Bất kỳ người mẹ nào cũng muốn con mình có được nguồn dinh dưỡng tốt nhất trên đời và không gì có thể sánh bằng nguồn sữa mẹ. Hiện nay, do nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng cao, vấn đề thẩm mỹ vòng 1 ngày càng trở nên phổ biến. Điều này đặt ra câu hỏi lớn là: “Có nên cho con bú sau phẫu thuật nâng ngực không hay nâng ngực có cho con bú được không?”, cũng như chất lượng sữa mẹ có bị ảnh hưởng khi can thiệp thay đổi kích thước và hình dạng của vùng ngực không? Bài viết dưới đây là lời giải đáp cho những thắc mắc trên!
Sữa mẹ được tạo ra từ đâu?
Bên trong vú có rất nhiều túi tạo sữa (phế nang) được sắp xếp thành cụm (tiểu thuỳ/thùy) và nối với núm vú bằng một mạng lưới các ống nhỏ (ống dẫn sữa) để qua đó sữa di chuyển. Các phế nang và ống dẫn sữa nằm xen kẽ và liên kết với mô mỡ, mạch máu, thần kinh, bạch huyết. Có khoảng 2/3 mô tạo sữa (còn được gọi là mô tuyến) nằm trong phạm vi 30 mm tính từ đáy núm vú. Bất kỳ tổn thương nào đối với mô tạo sữa đều có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa trong tương lai.
Hình ảnh cấu tạo của tuyến vú
Trong thời kỳ mang thai, bên trong bầu vú của mẹ có sự tăng trưởng đáng kể các ống dẫn, các thuỳ và các nang, do những ảnh hưởng của các hormone tiết ra từ hoàng thể và nhau thai như estrogen, progesteron, prolactin.
- Trong vòng 3 – 4 tuần đầu thai nghén, estrogen đóng vai trò làm tăng kích thước và số lượng ống dẫn sữa.
- Ở giai đoạn 3 tháng giữa, dưới tác dụng của progesteron, sự hình thành các thùy và các nang chứa sữa non đã vượt trội hơn sự phát triển của các ống dẫn.
- Từ nửa sau thai kỳ, vú tăng kích thước do không chỉ tăng sinh biểu mô tuyến vú mà còn do giãn các nang chứa sữa non, cũng như phì đại các tế bào cơ biểu mô, mô liên kết và tổ chức mỡ.
- Trong vòng 4 – 5 ngày sau sinh, vú nở to do có sự tích lũy các chất tiết trong nang và ống dẫn sữa. Sữa non được tiết ra đầu tiên là dạng dịch trong, mịn, dính và có màu vàng, giàu dinh dưỡng và kháng thể cần thiết. Sữa non được xem là loại sữa quan trọng trong những cữ bú đầu tiên của bé, đặc biệt trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi bé cất tiếng khóc chào đời.
Làm thế nào sữa được giải phóng đến núm vú?
Sau khi tiết sữa non, bầu vú của mẹ sẽ sản xuất nhiều sữa hơn do nhu cầu bú của bé. Lúc này, sữa đổi sang màu trắng và loãng hơn, gọi là sữa trưởng thành. Khi bé bú (hoặc khi vắt sữa bằng tay hoặc máy), điều này sẽ kích hoạt phản xạ tiết sữa (phản xạ xuống sữa).
Một dây thần kinh ở quầng vú và núm vú (được gọi là dây thần kinh liên sườn thứ tư) được kích hoạt khi trẻ bú hoặc tay/bơm. Dây thần kinh mang tín hiệu truyền đến tuyến yên trong não bộ để giải phóng hormone oxytocin và prolactin.
Oxytocin giải phóng sữa mẹ từ các tế bào tạo sữa vào các ống dẫn sữa và sau đó sữa sẽ chảy về phía núm vú. Prolactin hướng dẫn vú tạo ra nhiều sữa hơn. Bất kỳ tổn thương nào đối với dây thần kinh kích thích tuyến yên đều có thể ảnh hưởng đến việc tiết sữa và sản xuất sữa. Vậy, nâng ngực có nên cho con bú không?
Phẫu thuật vùng ngực có ảnh hưởng như thế nào đến việc cho con bú?
Phẫu thuật nâng ngực là một phương pháp phổ biến nhất mà các chị em phụ nữ lựa chọn để nâng cấp vòng 1. Phẫu thuật này được thực hiện bằng cách đặt túi ngực (thường làm bằng một chất tổng hợp gọi là silicon) vào khoang giữa lớp cơ và thành ngực.
Nâng ngực có cho con bú được không và việc cho con bú có bị ảnh hưởng tiêu cực sau bất kỳ loại phẫu thuật ngực nào hay không sẽ phụ thuộc vào :
- Lượng mô tạo sữa (phế nang và ống dẫn sữa) đã bị hư hỏng hoặc bị loại bỏ trong quá trình phẫu thuật có thể dẫn đến việc không thể cung cấp đủ sữa.
- Dây thần kinh của núm vú hoặc vú bị tổn thương hoặc bị cắt đứt, làm ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa.
- Mức độ đau và nhạy cảm: Một số mẹ cảm thấy ngực rất đau và nhạy cảm hơn nhiều sau phẫu thuật nâng ngực, điều này có thể gây khó khăn khi cho con bú. Ngược lại, một số bà mẹ có thể mất cảm giác ở đầu vú do các dây thần kinh bị tổn thương, ảnh hưởng đến phản xạ xuống sữa và khả năng ngậm bắt vú của trẻ.
- Sẹo co cứng: Mô sẹo có thể gây đau và cứng ở vú. Sẹo dày có thể kéo dài vào ống dẫn sữa và ảnh hưởng đến nguồn sữa, hoặc khi các ống dẫn sữa bị tắc có thể dẫn đến tình trạng viêm vú.
- Thời gian kể từ khi phẫu thuật. Các dây thần kinh và ống dẫn sữa bị hư hỏng có thể kết nối lại theo thời gian. Theo thời gian, mỗi trải nghiệm cho con bú kể từ sau khi phẫu thuật sẽ tạo cơ hội để các mô tuyến được chữa lành và phát triển nhiều hơn.
Nâng ngực cho con bú được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Người mẹ sau phẫu thuật nâng ngực có cho con bú được không?
Phẫu thuật nâng ngực thường không gây đè nén mô tuyến hay chèn ép các dây thần kinh, do đó không ảnh hưởng đến quá trình hình thành sữa mẹ. Bên cạnh đó, túi silicon được xem là chất trơ và khó có thể được hấp thụ bởi đường tiêu hóa của trẻ, vì vậy, chúng không bị chống chỉ định khi cho con bú. Hầu hết phụ nữ đặt túi ngực đều có thể cho con bú. Các vết rạch được tạo ra dưới vú, qua nách hoặc rốn ít có khả năng cản trở việc cho con bú.
Cho đến nay, chưa có bất kỳ báo cáo lâm sàng nào về các vấn đề bất thường ở mẹ hay trẻ sơ sinh bởi các bà mẹ cho con bú khi đã phẫu thuật nâng ngực. Một nghiên cứu năm 2007 đo nồng độ silicon trong sữa mẹ và không tìm thấy sự khác biệt giữa bà mẹ nâng ngực và không nâng ngực. Bên cạnh đó, chưa có bằng chứng về việc tăng nguy cơ phát triển các dị tật bẩm sinh ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ nâng ngực.
Tuy nhiên, việc nâng ngực gây ra một số rủi ro như sau:
- Khả năng cần phẫu thuật bổ sung để chỉnh sửa hoặc cắt bỏ.
- Thay đổi cảm giác ở vú và núm vú.
- Đau vú.
- Vỡ túi ngực.
Trường hợp mẹ phẫu thuật thẩm mỹ làm giảm kích cỡ ngực thì cần lưu ý nhiều hơn, vì loại phẫu thuật này liên quan đến sự phá vỡ của mô vú thông thường và di chuyển toàn bộ núm vú hoặc quầng vú, thậm chí cắt bỏ ống dẫn sữa.
Những vấn đề có thể gặp phải khi cho con bú sau phẫu thuật nâng ngực
Một số bà mẹ sau nâng ngực có thể cho con bú và tạo ra lượng sữa đủ mà không gặp bất kỳ khó khăn nào, trong khi, những bà mẹ khác thì không thành công vì một số nguyên nhân sau đây:
- Biến chứng phẫu thuật: Bất kỳ biến chứng nào sau phẫu thuật như nhiễm trùng, hoại tử (mô chết do mất nguồn cung cấp máu) hoặc tụ máu đều có thể gây khó khăn hơn khi cho con bú. Ngoài ra, tuyến sữa, ống dẫn sữa và dây thần kinh ở ngực mẹ khi bị tổn thương có thể ảnh hưởng đến phản xạ tiết sữa và làm giảm lượng sữa mẹ.
- Kích thước túi ngực lớn: Bất cứ khi nào ngực quá căng hoặc căng sữa, quá trình sản xuất sữa sẽ chậm lại. Túi ngực có khả năng gây áp lực lên mô vú và bắt chước tình trạng căng tức, làm chậm hoặc hạn chế quá trình sản xuất sữa.
- Thay đổi độ nhạy cảm của núm vú: Việc nâng ngực có thể sẽ khiến núm vú của mẹ ít nhạy cảm hoặc nhạy cảm hơn bình thường, khiến phản xạ xuống sữa không hiệu quả. Mẹ cũng có thể dễ gặp phải tình trạng căng tức sữa hoặc thậm chí viêm vú khi sữa về.
Cách cho con bú sau phẫu thuật nâng ngực
Trước những khó khăn có thể hạn chế nguồn sữa của người mẹ sau phẫu thuật nâng ngực, điều quan trọng là phải tối đa hóa lượng sữa sẵn có của người mẹ. Một số biện pháp hữu ích bao gồm:
- Cho con bú sớm nhất có thể sau sinh: Khi bé ngậm bắt vú mẹ sẽ kích thích phản xạ xuống sữa ở từ não bộ truyền về bầu ngực của mẹ, làm tăng tiết sữa.
- Massage ngực nhẹ nhàng: Thời gian đầu sau sinh, tình trạng chưa tiết sữa là phổ biến, dù mẹ đã hay chưa nâng ngực. Mẹ cần chăm chỉ massage ngực. Việc này không chỉ giúp trẻ có sữa bú mà còn giảm cảm giác căng tức vùng ngực. Bạn cũng nên tập thói quen massage ngực nhẹ nhàng sau khi có hiện tượng tiết sữa để duy trì lượng sữa ổn định.
- Cho trẻ bú đều hai bên ngực: Nhiều bà mẹ nghĩ rằng chỉ nên cho con bú tập trung một bên vú tiết nhiều sữa, thế nhưng, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến hình dạng bầu ngực. Do đó, bạn vẫn nên cho bé bú đều hai bên ngực dù cho một bên vú còn lại có thể tiết sữa ít.
- Mặc áo ngực định hình trong giai đoạn cho con bú: Bạn có thể cố định ngực bằng một áo lót chất liệu mỏng, mát, không có gọng. Điều này giúp bảo vệ ngực tránh tình trạng chảy xệ.
- Bổ sung sữa công thức: Nếu bạn quá ít sữa và cảm thấy không thể đáp ứng được nhu cầu của bé, bạn có thể tham vấn bác sĩ về việc vừa cho con bú sữa mẹ, vừa bổ sung sữa công thức.
Những vấn đề cần lưu ý khi cho con bú sau phẫu thuật nâng ngực
Nếu mẹ đã từng trải qua phẫu thuật nâng ngực và muốn nuôi con bằng sữa mẹ, hãy lưu ý những trường hợp sau:
- Sữa không về trong vòng 5 ngày đầu sau sinh.
- Mẹ sờ thấy có khối u hoặc cục cứng dưới ngực.
- Mẹ bị đau ngực khi cho bé bú.
- Bé bú ít hơn 8 lần/ngày.
- Bé tiểu ít hơn 6 tã/ngày từ ngày thứ 4 trở đi.
- Bé tiêu ít hơn 3 lần/ngày.
Nếu gặp phải những tình trạng vừa đề cập, hãy thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt.
Sản xuất sữa là một quá trình phức tạp phụ thuộc vào nhiều yếu tố sinh lý và tâm lý như giải phẫu vú, tình trạng sức khỏe hiện có, các chất dinh dưỡng thiết yếu, trạng thái cảm xúc và khả năng ngậm bắt vú của trẻ. Thực tế, nếu quá trình nâng ngực không làm ảnh hưởng đến mô tuyến vú, ống dẫn sữa hay thần kinh tại vùng ngực thì mẹ có thể yên tâm khi cho con bú, bảo toàn thiên chức làm mẹ, dành cho con nguồn sữa mẹ dinh dưỡng tối ưu.
Sản khoa tiêu chuẩn quốc tế hướng đến JCI tại Bệnh viện Phương Nam
Bệnh viện Phương Nam tự hào mang đến dịch vụ sản khoa đẳng cấp, kết hợp hoàn hảo giữa tiêu chuẩn quốc tế hướng đến JCI, RTAC và tinh hoa chăm sóc sức khỏe đúc kết qua 13 năm kinh nghiệm của Tập đoàn Y tế Phương Châu. Với triết lý “Phụng sự từ tâm", chúng tôi cam kết mang đến trải nghiệm vượt trội, đảm bảo an toàn và sự hài lòng tuyệt đối cho mẹ và bé trong suốt hành trình thiêng liêng.
Những thế mạnh nổi bật của Sản khoa Bệnh viện Phương Nam:
- Hệ sinh thái kết hợp sản nhi và đa khoa toàn diện, để mỗi cuộc sanh của khách hàng luôn có đầy đủ ekip bác sĩ sản, nhi đồng hành chăm sóc giúp mẹ vượt cạn nhẹ nhàng, bé chào đời khỏe mạnh.
- Hệ thống phòng thông minh, được thiết kế đặc biệt “khép kín trong một vòng tròn” kết hợp phòng sinh, phòng mổ và phòng hồi sức sơ sinh, giúp tối ưu “thời gian vàng” trong mọi cuộc vượt cạn.
- Văn hóa “phụng sự từ tâm” với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh chuyên môn cao, thân thiện và tận tâm, không chỉ đảm bảo an toàn tuyệt đối mà còn mang đến trải nghiệm làm mẹ trọn vẹn.
- Dịch vụ trải nghiệm xuất sắc cho cả gia đình, giúp hành trình sanh của mẹ thêm trọn vẹn với dịch vụ spa và trị liệu cho mẹ sau sinh; khám dinh dưỡng, chủng ngừa và tư vấn nhi khoa phát triển cho bé sau khi xuất viện; khám da liễu, chăm sóc và phục hồi vóc dáng, tư vấn tâm lý và hỗ trợ các vấn đề trầm cảm sau sinh cho mẹ,...
Hy vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về tình trạng dọa sảy thai để các mẹ bầu sẽ bớt lo lắng. Trong suốt quá trình mang thai, hãy đến Sản Khoa Bệnh viện Phương Nam thăm khám định kỳ, để theo sức khỏe thai kỳ và phát hiện sớm những bất thường mẹ nhé!
----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.