Sỏi túi mật là bệnh lý phổ biến, đa phần không có triệu chứng. Tuy nhiên một số trường hợp có triệu chứng như đau thượng vị hay dưới sườn phải. Có những trường hợp phát hiện muộn dẫn tới can thiệp trễ, nguy cơ biến chứng xì rò mật, ruột cũng như mổ hở gia tăng. Vì vậy để hiểu thêm chi tiết, hãy cùng tham khảo bài viết sau của Bệnh viện Phương Nam.
1. Chức năng của túi mật
Túi mật là một túi lưu trữ mật trước khi chảy vào tá tràng. Túi mật nằm ép sát vào mặt dưới gan trong một hố, gọi là hố túi mật. Túi mật hình quả lê, dài từ 8 - 10 cm và rộng nhất là 3 cm, dung tích khoảng 30 - 50 ml.
Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật (được gan tiết ra). Gan bài tiết ra mật, khoảng 500 - 1000ml trong vòng 24 giờ. Giữa 2 bữa ăn, mật sẽ được dự trữ trong túi mật. Túi mật có vai trò lưu trữ và cô đặc mật trước khi chảy vào tá tràng. Khi chúng ta ăn, đặc biệt là thức ăn có dầu, mỡ; túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật chứa trong đó vào đường mật và sau đó xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.
2. Sỏi túi mật là gì?
Sỏi túi mật là những viên rắn phát triển trong túi mật hoặc ống mật (hệ thống giống như ống dẫn trong gan). Sỏi túi mật có thể thay đổi kích thước đáng kể từ những hạt giống như sỏi cho đến vật rắn có kích thước bằng trái banh gôn. Những viên sỏi nhỏ lại thường gây nhiều rắc hơn vì chúng có thể ra khỏi túi mật và mắc kẹt trong những vị trí khác, trong khi những viên lớn hơn nằm yên trong túi mật.
Thực tế, rất nhiều người bị sỏi túi mật nhưng không có triệu chứng và cũng không biết đến sự hiện diện của chúng trong túi mật. Trong trường hợp này, không nhất thiết phải điều trị.
3. Dấu hiệu nhận biết bạn có sỏi trong túi mật
Sỏi túi mật có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Hầu hết sỏi túi mật không gây bất cứ triệu chứng nào và không cần điều trị. Khi sỏi mật gây ra các triệu chứng, chúng có thể bao gồm:
- Đau ở vùng thượng vị hoặc dưới sườn phải.
- Đau liên quan ở vai bên phải.
- Buồn nôn và ói.
- Các giai đoạn đau cứ lặp đi lặp lại giống nhau.
- Vàng da (da và mắt có màu vàng) nếu có tắc nghẽn ống mật đi kèm.
Đau là triệu chứng chính ở hầu hết những người bị sỏi túi mật. Cơn đau này ổn định và có thể kéo dài từ khoảng 15 phút đến vài giờ. Các giai đoạn đau có thể nghiêm trọng, thường giảm dần sau một đến ba giờ hoặc lâu hơn.
Sỏi túi mật có thể gây viêm túi mật cấp tính, là một tình trạng nghiêm trọng hơn khi túi mật thực sự bị viêm, xảy ra nếu một viên sỏi làm tắc nghẽn ở cổ túi mật, làm tăng áp lực trong túi mật. Trường hợp này có thể cần dùng kháng sinh, nhập viện và thậm chí là phẫu thuật khẩn cấp.
Sỏi rơi ra khỏi túi mật và chui vào ống mật chủ có thể gây tắc nghẽn ống mật chủ, làm vàng da, nhiễm trùng và viêm tụy. Bạn có thể cảm thấy đau ở nhiều vị trí, bao gồm:
- Phần trên của bụng, ở phía bên phải.
- Giữa hai bả vai.
- Dưới vai phải.
Có hai trường hợp có các triệu chứng giống với sỏi túi mật. Đó là bùn mật tích tụ chưa thực sự thành sỏi nhưng gây ra các triệu chứng đau giống như sỏi túi mật và một trường hợp không phổ biến là viêm túi mật không do sỏi. Trường hợp này thường được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
4. Những ai có nguy cơ bị sỏi túi mật?
Bạn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật, nếu bạn:
- Là phụ nữ.
- Trên 40 tuổi.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh sỏi túi mật.
- Thừa cân, béo phì.
- Sụt ký nhanh trong một khoảng thời gian ngắn.
- Mắc bệnh tiểu đường.
- Mắc bệnh Crohn.
- Chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol.
- Dùng thuốc hạ cholesterol.
- Dùng nhiều loại thuốc khác nhau, bao gồm uống thuốc ngừa thai.
- Bị các bệnh lý về máu.
Những người thừa cân hoặc có kế hoạch giảm cân bằng ăn kiêng hay phẫu thuật có nguy cơ phát triển sỏi túi mật cao hơn.
5. Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán sỏi túi mật?
Siêu âm có thể phát hiện được sỏi túi mật. Đây là một kỹ thuật không đau, không xâm lấn. Mặc dù không có xét nghiệm nào chính xác 100%, nhưng siêu âm là cách rất chính xác để chẩn đoán sỏi túi mật. Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định thêm các chẩn đoán hình ảnh khác, song siêu âm vẫn là công cụ chính để chẩn đoán sỏi trong túi mật.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) là phương pháp giúp tạo ra hình ảnh về tuyến tụy, túi mật và ống dẫn mật, từ đó giúp phát hiện sỏi mật, các biến chứng như nhiễm trùng, tắc nghẽn túi mật, ống dẫn mật,…
Chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và mô mềm, giúp phát hiện sỏi mật trong đường mật trong và ngoài gan, sỏi tụy.
6. Các phương pháp điều trị sỏi túi mật hiện nay
Hiện nay, để điều trị sỏi túi mật có những phương pháp như sau:
6.1. Điều trị bằng thuốc
Hiện nay thuốc “tan sỏi” ít được áp dụng do kém hiệu quả.
6.2. Tán sỏi
Một vài nơi hiện nay còn áp dụng tán sỏi để điều trị sỏi mật. Tuy nhiên, phương pháp này ít được áp dụng do hiệu quả kém và tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng.
6.3. Phẫu thuật cắt túi mật nội soi
Điều trị “tiêu chuẩn vàng” hiện nay cho sỏi túi mật là phẫu thuật cắt túi mật nội soi. Có thể phẫu thuật nội soi thông thường với 3 - 4 vết rạch da nhỏ 0.5 - 1cm trên thành bụng để đưa dụng cụ nội soi vào ổ bụng thực hiện cắt túi mật.
Thời gian phẫu thuật trung bình cho 1 ca sỏi túi mật 30-90 phút, thời gian nằm viện sau mổ trung bình 1-2 ngày.
6.4. Dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da
Đây là phương pháp can thiệp áp dụng với tình trạng bệnh nhân viêm túi mật cấp có tình trạng nặng chưa sẵn sàng phẫu thuật, dưới hướng dẫn siêu âm bác sĩ sẽ sử dụng một ống dẫn chọc dò qua da để dẫn lưu dịch và mủ từ trong túi mật đưa ra ngoài nhằm giúp cải thiện tình trạng viêm cấp của túi mật do sỏi. Dẫn lưu túi mật là phương pháp tạm thời, người bệnh sẽ được can thiệp cắt túi mật sau đó khi tình trạng người bệnh ổn định, có thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật. \
7. Vì sao nên tầm soát bệnh lý sỏi túi mật và theo dõi định kỳ?
Trong điều trị phẫu thuật, phẫu thuật khi túi mật không viêm dễ dàng hơn rất nhiều lần với tình trạng viêm nhiễm. Nếu người bệnh can thiệp trong tình trạng viêm cấp, có biến chứng sẽ tăng nguy cơ mổ hở và các biến chứng sau mổ cũng như tăng thời gian nằm viện và chi phí điều trị. Chính vì lẽ đó, việc theo dõi định kỳ để can thiệp sỏi túi mật kịp thời là cần thiết ở những người bệnh có sỏi túi mật.
Thế mạnh khi điều trị sỏi túi mật ở bệnh viện Phương Nam
Bệnh viện Phương Nam - Thành viên Tập đoàn Y tế Phương Châu, tự hào sở hữu hệ sinh thái sản nhi kết hợp đa khoa toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ, bao gồm Ngoại Tổng quát, Tiêu hóa,... luôn sẵn sàng đảm nhận vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị liên chuyên khoa, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình bạn.
Nổi bật về điều trị sỏi túi mật:
- Đội ngũ chuyên gia uy tín: Dẫn đầu bởi PGS.TS.BS.Bùi Mạnh Côn - Chuyên gia đầu ngành Ngoại Tổng quát, chuyên sâu về gan mật, với nhiều năm kinh nghiệm tại bệnh viện Bình Dân, bệnh viện An Bình,...
- Hệ thống trang thiết bị hiện đại: Khoa Ngoại Tổng quát, đặc biệt là về các bệnh lý tiêu hóa, được trang bị các thiết bị nội soi hiện đại hàng đầu thế giới. Nổi bật là máy nội soi Olympus EVIS X1 CV - 1500 tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, hỗ trợ bác sĩ phát hiện và chẩn đoán bệnh chính xác.
- Quy trình phẫu thuật theo chuẩn JCI: JCI là tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện từ Hoa Kỳ, bảo chứng cho chất lượng y tế đáp ứng tốt theo tiêu những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất. Hiện tại, TĐYT Phương Châu đang trong lộ trình cam kết thực hiện JCI trên toàn hệ thống 4 bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Phương Nam. Vì vậy, khách hàng hoàn toàn an tâm khi vấn đề an toàn được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trước, trong và sau quá trình phẫu thuật.
Cam kết mang đến trải nghiệm dịch vụ y tế chất lượng cao, an toàn cho người bệnh, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Bệnh viện Phương Nam - Người bạn đồng hành chăm sóc sức khỏe cho cả nhà.
--------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.