Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một rối loạn chuyển hóa phổ biến xảy ra trong thai kỳ, khiến lượng đường trong máu của mẹ bầu tăng cao hơn mức bình thường. Dù thường không kéo dài sau khi sinh, nhưng nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.

Đái tháo đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào cho mẹ và bé?

10/12/2024
Nội dung chính xem nhanh

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một rối loạn chuyển hóa phổ biến xảy ra trong thai kỳ, khiến lượng đường trong máu của mẹ bầu tăng cao hơn mức bình thường. Dù thường không kéo dài sau khi sinh, nhưng nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.

 1. Đái tháo đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào?

Rối loạn này có thể gây ảnh hưởng xấu đến người mẹ và thai nhi nếu như không quản lý tốt.

1.1. Với người mẹ

Phụ nữ mắc ĐTĐTK có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn các thai phụ bình thường, thường gặp là:

  • Tăng huyết áp trong thai kỳ.
  • Sinh non (tỷ lệ 26% so với 9,7% của thai phụ bình thường).
  • Đa ối (cao gấp 4 lần thai phụ bình thường).
  • Sẩy thai và thai lưu.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu.
  • Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu hoặc do nhiễm toan ceton.

Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng, các phụ nữ có tiền sử ĐTĐTK có nguy cơ cao tiến triển thành đái tháo đường týp 2 trong tương lai. Có khoảng 17-63% người ĐTĐTK sẽ bị đái tháo đường týp 2 trong vòng 5-16 năm sau sinh.

1.2. Với em bé

Đái tháo đường ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ, bao gồm:

  • Thai to và tăng trưởng quá mức,
  • 25% trẻ gặp tình trạng hạ đường huyết và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh,
  • Hội chứng nguy kịch hô hấp,
  • Dị tật bẩm sinh nếu đường huyết không được kiểm soát tốt (tỷ lệ từ 8 - 13%, gấp 2 - 4 lần nhóm không bị đái tháo đường),
  • Tử vong ngay sau sinh,
  • Vàng da sơ sinh (xảy ra ở khoảng 25% ở các thai phụ có đái tháo đường thai kỳ),
  • Các ảnh hưởng lâu dài như tăng nguy cơ trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm mắc bệnh đái tháo đường týp 2 (gấp 8 lần người bình thường khi đến tuổi 19-27), rối loạn tâm thần - vận động. 

2. Nên làm gì khi bị đái tháo đường thai kỳ?

Nguyên tắc kiểm soát đái tháo đường thai kỳ

Rất nhiều mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ vẫn trải qua những ngày mang thai an toàn khi họ tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Vì vậy, quan trọng là cần đi khám thai định kỳ để các bác sĩ phát hiện sớm những bất thường, tránh để bệnh nặng.

Bên cạnh đó, các mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc giúp kiểm soát đái tháo đường thai kỳ sau đây:

2.1. Kiểm tra đường huyết tại nhà

Đường trong máu dao động trong ngày tuỳ thuộc vào loại và lượng thức ăn, thời điểm ăn; mức độ và thời điểm vận động.

Đo đường huyết mỗi ngày và ở nhiều thời điểm trong ngày giúp bác sĩ đưa ra hướng dẫn ăn uống phù hợp với cơ địa của bà mẹ nhất, bao gồm khi nào ăn, lượng thức ăn và loại thức ăn nên ăn.

Ngoài ra, càng gần ngày dự sinh, mức độ đề kháng insulin sẽ ngày càng cao. Người mẹ có thể cần phải tiêm insulin để hạ đường huyết. Việc theo dõi đường huyết sẽ giúp bác sĩ đưa ra liều thuốc tiêm phù hợp nhất.

Các bước tự đo đường huyết tại nhà

Các mẹ hãy đo và so sánh với ngưỡng đường huyết mục tiêu sau đây, xem chỉ số đường huyết của mình có đạt mức an toàn hay không: 

  • Thử đường huyết lúc đói: <95 mg/dL hoặc <5.3 mmol/L
  • Thử đường huyết sau khi ăn 1 giờ: <140 mg/dL hoặc <7.8 mmol/L
  • Thử đường huyết sau khi ăn 2 giờ: <120 mg/dL hoặc <6.7 mmol/L

2.2. Chế độ ăn uống phù hợp với người bị đái tháo đường thai kỳ

Nguyên tắc về chế độ ăn uống:

  • Thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định lượng carbohydrate phù hợp cho từng bữa ăn.
  • Thay vì ăn ba bữa lớn, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ.
  • Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Chất xơ giúp kiểm soát mức đường huyết và hỗ trợ tiêu hóa.
  • Chọn các nguồn chất béo lành mạnh như dầu ô liu, bơ hạt, và các loại hạt; hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
  • Chọn các nguồn protein nạc như thịt gà, cá, đậu, và các sản phẩm từ sữa ít béo. Protein giúp duy trì cảm giác no và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.

Xây dựng kế hoạch từng bữa ăn:

  • Bữa sáng: Nên bao gồm protein, carbohydrate phức tạp và chất xơ. Ví dụ: một quả trứng luộc, một lát bánh mì nguyên cám và một ít trái cây.
  • Bữa ăn nhẹ: Có thể là một miếng trái cây hoặc một ít hạt.
  • Bữa trưa: Nên có rau xanh, protein nạc và carbohydrate phức tạp. Ví dụ: một chiếc pizza nguyên cám với đậu đen, rau và một ít phô mai.
  • Bữa tối: Nên bao gồm protein, rau và một phần nhỏ carbohydrate. Ví dụ: thịt gà nướng với rau xanh và một ít cơm.
  • Bữa ăn nhẹ buổi tối: Một ít trái cây hoặc một ít hạt để duy trì mức đường huyết ổn định qua đêm.

2.3. Vận động phù hợp

Mẹ bầu nên tham gia vào các hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ, bơi lội hoặc các lớp thể dục cho bà bầu. Tập thể dục giúp cải thiện khả năng sử dụng insulin của cơ thể và kiểm soát mức đường huyết.

Hướng dẫn chung khi hoạt động thể lực cho phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ như sau:

Nên Không nên 
Tập luyện thường xuyên khi có sự đồng ý của bác sĩ sản khoa Để cơ thể quá mệt mỏi
Chọn các môn thể thao như bơi lội không đòi hỏi phải đứng lâu Thực hiện động tác khi đang nằm, đặc biệt ở tam cá nguyệt thứ 2 và 3
Mặc quần áo thoải mái, thấm mồ hôi tốt  Tập luyện trong môi trường nóng
Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập  Thực hiện các động tác như nhảy, siết bụng
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tăng cân trong giới hạn cho phép  Bỏ bữa hoặc tập thể dục khi đang đói
 Tập với kháng lực trung bình, sao cho vẫn có thể nói chuyện trong khi tập nhưng không thể hát, không bị hụt hơi.  Tập với kháng lực cao

2.4. Duy trì tăng cân thai kỳ trong giới hạn cho phép

Bên cạnh quản lý chỉ số đường huyết, mẹ bầu cần lưu ý đến việc tăng cân hợp lý.

Dưới đây là bảng khuyến cáo về mức tăng cân trong thai kỳ (theo tiêu chuẩn Châu Á) để các mẹ tham khảo:

BMI trước khi mang thai Tăng cân (kg)  Mức tăng cân trung bình trong tam cá nguyệt 2 và 3 (kg/tuần) 
Thiếu năng lượng trường diễn (BMI < 18,5 kg/m2)  12,5 - 18  0,51 (0,44 - 0,58)
Bình thường (BMI: 18,5-22,9 kg/m2)  11,5 - 16  0,42 (0,35 - 0,50)
Thừa cân (BMI: 23,0 - 24,9 kg/m2)  7 - 11,5  0,28 (0,23 - 0,33)
Béo phì (BMI > 24,9 kg/m2)  5 - 9  0,22 (0,17 - 0,27)

2.5. Ghi lại nhật ký ăn uống và tập luyện

Bạn nên có một cuốn sổ ghi chép về đồ ăn, thức uống, các bài tập và mức đường huyết. Điều này giúp bạn và bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện nếu cần.

2.6. Sử dụng thuốc hạ đường huyết khi có chỉ định của bác sĩ

Trong một số trường hợp như đường huyết vẫn cao hơn mức cho phép dù đã áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện, đường huyết quá cao hoặc thai to hơn so với tuổi thai, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết. Lúc này, mẹ bầu nên tuân thủ đúng hướng dẫn về việc dùng thuốc.

3. Khi nào phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ cần đến bệnh viện ngay?

 Theo dõi chỉ số đường huyết và phản ứng của cơ thể để thăm khám kịp thời

Đái tháo đường thai kỳ có thể gây nguy hiểm cho mẹ và con. Vì vậy, mẹ bầu nên nắm rõ những tình huống nguy hiểm để đi khám kịp thời. Chúng bao gồm:

  • Không đáp ứng chế độ ăn kiêng và vận động tại nhà.
  • Chỉ số đường huyết  ≥ 250mg/dl.
  • Có các triệu chứng hạ đường huyết: đói, vã mồ hôi, tim đập nhanh
  • Đếm cử động thai giảm
  • Bất kì khi nào bà mẹ thấy lo lắng.

Mặc dù đái tháo đường thai kỳ có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé, nhưng nếu kiểm soát tốt thì bà bầu vẫn có thể trải qua thời kỳ này một cách khỏe mạnh và sinh con an toàn. Hãy tích cực điều chỉnh chế độ ăn uống, theo dõi sát sao đường huyết và tuân thủ các chỉ định điều trị từ bác sĩ.

Sản khoa tiêu chuẩn quốc tế hướng đến JCI tại Bệnh viện Phương Nam 

Bệnh viện Phương Nam tự hào mang đến dịch vụ sản khoa đẳng cấp, kết hợp hoàn hảo giữa tiêu chuẩn quốc tế hướng đến JCI, RTAC và tinh hoa chăm sóc sức khỏe đúc kết qua 13 năm kinh nghiệm của Tập đoàn Y tế Phương Châu. Với triết lý “Phụng sự từ tâm", chúng tôi cam kết mang đến trải nghiệm vượt trội, đảm bảo an toàn và sự hài lòng tuyệt đối cho mẹ và bé trong suốt hành trình thiêng liêng.

Những thế mạnh nổi bật của Sản khoa Bệnh viện Phương Nam: 

  • Hệ sinh thái kết hợp sản nhi và đa khoa toàn diện, để mỗi cuộc sanh của khách hàng luôn có đầy đủ ekip bác sĩ sản, nhi đồng hành chăm sóc giúp mẹ vượt cạn nhẹ nhàng, bé chào đời khỏe mạnh. 
  • Hệ thống phòng thông minh, được thiết kế đặc biệt “khép kín trong một vòng tròn” kết hợp phòng sinh, phòng mổ và phòng hồi sức sơ sinh, giúp tối ưu “thời gian vàng” trong mọi cuộc vượt cạn. 
  • Văn hóa “phụng sự từ tâm” với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh chuyên môn cao, thân thiện và tận tâm, không chỉ đảm bảo an toàn tuyệt đối mà còn mang đến trải nghiệm làm mẹ trọn vẹn. 
  • Dịch vụ trải nghiệm xuất sắc cho cả gia đình, giúp hành trình sanh của mẹ thêm trọn vẹn với dịch vụ spa và trị liệu cho mẹ sau sinh; khám dinh dưỡng, chủng ngừa và tư vấn nhi khoa phát triển cho bé sau khi xuất viện; khám da liễu, chăm sóc và phục hồi vóc dáng, tư vấn tâm lý và hỗ trợ các vấn đề trầm cảm sau sinh cho mẹ,... 

----------
BỆNH VIỆN PHƯƠNG NAM - THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN Y TẾ PHƯƠNG CHÂU
Tập đoàn bệnh viện sản nhi tư nhân hàng đầu Việt Nam cung cấp trải nghiệm xuất sắc với hệ sinh thái Sản - Phụ - Nhi - IVF - Đa Khoa toàn diện.

Đăng ký tư vấn

Để lại thông tin để chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ gọi cho bạn