Tiền sản giật: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

27/08/2024
Nội dung chính xem nhanh

Tiền sản giật là một biến chứng sản khoa thường gặp với khoảng 5% thai phụ mắc phải. Tình trạng này đặc trưng bởi tăng huyết áp và dấu hiệu tổn thương hệ thống các cơ quan khác. Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ ở những người huyết áp trước đó hoàn toàn bình thường. Đây được xem là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho khoảng 17% bà mẹ. Cùng tìm hiểu cụ thể hơn nhé!

1. Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật (tiếng Anh là Preeclampsia) là một biến chứng thai kỳ, đặc trưng bởi huyết áp cao và dễ gây tổn thương đến các cơ quan khác, thường là gan và thận. Hiện tượng này có thể xảy ra sớm sau tuần thai thứ 20, nhưng rất hiếm khi gặp trường hợp này.

Đa phần các triệu chứng chỉ xuất hiện sau tuần thai thứ 34 (khoảng 3 tháng cuối thai kỳ). Ở một vài thai phụ, triệu chứng lại xuất hiện sau khi lâm bồn, thường là trong vòng 48 giờ sau sinh. May mắn là, những triệu chứng này có xu hướng tự mất đi trong vòng vài tuần sau đó.

Tiền sản giật là căn nguyên dẫn đến sản giật – một tai biến sản khoa nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé. Thậm chí, đây còn là nguyên nhân gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

2. Dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai thường gặp

Đôi khi, tiền sản giật tiến triển mà không có triệu chứng rõ ràng. Tăng huyết áp có thể tiến triển một cách từ từ, hoặc đột ngột. Theo dõi huyết áp thai kỳ là một phần vô cùng quan trọng khi thăm khám sức khỏe thai kỳ, vì dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật thường là tăng huyết áp.

Huyết áp được gọi là tăng khi huyết áp tâm thu trên 140 mmHg hoặc/và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg. Chỉ số huyết áp này được ghi nhận giống nhau ở hai thời điểm cách nhau tối thiểu 4 giờ.
Các dấu hiệu khác của tiền sản giật bao gồm:

  • Xuất hiện protein niệu hoặc các dấu hiệu khác của bệnh thận.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Thay đổi thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
  • Đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Giảm lượng nước tiểu.
  • Giảm tiểu cầu.
  • Tổn thương chức năng gan.
  • Khó thở (do dịch trong phổi).
  • Tăng cân và phù (đặc biệt ở mặt, tay) có thể xảy ra ở người bị tiền sản giật nhưng cũng có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai bình thường. Do đó, đây không phải là dấu hiệu đặc hiệu để nhận biết tiền sản giật.

3. Nguyên nhân gây tiền sản giật

Nguyên chân chính xác gây nên tiền sản giật chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên, tình trạng này thường liên quan đến một số yếu tố. 
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể xuất phát bắt đầu từ bánh nhau, phần để nuôi dưỡng thai nhi. Trong giai đoạn sớm của thai kỳ mạch máu mới phát triển và cung cấp hiệu quả đến bánh nhau.
Ở phụ nữ tiền sản giật những mạch máu này không phát triển một cách phù hợp cả về giải phẫu và chức năng. Chúng hẹp hơn và phản ứng với các hormon khác so với những mạch máu thông thường làm giảm lượng máu có thể đi qua chúng.

Những nguyên nhân dẫn tới sự bất thường này bao gồm:

  • Tưới máu cho tử cung không thỏa đáng
  • Tổn thương các mạch máu.
  • Bất thường hệ miễn dịch.
  • Do genes.

4. Các yếu tố nguy cơ tiền sản giật

  • Nếu có một trong các yếu tố sau, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh:

Tiền sử đau nửa đầu, đái tháo đường, bệnh thận, có xu hướng phát triển cục máu đông hoặc lupus ban đỏ…

5. Các phương pháp chẩn đoán tiền sản giật khi mang thai

Tại Bệnh viện Phương Nam, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm sau nhằm xác định bạn có bị tiền sản giật hay không:

  • Đo huyết áp: Với phụ nữ chưa từng bị cao huyết áp thì nếu kết quả 140/90 mmHg trở lên được xác định là huyết áp cao. Vì huyết áp thay đổi trong ngày nên bạn sẽ được đo nhiều lần vào các thời điểm khác nhau để cho ra kết quả chính xác. Đo huyết áp thường xuyên giúp xác định bạn có nguy cơ mắc bệnh hay không.
  • Protein trong nước tiểu: Bạn sẽ làm xét nghiệm kiểm tra tỷ lệ protein-creatinine (creatinine là chất thải do thận lọc ra) trong nước tiểu.
  • Xét nghiệm máu: Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu thường xuyên, bao gồm cả tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC) và xét nghiệm chức năng gan, thận. Việc làm này cũng giúp sàng lọc hội chứng HELLP.
  • Các xét nghiệm đánh giá sức khỏe của em bé: Bạn sẽ được siêu âm để kiểm tra sự phát triển của em bé, xem bé có đang tăng trưởng tốt hay không.

