Các bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ thời điểm cuối năm

11/11/2024
Nội dung chính xem nhanh

Vào thời điểm cuối năm, thời tiết thay đổi thất thường cùng với khí hậu lạnh hơn dễ làm hệ hô hấp của trẻ trở nên nhạy cảm và dễ mắc phải các bệnh lý liên quan đến hô hấp. Ba mẹ hãy cùng với bác sĩ Phương Châu tìm hiểu xem các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ, cách điều trị và phòng tránh thông qua bài viết dưới đây để giúp bé yêu nhà mình luôn khỏe mạnh, ba mẹ nhé

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS. CKI. Nguyễn Đức Vinh – Bác sