Tay chân miệng là bệnh xảy ra quanh năm, đỉnh điểm là vào tháng 4-6 và tháng 9-12. Tuy nhiên, năm 2023 này, dịch vào tháng 6-7 và khả năng kéo dài đến hết năm.
Bệnh do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxsackievirus và Enterovirus 71 gây ra. EV71 là nhóm tác nhân rất đáng lo ngại bởi EV 71 gây bệnh cảnh nặng và năm nay bệnh Nhi mắc bệnh do EV71 chiếm đa số. Hiện tại các phòng cấp cứu của các khoa Nhiễm, khoa hồi sức tích cực của các bệnh viện Nhi đang trở nên quá tải.
Bao nhiêu tuổi thì hay mắc bệnh?
Bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng trẻ dưới 5 tuổi là nhóm tuổi dễ chuyển nặng do chưa có kháng thể, hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện nhất là nhóm trẻ 6 tháng – 3 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh và không có triệu chứng và cũng có thể là nguồn lây bệnh cho trẻ trong gia đình.
Đường lây bệnh tay - chân - miệng là đường nào?
Do bệnh lây qua đường tiêu hóa (đường phân - miệng). Virus có nhiều ở họng, trực tràng, bóng nước của người mắc bệnh, phát tán virus từ nước bọt khi ho, cười, nói chuyện, phân, dịch từ bóng nước bị vỡ và tồn tại trên bề mặt lâu nên để phòng bệnh nên thường xuyên vệ sinh tay, vệ sinh về mặt nơi trẻ sinh hoạt, học tập, vệ sinh đồ chơi bằng nước, xà phòng hoặc dung dịch Cloramin.
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh thường rất dễ chẩn đoán, phụ huynh, cô giáo nhà trẻ cũng có thể chẩn đoán được bệnh khi thấy bé:
- Nổi hồng ban, bóng nước vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay chân, gối, mông, khuỷu…. Đáng lo là những trẻ không nổi nhiều hồng ban bóng nước, chỉ vài nốt nhỏ kín đáo, phải tìm kĩ mới thấy bởi đây là đặc tính phát ban của nhóm tác nhân EV 71.
- Trẻ ăn kém, không chịu bú, chảy nước miếng nhiều dovết loét miệng làm trẻ đau nên không dám nuốt.
- Trẻ sốt và khám thấy có hồng ban tay chân và hoặc loét miệng.
- Trẻ lớn có dấu hiệu đau họng.

Hình sưu tầm. Sang thương tay chân miệng
Những dấu hiệu nặng:
- Sốt cao liên tục khó hạ, lừ đừ.
- Giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần.
- Run chi, đi loạng choạng, nôn nhiều.
- Co giật, khó thở, tím tái.
- Đôi khi trẻ đến trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.
Điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?
Bệnh tay chân miệng phần lớn là tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể rất nặng hay đưa đến tử vong do biến chứng viêm não, viêm cơ tim. Và biến chứng thì diễn tiến rất nhanh tính bằng giờ và có thể nhanh chóng diễn tiến đến tử vong trong 12-24 giờ.
Hiện tại, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các thuốc giúp giảm diễn biến nặng khi bé chuyển độ nặng hiện đang rất khan hiếm. Các tỉnh thành ở Miền Tây gần như không có thuốc, phải chuyển tuyến lên Thành Phố Hồ Chí Minh, quá trình di chuyển cần phải hỗ trợ thật tốt, cũng như phải chạy đua với thời gian để có thể cứu được bệnh Nhi. Dự kiến đỉnh dịch vào đầu tháng 7. Nếu đỉnh dịch lượng bệnh nhân tăng lên đột biến sẽ gây quá tải cho việc theo dõi, chăm sóc và điều trị cho các bé. Thuốc, máy thở, máy lọc máu, vật tư trang thiết bị cũng sẽ có khả năng không đáp ứng đủ khi lượng bệnh tăng lên đột ngột. Và vì thế mà tỉ lệ tử vong cũng sẽ tăng lên.
Cách phòng ngừa tại nhà?
Như đã nói trên, bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên khi một bé bệnh Nhi mắc tay chân miệng mức độ nặng, để cứu được bé, con phải trải qua quá trình điều trị với rất nhiều can thiệp thủ thuật, thuốc, máy thở, máy lọc máu…. Và di chứng là có thể xảy ra sau nếu bé phải trải qua giai đoạn điều trị ở hồi sức tích cực. Chính vì vậy, mỗi gia đình cần phòng bệnh cho các bé thật tốt bằng cách:
- Rửa tay sạch trước khi tiếp xúc với trẻ em, đồng thờithường xuyên vệ sinh tay cho trẻ.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, các đồ dùng sử dụng chung và đồ chơi của trẻ.
- Tránh các tiếp xúc gần với các bé có triệu chứng tay chân miệng. Hoặc cách lý ngay và báo cho nơi bé học để đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Phụ huynh sớm đưa con đến khám bác sĩ để được thămkhám, chẩn đoán và hướng dẫn theo dõi trẻ, kịp thời đưa trẻ vào nhập viện khi có chỉ định. Kịp thời can thiệp khi bé chuyển độ nặng. Bởi với tay chân miệng bệnh diễn tiến rất nhanh, khi can thiệp kịp thời sẽ giảm tỉ lệ tử.
Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.