Sau khi trải qua hàng loạt xét nghiệm, nếu được chẩn đoán bị tiền sản giật, bạn và em bé sẽ được theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ để hạn chế tối đa biến chứng.

Theo dõi, tầm soát tiền sản giật sớm để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé

6. Biến chứng tiền sản giật nguy hiểm cho mẹ và thai nhi

Các biến chứng thường gặp là:

6.1. Thai nhi tăng trưởng chậm

Bệnh ảnh hưởng đến các động mạch mang máu đến nhau thai. Khi nhau thai không nhận đủ lượng máu cần thiết, thai nhi sẽ không được cung cấp đủ máu, oxy và chất dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân khiến em bé chậm tăng trưởng, trở nên nhẹ cân và suy dinh dưỡng lúc chào đời.

6.2. Sinh non

Nếu bệnh ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn sinh sớm để tránh nguy hiểm cho hai mẹ con. Tuy nhiên, sinh non sẽ khiến em bé gặp phải các vấn đề sức khỏe như suy giảm hệ miễn dịch, suy hô hấp, các cơ quan khác bị tổn thương.
Do đó, thai phụ bị hội chứng này trong khi mang bầu này cần được thăm khám thường xuyên để bác sĩ xác định thời điểm nào là tốt nhất cho “chuyến vượt cạn” quan trọng. 

6.3. Nhau bong non

Tiền sản giật làm tăng nguy cơ vỡ nhau thai – tình trạng nhau thai tách ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Nhau thai bị vỡ có thể gây chảy máu nặng, đe dọa tính mạng cả mẹ và em bé.

6.4. Hội chứng HELLP

HELLP là hiện tượng tan máu (phá hủy các tế bào hồng cầu), men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp. Đây là biến chứng tiền sản giật nặng, xuất hiện ở 4 – 12% mẹ bầu, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Các triệu chứng của hội chứng HELLP bao gồm buồn nôn và nôn, đau đầu, đau bụng trên bên phải. Hội chứng HELLP đặc biệt nguy hiểm vì gây tổn thương nghiêm trọng một số hệ thống cơ quan khác.

6.5. Sản giật

Khi không được kiểm soát, biến chứng sản giật (tiền sản giật cộng với co giật) có khả năng xảy ra. Sản giật được xem là một trong những tai biến sản khoa gây tử vong hàng đầu cho mẹ và bé. Vì thế, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu sản giật (động kinh, đau bụng, bất tỉnh), bác sĩ cần can thiệp ngay bất kể đang ở tuần thứ bao nhiêu của thai kỳ.

6.6. Tổn thương các cơ quan khác

Bệnh tiền sản giật khi mang bầu có thể gây tổn thương thận, gan, phổi, tim, mắt. Bên cạnh đó, nó còn dễ gây đột quỵ hoặc chấn thương não. Mức độ gây tổn thương cho các cơ quan phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

6.7. Bệnh tim mạch

Căn bệnh này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu cho sản phụ trong tương lai. Nguy cơ thậm chí còn lớn hơn nếu bạn bị vấn đề này nhiều lần hoặc sinh non.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim trong tương lai, sau khi sinh, bạn hãy cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, ăn nhiều trái cây và rau quả, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc lá.

7. Cách điều trị tiền sản giật ở bà bầu hiệu quả

7.1. Xảy ra trong thai kỳ

Cách chữa trị dứt điểm là để sản phụ sinh nở càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về thời điểm sinh con dựa trên tuần thai, tình trạng phát triển của thai nhi cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh.

  • Nếu em bé phát triển tốt, đủ 37 tuần hoặc hơn, bác sĩ sẽ chỉ định sinh ngay để tình trạng tiền sản giật không diễn biến tồi tệ hơn nữa.
  • Nếu em bé dưới 37 tuần tuổi và bệnh diễn biến chưa quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ cho đến khi thai nhi phát triển đủ để cuộc sinh nở diễn ra an toàn. 

Nếu bạn bị tiền sản giật nhẹ, không có nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách:

  • Khuyên nghỉ ngơi tại giường, nên nằm nghiêng về bên trái.
  • Theo dõi cẩn thận bằng máy đo tim thai và siêu âm thường xuyên.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu.
  • Cho uống thuốc hạ huyết áp.
  • Cho nghỉ ngơi mọi lúc để giảm nhẹ các triệu chứng.
  • Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn ở lại bệnh viện để được theo dõi chặt chẽ hơn.

Ở đó, bác sĩ sẽ:

  • Cho bạn uống thuốc giúp ngăn ngừa co giật, hạ huyết áp và phòng tránh các vấn đề sức khỏe khác.
  • Tiêm steroid để giúp phổi của bé phát triển nhanh hơn.
  • Tiêm magie để ngăn ngừa co giật liên quan đến sản giật.

7.2. Xảy ra trong lúc chuyển dạ và sau sinh

Với trường hợp tiền sản giật, sản giật và hội chứng HELLP xảy ra trong lúc chuyển dạ hoặc sau khi sinh, dấu hiệu sẽ xuất hiện trong vòng 48 giờ và muộn nhất là 6 tuần sau sinh.

Lúc này, sản phụ sẽ được kiểm tra huyết áp và theo dõi sát sao sau khi xuất viện. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng tiền sản giật hoặc HELLP nào, chẳng hạn như đau đầu dữ dội, đau bụng dữ dội hoặc thay đổi thị lực, hãy quay trở lại bệnh viện để được thăm khám ngay.

8. Cách phòng ngừa tiền sản giật trước và sau khi sinh

Nếu có nguy cơ cao bị tiền sản giật, việc bạn cần làm trước khi mang thai là thay đổi lối sống để phòng ngừa và hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Bạn nên:

  • Giảm cân nếu có chỉ số BMI ở mức thừa cân – béo phì (≥ 25).
  • Tránh xa thuốc lá.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Kiểm soát huyết áp hoặc lượng đường trong máu.

Dùng aspirin liều thấp (81mg) trước 16 tuần tuổi thai nếu bạn có một trong các yếu tố sau: tiền sử tiền sản giật khi có bầu, đa thai, tăng huyết áp mạn tính, bệnh thận, đái tháo đường hoặc bệnh tự miễn.
Bổ sung canxi: Nhiều nghiên cứu cho thấy thai phụ được bổ sung đủ canxi trước và trong khi mang thai sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh. Do vậy, bạn cần bổ sung đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể (1.200 – 1.500mg/ngày) thông qua chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung. 

Lưu ý, thai phụ chỉ nên dùng thuốc, vitamin hoặc thực phẩm bổ sung theo tư vấn của bác sĩ.

9. Khi nào nên đi gặp bác sĩ ngay?

Hãy luôn đi khám thai theo định kỳ để được các bác sĩ theo dõi tình trạng huyết áp của mẹ. Gọi ngay Tổng đài 1900 54 54 66 hoặc đi tới bệnh viện Phương Nam ngay, nếu như bạn có các triệu chứng sau: Đau nặng đầu nhiều, tầm nhìn suy giảm, bụng đau quặn hay thở dốc.

Vì đau đầu, nôn mửa và đau nhức người là các dấu hiệu phổ biến khi mang thai, nên khá khó để phân biệt các biểu hiện mới đó là một phần trong quá trình mang thai hay đó là dấu hiệu nghiêm trọng của một tình trạng sức khỏe nào đó, đặc biệt nếu đó là lần mang bầu đầu tiên của bạn. Nói chung, khi có các triệu chứng bất thường, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt.

Khám thai và theo dõi định kỳ với bác sĩ Sản khoa

Sản khoa tiêu chuẩn quốc tế hướng đến JCI tại Bệnh viện Phương Nam 

Bệnh viện Phương Nam tự hào mang đến dịch vụ sản khoa đẳng cấp, kết hợp hoàn hảo giữa tiêu chuẩn quốc tế hướng đến JCI, RTAC và tinh hoa chăm sóc sức khỏe đúc kết qua 13 năm kinh nghiệm của Tập đoàn Y tế Phương Châu. Với triết lý “Phụng sự từ tâm", chúng tôi cam kết mang đến trải nghiệm vượt trội, đảm bảo an toàn và sự hài lòng tuyệt đối cho mẹ và bé trong suốt hành trình thiêng liêng.

Những thế mạnh nổi bật của Sản khoa Bệnh viện Phương Nam: 

  • Hệ sinh thái kết hợp sản nhi và đa khoa toàn diện, để mỗi cuộc sanh của khách hàng luôn có đầy đủ ekip bác sĩ sản, nhi đồng hành chăm sóc giúp mẹ vượt cạn nhẹ nhàng, bé chào đời khỏe mạnh. 
  • Hệ thống phòng thông minh, được thiết kế đặc biệt “khép kín trong một vòng tròn” kết hợp phòng sinh, phòng mổ và phòng hồi sức sơ sinh, giúp tối ưu “thời gian vàng” trong mọi cuộc vượt cạn. 
  • Văn hóa “phụng sự từ tâm” với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh chuyên môn cao, thân thiện và tận tâm, không chỉ đảm bảo an toàn tuyệt đối mà còn mang đến trải nghiệm làm mẹ trọn vẹn. 
  • Dịch vụ trải nghiệm xuất sắc cho cả gia đình, giúp hành trình sanh của mẹ thêm trọn vẹn với dịch vụ spa và trị liệu cho mẹ sau sinh; khám dinh dưỡng, chủng ngừa và tư vấn nhi khoa phát triển cho bé sau khi xuất viện; khám da liễu, chăm sóc và phục hồi vóc dáng, tư vấn tâm lý và hỗ trợ các vấn đề trầm cảm sau sinh cho mẹ,... 

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.

 

 

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn