1.1. Nguyên nhân mẹ bầu dễ bị tiểu đường thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai, nhau thai (cơ quan nuôi và cung cấp oxy cho em bé) sẽ tiết ra các hormone giúp thai nhi phát triển. Một vài hormone trong số này khiến cơ thể mẹ bầu khó sản xuất hoặc sử dụng insulin hơn (còn gọi là đề kháng insulin).
Để giữ lượng đường trong máu ổn định, tuyến tụy của thai phụ phải tạo ra nhiều insulin hơn – gấp ba lần bình thường. Trong trường hợp tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu thai phụ sẽ tăng lên, gây ra tiểu đường thai kỳ.
1.2. Biểu hiện của bệnh đái tháo đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ thường không gây ra triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, nếu có, các triệu chứng bao gồm:
Tiểu nhiều lần trong ngày
Mệt mỏi kéo dài
Mờ mắt
Khát nước liên tục
Tăng cân quá nhanh
Vết thương, vết bầm tím lâu lành
Vùng kín bị viêm nhiễm
1.3. Đối tượng cần kiểm tra chỉ số tiểu đường thai kỳ
Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ cao hơn nếu mẹ bầu:
Mang thai khi đã ngoài tuổi 30
Gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Sản phụ có tiền sử bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
Sản phụ bị béo phì trước hoặc trong khi mang
Bé trước khi sinh nặng hơn 4,1 kg.
2. Biến chứng tiểu đường thai kỳ
Nếu không được điều trị đúng cách, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra các biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.
Đối với thai nhi |
Đối với mẹ |
- Các dị tật bẩm sinh về tim, thần kinh
- Thai to, gây khó sinh
- Hạ đường huyết, hạ calci máu sau sinh
- Hội chứng suy hô hấp
- Nguy cơ béo phì và đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai
- Tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh
|
- Tăng cân quá mức
- Tiền sản giật hoặc tăng huyết áp
- Nguy cơ cao phải mổ lấy thai
- Nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 và các bệnh lý tim mạch sau sinh
- Dễ bị viêm âm đạo do nấm tái phát
|
Tuy nhiên nếu được tầm soát và phát hiện sớm bác sĩ có thể giúp mẹ bầu có một chiến lược theo dõi và chăm sóc đúng cách, ngăn ngừa các biến chứng xảy ra trên cả mẹ và con.
3. Điều trị tiểu đường thai kỳ
Tập thể dục nhiều hơn
Nếu sức khỏe của mẹ bầu và bé đều ổn, mẹ bầu có thể tập thể dục với những bộ môn phù hợp như đi bộ, yoga bầu,.... Điều này sẽ giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn. Hãy cố gắng thực hiện các bài tập ở mức độ nhẹ đến trung bình trong 15 – 30 phút mỗi ngày hoặc đi bộ nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày.
Kiểm tra lượng đường trong máu
Nếu có thể, mẹ bầu có thể chuẩn bị một máy đo đường huyết tại nhà để tự theo dõi chỉ số tiểu đường. Mẹ bầu sẽ được hướng dẫn cách tự kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên vào buổi sáng trước ăn và sau bữa ăn 1 – 2 giờ. Việc làm này nhằm đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị.
Dùng thuốc
Trong trường hợp nếu mẹ bầu đã ăn uống, tập thể dục hợp lí nhưng vẫn không thể kiểm soát được mức đường huyết như yêu cầu, mẹ bầu phải quay trở lại gặp bác sĩ chuyên gia ngay. Có thể mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định tiêm insulin hỗ trợ với liều lượng hợp lí với cơ thể mẹ bầu.
Xây dựng chế độ ăn hợp lý
Mẹ bầu nên ăn thịt nạc, cá, đậu hũ, yaourt không đường, gạo lứt, và rau xanh.
Tránh các thực phẩm làm tăng đường huyết nhanh như bún, phở, nước ngọt, bánh kẹo.
Hiện nay, bệnh viện Phương Nam đã có gói khám thai toàn diện cho mẹ bầu từ những tháng đầu đến khi sinh. Gói khám bao gồm các hạng mục khám, bộ chẩn đoán hình ảnh và bộ xét nghiệm đầy đủ, giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé một cách toàn diện.
Với đội ngũ bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, mẹ bầu sẽ được tư vấn và chăm sóc kỹ lưỡng, giúp ngăn ngừa hoặc điều trị tiểu đường thai kỳ hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
ACOG Practice Bulletin No. 190: Gestational Diabetes Mellitus. Obstet Gynecol https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29370047/
Bộ y tế. Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ. 2018