Các cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi cha mẹ cần biết

31/10/2024
Nội dung chính xem nhanh

“Một số cột mốc phát triển cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi mà con tôi phải đạt được là gì?” Đây là điều mà những bậc phụ huynh thông thái cần tìm hiểu và nắm rõ, để khi nghi ngờ bất thường sẽ đưa con đi kiểm tra và can thiệp kịp thời.

Từ 4-7 tháng tuổi, những thay đổi quan trọng nhất sẽ diễn ra bên trong con, bao gồm:

1. Cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi về cân nặng và sự tăng trưởng

Từ 4-7 tháng, em bé sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,45 đến 0,56 kg mỗi tháng. Vào thời điểm tròn 8 tháng, bé có thể nặng gấp khoảng 2,5 lần so với lúc mới sinh. Xương của bé cũng sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng. Kết quả là trong những tháng này chiều dài của bé sẽ tăng khoảng 5 cm) và chu vi vòng đầu tăng khoảng 2,5 cm.

Cân nặng và chiều cao cụ thể không quan trọng bằng tốc độ tăng trưởng của bé. Hãy vẽ biểu đồ tăng trưởng của trẻ đều đặn để đảm bảo trẻ tiếp tục phát triển với tốc độ như cũ.

Nếu bạn nhận thấy trẻ bắt đầu tăng trưởng theo một đường cong khác; hoặc tăng cân, hay tăng chiều cao chậm một cách bất thường, hãy nói với bác sĩ nhi khoa.

2. Các cột mốc vận động

Cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi về vận động

2.1. Lật qua lật lại, ngồi

Hãy sẵn sàng cho một số cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi về vận động, rất thú vị. Chúng bao gồm lật cả hai chiều và thậm chí ngồi dậy.

Em bé của bạn sẽ bắt đầu thành thạo các kỹ năng này, cơ lưng và cổ dần dần khỏe hơn. Trẻ cũng đang phát triển khả năng giữ thăng bằng tốt hơn ở thân, đầu và cổ.

Trình tự như sau:

  • Đầu tiên, trẻ sẽ ngẩng đầu lên và giữ nó trong tư thế nằm sấp. Khuyến khích điều này bằng cách cho con nằm sấp và đưa tay về phía trước khi thức. Sau đó, hãy thu hút sự chú ý của bé bằng một món đồ chơi hấp dẫn để dỗ trẻ ngẩng đầu lên và nhìn bạn. Đây cũng là một cách tốt để kiểm tra thính giác và thị giác của trẻ. 
  • Khi bé đã có thể ngẩng đầu lên, bé sẽ bắt đầu chống tay lên và cong lưng để nâng ngực. Điều này tăng cường sức mạnh cho phần thân trên của bé. Đây là chìa khóa để giữ vững và dựng thẳng lưng khi ngồi. Đồng thời, bé có thể nằm sấp, đá chân và “bơi” bằng tay. Những kỹ năng này thường xuất hiện khi trẻ được khoảng 5 tháng tuổi, cần thiết cho việc lăn và bò. Đến cuối giai đoạn này, trẻ có thể sẽ lăn theo cả hai hướng. Số tháng tuổi khác nhau ở mỗi trẻ.
  • Khi bé đã có thể nâng ngực lên, hãy giúp bé tập ngồi. Hãy bế trẻ lên hoặc dùng gối đỡ lưng khi trẻ học cách giữ thăng bằng. Trẻ sẽ sớm học cách sử dụng “kiềng 3 chân”, nghiêng về phía trước và dang rộng cánh tay để giữ thăng bằng. Những đồ chơi thú vị trước mặt sẽ giúp trẻ tập trung khi lấy được thăng bằng. Trẻ cần một thời gian để có thể tự ngồi, thường ngồi vững ở thời điểm 6-8 tháng tuổi.

2.2. Khả năng sử dụng tay, chân

Kiểm soát tay là một cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi

Đến tháng thứ tư, bé cũng đã kiểm soát được bàn tay của mình tốt hơn. Hầu hết các bé đều có thể dễ dàng đưa những đồ vật thú vị vào miệng. Trong bốn tháng tiếp theo, trẻ sẽ bắt đầu sử dụng các ngón tay để cầm hoặc cào và thu thập được nhiều thứ.

Khi bé học cách mở các ngón tay theo ý muốn, bé sẽ thích thú với việc thả và ném đồ vật. Nếu bạn để đồ chơi nhỏ trên khay của ghế ăn hoặc trong cũi, trẻ sẽ ném chúng xuống rồi gọi lớn để người khác lấy lại để trẻ làm lại. Bạn có thể cho bé chơi những quả bóng có kích cỡ, màu sắc và kết cấu khác nhau hoặc đồ chơi chuông bên trong để chúng phát ra âm thanh khi lăn. 

Một hoạt động thú vị giúp bạn quan sát các kỹ năng đang phát triển của con mình là ngồi trên sàn và lăn một quả bóng lớn về phía con. Lúc đầu, bé sẽ ngẫu nhiên vỗ vào nó, nhưng cuối cùng con sẽ học cách để đẩy bóng lăn về phía bạn.

Đến tháng thứ sáu đến thứ tám, trẻ sẽ học cách chuyển đồ vật từ tay này sang tay khác và xoay, vặn chúng. Tránh để đồ vật có thể gây nghẹn hoặc sát thương bên cạnh trẻ.

Bé đặc biệt bị hấp dẫn bởi những đồ chơi có bộ phận chuyển động như bánh xe quay, bập bênh có thể di chuyển, những bản lề đóng mở được. Những cái lỗ cũng rất hấp dẫn vì trẻ có thể thọc ngón tay vào và khi thành thạo hơn một chút, bé có thể thả mọi thứ qua đó.

Các khối cũng là một đồ chơi yêu thích ở độ tuổi này. Không có gì thúc đẩy bé bằng một tòa tháp đang chờ bị hất đổ. Đến cuối giai đoạn này, con bạn thậm chí có thể bắt đầu tự xây dựng các tòa tháp bằng cách xếp chồng khối này lên khối khác.

Khi sự phối hợp thể chất của chúng được cải thiện, em bé của bạn sẽ khám phá những bộ phận mới trên cơ thể. Lúc nằm ngửa, bé có thể nắm lấy bàn chân và ngón chân của mình và đưa lên miệng. Khi được quấn tã, trẻ có thể đưa tay xuống chạm vào bộ phận sinh dục của mình. Khi ngồi dậy, bé có thể vỗ vào đầu gối hoặc đùi. Thông qua những khám phá này, bé sẽ trải nghiệm được nhiều cảm giác mới mẻ và thú vị. Trẻ sẽ bắt đầu hiểu chức năng của các bộ phận cơ thể.

Khi bạn đặt chân trẻ xuống sàn, chúng có thể co ngón chân và vuốt ve mặt sàn, dùng bàn chân và cẳng chân để tập “đi” hoặc nhảy lên nhảy xuống. Hãy chú ý! Đây đều là sự chuẩn bị cho các cột mốc quan trọng tiếp theo: bò và đứng.

Đồ chơi thích hợp cho cột mốc phát triển của trẻ trẻ 4-7 tháng tuổi:

  • Gương nhựa hoặc mica không vỡ
  • Những quả bóng mềm, trong đó có một số loại tạo ra âm thanh nhẹ nhàng, dễ chịu
  • Đồ chơi có kết cấu tạo ra âm thanh
  • Đồ chơi có chỗ cầm nắm
  • Đồ chơi âm nhạc, chẳng hạn như chuông, lục lạc, trống (đảm bảo không có bộ phận nào có thể bị lỏng)
  • Lục lạc trong suốt cho thấy các mảnh phát ra âm thanh
  • Tạp chí cũ với hình ảnh tươi sáng để bạn cho trẻ xem
  • Sách dành cho trẻ em có trang bìa, vải hoặc nhựa vinyl

3. Các cột mốc liên quan việc nhìn, thị giác

Cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi về khả năng nhìn bao gồm:

  • Phát triển tầm nhìn đầy đủ màu sắc
  • Hoàn thiện tầm nhìn xa
  • Khả năng theo dõi các vật thể chuyển động được cải thiện

4. Các cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi về ngôn ngữ

Cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ 4-7 tháng tuổi là gì?

Trẻ sẽ biết:

  • Trả lời khi nghe tên của mình.
  • Bắt đầu trả lời “không”.
  • Phân biệt cảm xúc qua giọng điệu.
  • Phản ứng với âm thanh bằng cách tạo ra âm thanh.
  • Sử dụng giọng nói để thể hiện niềm vui và sự không hài lòng.
  • Nói bập bẹ những phụ âm.

Cụ thể như sau:

Con bạn học ngôn ngữ theo từng giai đoạn. Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã nhận được thông tin về ngôn ngữ bằng cách nghe mọi người tạo ra âm thanh và quan sát cách họ giao tiếp với nhau. Lúc đầu, trẻ quan tâm nhất đến cao độ và mức độ giọng nói của bạn. Khi bạn nói chuyện với trẻ một cách nhẹ nhàng, chúng sẽ ngừng khóc vì thấy bạn muốn an ủi bé. Ngược lại, nếu bạn hét lên trong cơn tức giận, trẻ có thể sẽ khóc vì giọng nói của bạn đang mách bảo chúng rằng có điều gì đó không ổn. 

Khi được bốn tháng, bé sẽ bắt đầu chú ý đến cả những âm thanh bạn tạo ra. Bé lắng nghe các nguyên âm, phụ âm và lưu ý cách chúng kết hợp thành âm tiết, từ và câu.

Bên cạnh việc tiếp nhận âm thanh, em bé cũng tạo ra âm thanh, đầu tiên là dưới dạng tiếng khóc và sau đó là tiếng thủ thỉ. Khi được khoảng bốn tháng, bé sẽ bắt đầu bập bẹ, sử dụng nhiều nhịp điệu và đặc điểm của ngôn ngữ mẹ đẻ. Nếu lắng nghe kỹ, bạn sẽ nghe thấy giọng trẻ lên xuống như thể chúng đang khẳng định điều gì đó hoặc đặt một câu hỏi. Hãy khuyến khích trẻ bằng cách nói chuyện với chúng suốt cả ngày. Khi trẻ nói một âm tiết dễ nhận biết, hãy lặp lại âm tiết đó cho trẻ nghe và sau đó nói một số từ đơn giản có chứa âm thanh đó. Ví dụ: nếu âm thanh trong ngày của trẻ là “bờ”, hãy giới thiệu cho trẻ “ba”, “bà”, “bi” và “bà bà ba ba”.

Việc cùng con phát triển ngôn ngữ quan trọng hơn sau 6-7 tháng, khi trẻ bắt đầu tích cực bắt chước các âm thanh của lời nói. Trẻ có thể lặp lại một âm thanh trong cả ngày hoặc thậm chí vài ngày liên tục trước khi thử âm thanh khác. Bé phản ứng nhanh hơn nhiều với những âm thanh nghe thấy và cố gắng làm theo sự dẫn dắt của bạn. Vì vậy, hãy giới thiệu cho trẻ những âm tiết và từ đơn giản như “em bé”, “mèo”, “chó”, “nóng”, “lạnh” và “đi”, cũng như “Mẹ” và “Ba”. Mặc dù có thể phải mất đến một năm hoặc hơn bạn mới có thể hiểu được bất kỳ tiếng bập bẹ nào của bé, nhưng con bạn có thể hiểu rõ nhiều từ của bạn trước 1 tuổi.

Nếu 7 tháng mà trẻ không bập bẹ hoặc bắt chước bất kỳ âm thanh nào thì có thể khả năng phát triển thính giác hoặc lời nói của trẻ có vấn đề. Em bé bị khiếm thính một phần vẫn có thể bị giật mình bởi những tiếng động lớn, hoặc quay đầu về phía tiếng động, thậm chí có thể phản ứng với giọng nói của bạn, nhưng trẻ sẽ gặp khó khăn khi bắt chước lời nói. Nếu con bạn không bập bẹ hoặc phát ra nhiều âm thanh khác nhau, hãy báo cho bác sĩ nhi khoa. Nếu trẻ bị nhiễm trùng tai thường xuyên, có thể còn một ít chất lỏng trong tai trong và điều này cản trở thính giác.

Có một thiết bị đặc biệt được sử dụng để kiểm tra thính giác của trẻ nhỏ. Tất cả trẻ sơ sinh nên được kiểm tra khả năng nghe và những quan sát của bạn sẽ cảnh báo sớm, cho biết liệu có cần kiểm tra thính lực lại hay không. 

5. Các cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi trong nhận thức

Trẻ sẽ có khả năng:

  • Tìm được vật thể, đối tượng bị giấu đi một phần.
  • Khám phá mọi vật bằng tay và miệng.
  • Đấu tranh để có được những đồ vật ngoài tầm với.

Các nghiên cứu cho thấy rằng ngay từ khi chào đời, bé đã tìm hiểu về thế giới xung quanh. Đến 4 tháng tuổi, khi trí nhớ và khả năng chú ý của bé tăng lên, bé không chỉ tiếp thu thông tin mà còn áp dụng nó vào các hoạt động hàng ngày của mình.

Trong giai đoạn này, một trong những khái niệm quan trọng nhất mà trẻ học liên tục là nguyên nhân và hậu quả. Có thể trẻ sẽ bắt đầu nhận thấy điều này trong khoảng từ 4 - 5 tháng tuổi. Ví dụ khi đá vào đệm đang nằm, bé sẽ nhận thấy nôi đang rung chuyển hoặc nhận ra chiếc lục lạc phát ra tiếng động khi bé đụng vào nó. Một khi trẻ hiểu rằng mình có thể gây ra những điều thú vị này, chúng sẽ tiếp tục thử nghiệm những cách khác.

Em bé cũng nhanh chóng phát hiện ra một số đồ vật, chẳng hạn như chuông và chìa khóa, tạo ra những âm thanh thú vị khi di chuyển hoặc lắc. Khi trẻ đập một số đồ vật nhất định lên bàn hoặc đánh rơi chúng xuống sàn, người xung quanh có phản ứng như cười, ngạc nhiên, than phiền hay nhặt đồ vật đó lên đưa lại cho bé. Dần dần, trẻ cố tình đánh rơi đồ đạc để thấy bạn nhặt chúng lên. Đôi khi điều này có thể gây khó chịu cho bạn nhưng đó là một cách quan trọng để trẻ tìm hiểu về nguyên nhân - kết quả cũng như khả năng tác động đến môi trường xung quanh của bé.

Bạn phải đưa cho con những đồ vật con cần cho trải nghiệm này và khuyến khích con thử nghiệm. Hãy đảm bảo rằng mọi thứ bạn cho trẻ chơi đều không thể vỡ, nhẹ và đủ lớn để trẻ không thể nuốt được. Thậm chí, bạn có thể sử dụng thìa nhựa hoặc gỗ, cốc nhựa, nắp và hộp.

Một khám phá quan trọng khác của con vào cuối giai đoạn này là các đồ vật vẫn tiếp tục tồn tại khi chúng ở ngoài tầm nhìn của bé - một nguyên tắc gọi là sự trường tồn của đồ vật. Trong vài tháng đầu tiên, trẻ cho rằng thế giới chỉ bao gồm những thứ mà chúng có thể nhìn thấy. Khi bạn rời khỏi phòng trẻ, chúng cho rằng bạn đã biến mất; khi bạn trở lại, bạn là một con người hoàn toàn mới đối với con. Tương tự như vậy, khi bạn giấu một món đồ chơi dưới tấm vải hoặc hộp, trẻ sẽ nghĩ rằng nó đã biến mất vĩnh viễn và sẽ không buồn tìm kiếm nữa. Nhưng sau 4 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu nhận ra rằng thế giới này tồn tại lâu dài hơn chúng nghĩ. Bạn chính là người chào đón trẻ mỗi sáng. Con gấu bông của trẻ trên sàn chính là con gấu bông đã ở trên giường với con vào đêm hôm trước. Khối đồ chơi mà bạn giấu dưới cái lon rốt cuộc không thực sự biến mất. Bằng cách chơi các trò chơi trốn tìm và quan sát sự đến và đi của mọi người và mọi thứ xung quanh, con bạn sẽ tiếp tục tìm hiểu về sự trường tồn của đồ vật trong nhiều tháng tới.

6. Các cột mốc xã hội và cảm xúc

Ở cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi về cảm xúc và xã hội, con bạn sẽ:

  • Thích trò chơi xã hội (trò chơi tương tác, vui chơi với những người khác).
  • Quan tâm đến hình ảnh phản chiếu trong gương.
  • Đáp lại những biểu hiện cảm xúc của người khác và thường xuyên tỏ ra vui vẻ.

Từ 4 - 7 tháng tuổi, em bé có thể thay đổi đáng kể về tính cách. Vào đầu giai đoạn này, trẻ có vẻ tương đối thụ động và chỉ bận tâm đến việc ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, được yêu thương. Nhưng khi bé học cách ngồi dậy, sử dụng tay và di chuyển, bé sẽ ngày càng trở nên quyết đoán và chú ý hơn đến thế giới bên ngoài. Trẻ sẽ háo hức đưa tay ra và chạm vào mọi thứ mình nhìn thấy. Nếu không thể tự mình xoay sở, trẻ sẽ yêu cầu bạn giúp đỡ bằng cách la hét, đập mạnh hoặc đánh rơi đồ vật gần nhất trong tầm tay. Một khi bạn đến với con, trẻ có thể sẽ quên việc mình đang làm và tập trung vào bạn và mỉm cười, cười lớn, bập bẹ và bắt chước bạn trong nhiều phút liên tục. Mặc dù bé sẽ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán ngay cả với món đồ chơi hấp dẫn nhất, nhưng bé sẽ không bao giờ chán sự chú ý của bạn.

Những khía cạnh tinh tế hơn trong tính cách như cáu kỉnh hay dịu dàng, dễ tính hay khó chịu, cứng đầu hay nghe lời gần như là bẩm sinh. Giống như trẻ sơ sinh có những vẻ ngoài khác nhau thì tính khí của chúng cũng khác nhau. Những đặc điểm tính cách độc đáo của trẻ bao gồm mức độ hoạt động, tính kiên trì và khả năng thích ứng với thế giới xung quanh. Chúng ngày càng trở nên rõ ràng trong những tháng này. Vì tính khí của bé ảnh hưởng trực tiếp đến bạn và những người còn lại trong gia đình nên điều quan trọng là phải hiểu bé một cách trọn vẹn nhất có thể.

Một số trẻ ở độ tuổi này dễ tính, điềm tĩnh và dễ đoán, trong khi những trẻ khác thì khó tính hơn nhiều. Những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ và dễ bị kích động cần thêm sự kiên nhẫn và hướng dẫn nhẹ nhàng. Chúng khó thích nghi với việc thay đổi môi trường xung quanh so với những đứa trẻ bình tĩnh hơn. Chúng ngày càng trở nên khó chịu nếu bị buộc phải di chuyển hoặc thể hiện trước khi sẵn sàng. Bạn không nên cố gắng thay đổi tính khí của con mà tìm cách thích ứng với nó, như vậy sẽ giảm bớt căng thẳng khi nuôi dạy trẻ sơ sinh.

Lời nói và sự âu yếm đôi khi có tác dụng kỳ diệu trong việc xoa dịu một em bé cáu kỉnh. Đánh lạc hướng trẻ có thể giúp con tập trung lại năng lượng. Ví dụ, nếu bé la hét vì bạn không lấy lại đồ chơi mà trẻ đánh rơi lần thứ mười, hãy chuyển trẻ xuống sàn để trẻ có thể tự mình lấy đồ chơi.

Đứa trẻ nhút nhát hoặc nhạy cảm cũng cần được quan tâm. Khi trẻ im lặng và không đòi hỏi, bạn rất dễ cho rằng trẻ hài lòng hoặc nếu trẻ không cười hay cười nhiều, bạn có thể mất hứng thú chơi với trẻ; nhưng một em bé như thế này thường cần được tiếp xúc cá nhân nhiều hơn những đứa trẻ khác. Trẻ có thể dễ dàng bị choáng ngợp và cần bạn chỉ cho trẻ cách quyết đoán và tham gia vào các hoạt động xung quanh chúng. Hãy cho trẻ nhiều thời gian để làm quen với mọi tình huống và đảm bảo rằng những người khác tiếp cận con từ từ. Khi trẻ cảm thấy an toàn, dần dần chúng sẽ phản ứng nhanh hơn với những người xung quanh.

Đồng thời, hãy cho bác sĩ nhi khoa biết nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào về cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi về mặt cảm xúc. Bạn phải lưu ý cho bác sĩ về những lo lắng của mình và mô tả biểu hiện hàng ngày của bé. Hãy yên tâm rằng với thời gian và sự kiên nhẫn, một số đặc điểm tính cách của trẻ có thể tiến triển tốt hơn. Trong lúc chờ đợi, hãy xem trẻ như chính trẻ.

7. Theo dõi phát triển sức khỏe

Bởi vì mỗi em bé phát triển theo cách riêng nên không thể biết chính xác các cột mốc phát triển của trẻ 4-7 tháng tuổi diễn ra ở con như thế nào. Đừng lo lắng nếu quá trình phát triển của con bạn diễn ra theo một hướng hơi khác. Tuy nhiên, hãy thông báo cho bác sĩ nhi khoa nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu cho thấy trẻ chậm phát triển nào sau đây:

  • Cơ bắp có vẻ rất căng và cứng.
  • Cơ của bé trông rất nhão, yếu ớt.
  • Đầu vẫn ngửa ra sau khi cơ thể được kéo lên tư thế ngồi.
  • Chỉ tiếp cận mọi thứ bằng một tay (gần như vận động bằng một tay).
  • Từ chối âu yếm.
  • Không thể hiện tình cảm với người quan tâm đến mình.
  • Có vẻ không thích ở gần mọi người.
  • Một hoặc cả hai mắt luôn hướng vào hoặc ra ngoài.
  • Chảy nước mắt dai dẳng hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
  • Không phản ứng với âm thanh xung quanh.
  • Gặp khó khăn khi đưa đồ vật vào miệng.
  • Không quay đầu lại để xác định vị trí âm thanh khi được 4 tháng.
  • Không lật được và không lật trở lại được sau 5 tháng.
  • Có vẻ khó chịu vào ban đêm sau 5 tháng.
  • Không cười một cách tự nhiên khi được 5 tháng.
  • Không thể ngồi với sự giúp đỡ khi 6 tháng.
  • Không cười hoặc trẻ phát ra âm thanh ré lên sau 6 tháng.
  • Không chủ động với lấy đồ vật sau 6-7 tháng.
  • Không theo dõi các vật thể bằng cả hai mắt ở khoảng cách gần (30 cm) và xa (180 cm) sau 7 tháng.
  • Chân không thể chịu được trọng lượng khi được 7 tháng.
  • Không cố gắng thu hút sự chú ý bằng hành động khi được 7 tháng.
  • Không bập bẹ khi được 8 tháng.
  • Không tỏ ra hứng thú với trò chơi ú oà sau 8 tháng.

Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam

Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam, nơi chăm sóc sức khỏe trẻ em đáng tin cậy ngay tại trung tâm quận 7.  

Với đội ngũ chuyên môn Nhi khoa nhiều năm kinh nghiệm bao quát tất cả các lĩnh vực nhi khoa, Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam là lựa chọn chăm sóc sức khỏe cho bé thuận tiện và đáng tin cậy:

  • Vị trí ngay trung tâm Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7
  • Bệnh viện chuyên về Sản – Nhi – IVF có hệ thống phòng khám Nhi đa dạng và chuyên sâu cho trẻ từ sơ sinh đến 16 tuổi
  • Dịch vụ khám ngoài giờ thuận tiện cho Quý phụ huynh
  • Giờ hoạt động Phòng khám Nhi: T2 - T7, 7:30 – 19:30 và Tiêm chủng: T2 - T7, 7:30 – 16:30
  • Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn hiện đại hàng đầu đảm bảo sự an toàn của khách hàng, đặc biệt là trẻ nhỏ

Tại Bệnh viện Phương Nam, tại Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam, trẻ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện theo từng mốc độ tuổi quan trọng suốt thời gian trưởng thành:

  • 5 mốc độ tuổi quan trọng của trẻ cần được theo giám sát: Sơ sinh - Nhũ nhi (1 tuần tuổi - 12 tháng), Mầm non (12 tháng – 3 tuổi), Trẻ mẫu giáo (3 – 6 tuổi), Tuổi đi học (6 - 12 tuổi), và Tuổi vị thành niên (12 - 16 tuổi)
  • Chương trình Nhi Khoa Phát Triển tiên phong tại Việt Nam
  • Chương trình tầm soát, điều trị tiêu hoá cho trẻ em và nội soi tiêu hoá nhi
  • Tầm soát, điều trị các vấn để về nội tiết và dậy thì sớm
  • Chương trình tiêm chủng theo độ tuổi có bác sĩ Nhi tư vấn
  • Chương trình tái khám và theo dõi dành riêng cho trẻ sinh non và trẻ sơ sinh nguy cơ cao
  • Tầm soát và điều trị các vấn đề về dinh dưỡng trẻ em

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn