Lịch khám thai định kỳ cùng mẹ dõi theo sự phát triển của bé yêu

02/07/2025
Nội dung chính xem nhanh

Hành trình để một em bé khoẻ mạnh đến với thế giới này phải đi qua rất nhiều sự thay đổi của người mẹ và thai nhi. Để đảm bảo mẹ luôn nắm bắt được tốc độ phát triển của con, sớm phát hiện những vấn đề tiềm ẩn và trang bị đầy đủ kiến thức về chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ cũng như hành trình vượt cạn sắp tới thì đến gặp bác sĩ theo lịch khám thai định kỳ là điều bắt buộc.

Bất kỳ mẹ bầu nào cũng cần biết những mốc khám thai quan trọng, từ thời điểm khám, mục đích khám, các xét nghiệm bác sĩ sẽ làm và ý nghĩa của chúng. Nếu mẹ chưa rõ, hãy dành chút thời gian để đọc các thông tin dưới đây.

1. Khám thai định kỳ giúp mẹ bầu tránh được những rủi ro

Bộ Y tế khuyến cáo, mỗi tam cá nguyệt, mẹ bầu bình thường nên có ít nhất 3 lần khám thai. Riêng thai kỳ có rủi ro cao như mẹ bị tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sản giật,... thì cần thăm khám thường xuyên hơn, theo chỉ định của bác sĩ Sản khoa. 

Lợi ích của việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ bao gồm:

  • Phát hiện các vấn đề sức khỏe của mẹ và con sớm nhất có thể: Đây là cơ sở để can thiệp, điều trị sớm; giảm nguy cơ cho hai mẹ con. Việc mẹ bầu thăm khám đúng lịch có thể giảm tới 5 lần nguy cơ tử vong cho thai nhi.
  • Theo dõi sự phát triển của thai nhi xem có bình thường hay không.
  • Giúp người mẹ an tâm hơn vì trong mỗi buổi thăm khám, mẹ bầu có cơ hội trao đổi trực tiếp với bác sĩ về tất cả những lo lắng của mình, đồng thời được hướng dẫn bổ sung vi chất, ăn uống, ngủ nghỉ,... một cách chi tiết và khoa học.

2. Lịch khám thai định kỳ theo từng tam cá nguyệt

Mỗi tháng mang thai sẽ khám những gì?

2.1. Lịch khám thai định kỳ 3 tháng đầu

Mốc khám thai quan trọng đầu tiên này để bác sĩ:

  • Xác định bạn có thai hay không, mấy thai
  • Chẩn đoán tuổi thai và tính ngày dự sinh chính xác hơn những tháng sau đó
  • Phát hiện bệnh lý toàn thân của mẹ (tăng huyết áp, tiểu đường) để tư vấn cách theo dõi, điều trị, chăm sóc thai và đưa ra lịch khám thai định kỳ tiếp theo.
  • Phát hiện bệnh lý phụ khoa của mẹ (u buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung…) để tư vấn cách điều trị phù hợp.

Cụ thể về 3 lần khám thai quan trọng trong tam cá nguyệt đầu tiên như sau:

Lần thứ nhất: 

  • Thời gian: Thai 5-8 tuần tuổi, hoặc khi mẹ trễ kinh ít nhất 1 tuần
  • Mục đích: Kiểm tra xem thai đậu hay không, thai có làm tổ ở vị trí an toàn không.
  • Xét nghiệm cần làm: Khai thác tiền sử mang thai và tiền sử bệnh, đo huyết áp, chiều cao, cân nặng, siêu âm xác định tuổi thai, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra chức năng gan - thận - tuyến giáp.
  • Tư vấn: Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bổ sung DHA và axit folic nhằm ngăn ngừa dị tật thần kinh; tư vấn chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi.

Lần thứ 2:

  • Thời gian: Thai nhi từ 8-11 tuần
  • Mục đích: Kiểm tra sức khoẻ tổng thể của thai nhi, gồm có tim thai, vấn đề về phôi thai,...
  • Xét nghiệm cần làm: Về cơ bản giống với lần khám thứ nhất, đặc biệt siêu âm lúc này sẽ giúp dự đoán ngày dự sinh tốt nhất.

Lần thứ 3: 

  • Thời gian: Thai nhi từ 11 tuần 6 ngày - 13 tuần 6 ngày. 
  • Mục đích: Khảo sát sớm các dị tật cho thai nhi, sàng lọc nguy cơ tiền sản giật ở mẹ. Đây là mốc cực kỳ quan trọng trong lịch khám thai định kỳ, tuyệt đối đừng bỏ qua.
  • Xét nghiệm cần làm: Siêu âm thai, các sàng lọc di truyền (xét nghiệm Thalassemia, combined test, đo nhịp tim cho mẹ; siêu âm thai kiểm tra dị tật ở chi, đo độ mờ da gáy xác định nguy cơ bệnh Down cho thai nhi. Mẹ bầu có thể làm thêm xét nghiệm NIPT.

2.2. Lịch khám thai định kỳ 3 tháng giữa

Thời điểm tốt nhất để tầm soát dị tật thai, phẫu thuật hoặc làm thủ thuật cho mẹ

Trong những tuần thai này, bác sĩ có thể xác định rõ ràng nhiều dị tật của thai nhi, đồng thời phát hiện rối loạn huyết áp của mẹ. Với thai kỳ nguy cơ cao, lịch khám thai định kỳ 3 tháng giữa giúp theo dõi tiến triển của bệnh, mức độ đáp ứng với điều trị của mẹ. Nếu cần can thiệp như khâu vòng tử cung (với mẹ bầu bị hở eo tử cung), bóc/cắt khối u buồng trứng,... thì đây chính là thời điểm lý tưởng.

Cụ thể về 3 lần khám thai quan trọng trong tam cá nguyệt thứ hai như sau:

Lần thứ 4:

  • Thời gian: Tuần 14-16 
  • Mục đích: Tiếp tục theo dõi sức khoẻ người mẹ và sự phát triển của thai nhi, sàng lọc hội chứng Down và tật nứt đốt sống.
  • Các xét nghiệm cần làm: Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, thử nước tiểu, đo tim thai, siêu âm thai, xét nghiệm máu kiểm tra 3 hormone estriol, B-hCG và alpha fetoprotein tự do.
  • Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu bổ sung vi chất tuỳ thuộc vào sức khoẻ của mẹ và con.

Lần thứ 5:

  • Thời gian: Tuần 16-20
  • Mục đích: Tầm soát đái tháo đường và nguy cơ tiền sản giật, kiểm tra các rối loạn về gen, dị tật bẩm sinh.
  • Xét nghiệm cần làm: Cân nặng, đo huyết áp, đo tim thai, đo tử cung tính tuổi thai, thử nước tiểu, chọc ối (nếu các xét nghiệm trước đó cho thấy em bé có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh), triple test.
  • Tư vấn: Bác sĩ sẽ hướng dẫn dùng thuốc hoặc vi chất phù hợp.

Lần thứ 6:

  • Thời gian: Tuần 20-24
  • Mục đích: Kiểm tra sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của bé, phát hiện sớm các bất thường về hình thái, xác định vị trí bám của nhau thai và mức độ nước ối. Nếu phát hiện bất thường thì có nên đình chỉ thai không.
  • Xét nghiệm cần làm: Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, đo kích thước tử cung để xác định tuổi thai, đo tim thai, thử nước tiểu, siêu âm thai.

Lần thứ 7:

  • Thời gian: Từ tuần thai 24-27 tuần 6 ngày
  • Mục đích: Kiểm tra sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của bé, kiểm tra lượng nước ối, tầm soát tiểu đường thai kỳ, xác định xem nhóm máu của mẹ có phải Rh âm tính không và có cần theo dõi kỹ thai nhi hoặc tiêm globulin miễn nhiễm Rh không
  • Xét nghiệm cần làm: Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, khám thai, thử nước tiểu, siêu âm thai, nghiệm pháp glucose, xét nghiệm máu.

2.3. Lịch khám thai định kỳ 3 tháng cuối

Sắp xếp lịch khám thai định kỳ ở tam cá nguyệt cuối cùng giúp xác định ngôi thai, đo khung chậu để dự đoán xem có thể sinh thường được không, dễ hay khó, có nguy cơ gì. Nếu thai kỳ có nguy cơ cao, bạn có thể cần nhập viện sớm, mổ chủ động thay vì đợi cơn chuyển dạ tự nhiên.

Cụ thể các lịch khám thai định kỳ ở giai đoạn này như sau:

Lần thứ 8 - 9 - 10: 

  • Thời gian: Từ tuần thai 28-36
  • Mục đích: Kiểm tra sức khoẻ của mẹ, sự phát triển của bé, kiểm tra xem mẹ có dấu hiệu sắp sinh chưa và nhắc nhở mẹ những điều cần lưu ý.
  • Các xét nghiệm cần làm: Khám thường quy như các lần trước (cân nặng, huyết áp, tim thai, kích thước thai), xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm thai, tiêm phòng uốn ván cuống rốn để phòng ngừa bệnh uốn ván cho bé, Non-stress.

Bắt đầu từ tuần thứ 30, mẹ bầu nên đếm cử động thai (4 lần/giờ là bình thường) và tái khám ngay, không cần đợi đến lịch khám thai định kỳ nếu bị đau bụng, ra máu âm đạo, ra nước âm đạo, thai máy khác thường hoặc không máy hay có các dấu hiệu bất thường khác.

Lần thứ 11-14:

  • Thời gian: Từ tuần thai 36-40, khám mỗi tuần
  • Mục đích: Theo dõi thai kỳ, đánh giá khung chậu, tìm kiếm dấu hiệu sắp sinh
  • Xét nghiệm cần làm: Khám thường quy, kiểm tra cổ tử cung, siêu âm, xét nghiệm khung chậu và tư vấn các dấu hiệu sắp sinh.

Lần thứ 15:

  • Thời gian: Từ tuần thai 40-42 nếu mẹ chưa sinh
  • Mục đích: Theo dõi lượng nước ối và tình trạng của em bé, từ đó cân nhắc xem có nên can thiệp để chuyển dạ hoặc mổ chủ động hay không.
  • Xét nghiệm cần làm: Thăm khám, siêu âm thai.

Sản khoa tiêu chuẩn quốc tế hướng đến JCI tại Bệnh viện Phương Nam 

Bệnh viện Phương Nam tự hào mang đến dịch vụ sản khoa đẳng cấp, kết hợp hoàn hảo giữa tiêu chuẩn quốc tế hướng đến JCI, RTAC và tinh hoa chăm sóc sức khỏe đúc kết qua 13 năm kinh nghiệm của Tập đoàn Y tế Phương Châu. Với triết lý “Phụng sự từ tâm", chúng tôi cam kết mang đến trải nghiệm vượt trội, đảm bảo an toàn và sự hài lòng tuyệt đối cho mẹ và bé trong suốt hành trình thiêng liêng.

Những thế mạnh nổi bật của Sản khoa Bệnh viện Phương Nam: 

  • Hệ sinh thái kết hợp sản nhi và đa khoa toàn diện, để mỗi cuộc sanh của khách hàng luôn có đầy đủ ekip bác sĩ sản, nhi đồng hành chăm sóc giúp mẹ vượt cạn nhẹ nhàng, bé chào đời khỏe mạnh. 
  • Hệ thống phòng thông minh, được thiết kế đặc biệt “khép kín trong một vòng tròn” kết hợp phòng sinh, phòng mổ và phòng hồi sức sơ sinh, giúp tối ưu “thời gian vàng” trong mọi cuộc vượt cạn. 
  • Văn hóa “phụng sự từ tâm” với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh chuyên môn cao, thân thiện và tận tâm, không chỉ đảm bảo an toàn tuyệt đối mà còn mang đến trải nghiệm làm mẹ trọn vẹn. 
  • Dịch vụ trải nghiệm xuất sắc cho cả gia đình, giúp hành trình sanh của mẹ thêm trọn vẹn với dịch vụ spa và trị liệu cho mẹ sau sinh; khám dinh dưỡng, chủng ngừa và tư vấn nhi khoa phát triển cho bé sau khi xuất viện; khám da liễu, chăm sóc và phục hồi vóc dáng, tư vấn tâm lý và hỗ trợ các vấn đề trầm cảm sau sinh cho mẹ,...

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn