cần mổ phục hồi sàn bẹn.

Sau khi phẫu thuật 

Hầu hết trẻ được về nhà một vài giờ sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, trẻ sinh non và trẻ em có vấn đề về sức khỏe nhất định có thể cần phải ở lại bệnh viện thêm 1 đêm để theo dõi.

Điều trị thoát vị bẹn nghẹt

Nếu bệnh nhân nhập viện trước 6 giờ kể từ khi bị nghẹt ruột ở túi thoát vị thì thử điều trị bảo tồn bằng cách:

  • Giảm đau tốt, đặc biệt là thuốc giảm đau có kèm thêm tác dụng an thần (nhóm thuốc giảm đau gây nghiện) 
  • Cho bệnh nhân nằm đầu thấp 
  • Dùng mặt múp của lòng bàn tay và các ngón tay bóp nhẹ và đều vào túi thoát vị theo hướng ngược với hướng thoát vị 

Nếu điều trị bảo tồn thành công sẽ xếp mổ chương trình. Nếu thất bại hay bệnh nhân nhập viện sau 6 giờ, hay nghi ngờ có hoại tử ruột, cần phẫu thuật cấp cứu với nguyên tắc sau: 

  • Giải phóng ruột nghẹt, đưa ruột vào lại xoang bụng 
  • Xử lý túi thoát vị 
  • Tái tạo thành bẹn. 
  • Có thể dùng mảnh ghép hay không. 
  • Nếu ruột bị hoại tử thì cắt nối ruột. Có thể tái tạo thành bẹn nhưng không dùng mảnh ghép để tái tạo thành bẹn. 
  • Nếu ruột bị hoại tử và vùng bẹn bị nhiễm trùng thì cắt nối ruột. Dẫn lưu tốt vùng bẹn. Không tái tạo thành bẹn. Khi bệnh nhân ổn định mới tiến hành phẫu thuật tái tạo thành bẹn.

Chăm sóc bệnh nhân thoát vị bẹn sau phẫu thuật

Thông thường, trẻ sẽ phục hồi vào buổi tối sau khi phẫu thuật hoặc ngay sáng hôm sau. Sau đó, trẻ có thể tiếp tục thói quen ăn uống bình thường và hoạt động trở lại. Trong tuần đầu sau mổ cần chú ý với những hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng, căng vết mổ như: 

  • Đang nằm ngồi dậy, đang ngồi đứng dậy. 
  • Ho. 
  • Hắt hơi. 
  • Khóc. 
  • Nôn.

Cần thận trọng đưa trẻ đi tái khám khi có triệu chứng:

  • Sốt
  • Sưng nhiều
  • Đỏ
  • Chảy máu
  • Đau nặng hơn.

Mổ thoát vị bẹn có nguy hiểm không?

Biến chứng có thể xảy ra khi mổ thoát vị bẹn là:

  • Thường gặp tụ máu vết mổ, tụ máu bìu 
  • Hiếm gặp nhiễm trùng vết mổ (tỉ lệ 1-2% cho phẫu thuật mở, tỉ lệ sẽ thấp hơn nếu phẫu thuật nội soi)
  • Tổn thương các sợi thần kinh vùng bẹn do bị căng kéo, đốt điện, bị ép hay bị cắt ngang, gây ra cảm giác tê ở vùng da tương ứng. Đau do sợi thần kinh bị chèn ép là biến chứng quan trọng nhất, thường kéo dài, thường xảy ra do khâu buộc nhầm vào sợi thần kinh hay đặt mảnh ghép. 
  • Hiếm gặp teo tinh hoàn do thiếu máu
  • Tổn thương ống dẫn tinh, tổn thương động mạch tinh hoàn.

Khoa Khám bệnh Đa khoa Bệnh viện Phương Nam - Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cả gia đình 

Khoa Đa khoa Bệnh viện Phương Nam là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, đa dạng cho mọi lứa tuổi. Với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, chúng tôi cam kết mang đến trải nghiệm khám chữa bệnh an toàn và chất lượng cao. 
Đặc biệt, với sự dẫn dắt của Thầy thuốc Ưu tú. PGS. TS. BS. Đặng Trần Côn, chuyên gia đầu ngành ngoại tổng hợp và bệnh lý gan mật, đã có 40 năm kinh nghiệm, đào tạo nên nhiều thế hệ bác sĩ đa khoa ưu tú. Với sự dẫn dắt của bác sĩ Côn cùng đội ngũ bác sĩ có từ 10-20 năm kinh nghiệm, Đa khoa Bệnh viện Phương Nam phát triển với những mũi nhọn: 

  • Ngoại khoa 
  • Nội khoa 
  • Tiêu hóa 
  • Da liễu 
  • Dinh dưỡng 
  • Tai - Mũi - Họng 
  • Răng hàm mặt 
  • Cấp cứu 24/7 

Bên cạnh dịch vụ y tế chất lượng cao cùng đội ngũ bác sĩ đa khoa hàng đầu, không gian phòng khám, phòng lưu trú tại Bệnh viện Phương Nam được thiết kế thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm giác thoải mái và thư giãn cho khách hàng.

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.

 

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn