Cố vấn chuyên môn:
BS. Phan Thị Thanh Hằng, BS Sản Phụ khoa, BVQT Phương Châu
1. Nguyên nhân đau lưng, chuột rút khi mang thai
Đau lưng và chuột rút là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ, ảnh hưởng đến nhiều mẹ bầu. Hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về nguyên nhân vì sao phụ nữ thường bị chuột rút khi mang thai. Trong lĩnh vực sản khoa, một số tác giả cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút khi mang thai bao gồm:
- Sự thay đổi nội tiết tố: Để chuẩn bị tốt nhất cho sự chào đời của em bé qua đường ống sinh, cơ thể mẹ bầu tiết ra một loại hormone giúp nới lỏng các dây chằng ở khớp xương chậu. Chính nhờ loại hormone đặc biệt này, các khớp vùng chậu trở nên linh hoạt hơn và sẵn sàng giãn rộng đến mức tối đa để em bé có thể chui lọt qua khi mẹ lâm bồn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây ra biểu hiện đau lưng mệt mỏi khi mang thai nếu như các khớp quá lỏng lẻo.
- Tuần hoàn máu kém: Tử cung ngày càng to làm tăng áp lực lên các mạch máu chính đưa máu từ chân lên tim và các dây thần kinh từ tủy sống đến chân các tĩnh mạch cung cấp máu cho tử cung cũng bị chèn ép gây cảm giác nặng nề, khó chịu;
- Tăng cân: Trọng lượng tăng lên nhanh chóng trong thời gian mang thai khiến cột sống, các cơ ở bắp chân phải chịu nhiều áp lực hơn, dẫn đến đau mỏi lưng, mỏi chân.
- Tư thế sai: Tư thế đứng, ngồi hoặc nằm không đúng trong thời gian dài có thể gây căng thẳng cho cột sống và cơ bắp, làm tăng cảm giác đau.
- Thiếu canxi: Nhất là vào những tháng cuối thai kỳ, nhu cầu canxi của cơ thể càng tăng cao để có thể đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi.
- Thiếu chất khoáng: Quá ít kali, canxi hoặc magie trong chế độ ăn uống có thể góp phần gây ra chuột rút ở chân.
- Mất nước khiến cơ thể bị rối loại điện giải gây ra tình trạng chuột rút.

2. Khi nào đau lưng, chuột rút là bình thường?
Trong hầu hết các trường hợp, đau lưng và chuột rút khi mang thai là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước những thay đổi về thể chất. Một số dấu hiệu cho thấy tình trạng này là bình thường bao gồm:
- Đau lưng nhẹ, thoáng qua sau khi đứng hoặc ngồi lâu.
- Chuột rút nhẹ ở bắp chân vào ban đêm, thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai và ba.
- Cảm giác đau lưng gia tăng khi vận động nhưng không kèm theo dấu hiệu bất thường nào khác.
- Chuột rút nhẹ ở bụng dưới, xảy ra trong thời gian ngắn và không kéo dài.
Nếu mẹ bầu chỉ bị đau lưng hoặc chuột rút ở mức độ nhẹ, không đi kèm triệu chứng bất thường khác, thì đây thường là biểu hiện sinh lý bình thường của thai kỳ.
3. Khi nào đau lưng, chuột rút cảnh báo nguy hiểm?
Mặc dù hầu hết các cơn đau lưng và chuột rút khi mang thai không đáng lo ngại, nhưng đôi khi chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng cần phải gặp bác sĩ
- Đau lưng dữ dội, kéo dài, không giảm dần theo thời gian.: Nếu cơn đau lưng trở nên nghiêm trọng, lan xuống chân hoặc kèm theo tê bì, có thể mẹ bầu đang gặp vấn đề về cột sống như thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa.
- Chuột rút mạnh kèm theo chảy máu âm đạo: Đây có thể là dấu hiệu dọa sảy thai, sinh non hoặc nhau bong non. Mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay lập tức.
- Co thắt đi kèm với đau bụng dữ đội và buồn nôn hoặc sốt: rất có thể là triệu chứng của viêm ruột thừa, sỏi thận hoặc túi mật.
- Chuột rút kèm theo sưng, nóng đỏ ở chân: Nếu mẹ bầu thấy chân bị sưng đau, đỏ ấm kèm theo chuột rút, có thể là dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu. Đây là tình trạng nguy hiểm, cần được kiểm tra ngay.
Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, mẹ bầu nên đi khám để được kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.
4. Xử lý khi bị chuột rút:
Chuột rút khi mang thai xảy ra thì các mẹ cần bình tĩnh và làm theo những bước sau:
- Duỗi chân: Hãy cố gắng để thẳng chân, bắt đầu xoa bóp nhẹ nhàng mắt cá và các ngón chân. Điều này có thể gây đau lúc đầu nhưng cảm giác đau sẽ dần biến mất.
- Xoa bóp các cơ bắp bị co rút.
- Lấy một chai nước nóng đặt lên vùng bị chuột rút.
- Đi lại. Bước một vài bước cũng sẽ giúp chứng chuột rút qua nhanh.
- Đặt chân xuống đất hoặc gót chân khi nằm thẳng chặt chạm vào tường, cũng có thể duỗi lòng bàn chân về phía trước để kéo dài ống chân.
Ngoài ra, duỗi thẳng đầu gối, sau đó lại cong vểnh bàn chân về phía sau gối, gập lên trên, nhẹ nhàng xoay chân sẽ giúp giảm chứng chuột rút.
5. Cách phòng ngừa chứng đau lưng, chuột rút ở phụ nữ mang thai
Dưới đây là một số biện pháp giúp giảm đau lưng và chuột rút khi mang thai:
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Các bài tập yoga, bơi lội hoặc đi bộ có thể giúp giảm áp lực lên cột sống và tăng cường lưu thông máu, giảm chuột rút.
- Duy trì tư thế đúng: Khi ngồi, mẹ bầu nên chọn ghế có tựa lưng, giữ lưng thẳng. Khi đứng, hãy đặt một chân lên vật cao để giảm áp lực lên cột sống. Tránh ngồi và đứng ở một tư thế quá lâu.
- Massage và chườm ấm: Xoa bóp nhẹ nhàng vùng lưng hoặc chườm ấm giúp thư giãn cơ bắp, giảm đau hiệu quả.
- Bổ sung canxi và magie: Trong thực đơn hàng ngày, các mẹ bầu cần chú ý bổ sung thự phẩm giàu cali, magie, đặc biệt là canxi (thịt, cá, trứng, rau - củ - quả, đặc biệt là chuối, nho khô, lê...).
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể theo từng giai đoạn của thai kỳ, từ 800- 1500mg canxi nguyên tố/ngày.
- Mang giày thoải mái: Tránh giày cao gót, thay vào đó, chọn giày bệt, mềm mại để giảm áp lực lên cột sống.
- Ngủ đúng tư thế: Mẹ bầu nên nằm nghiêng bên trái, kê gối giữa hai chân để giảm áp lực lên lưng, khi ngủ không nên kê gối quá cao.
- Uống đủ nước: Nước giúp tăng cường tuần hoàn máu, hạn chế chuột rút. Nên uống nước từ 2 – 2,5 lít mỗi ngày.
- Nên dành thời gian để nghỉ ngơi, luôn để tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.
- Tắm bằng nước ấm. Ngâm chân trong nước nóng được pha với ít muối và gừng để tránh bị chuột rút vào ban đêm.
Hy vọng bài viết này giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về tình trạng đau lưng và chuột rút khi mang thai, từ đó có những biện pháp chăm sóc thai kỳ an toàn và hiệu quả.
Quý khách hàng có thể đặt lịch hẹn khám TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 để được hỗ trợ thông tin.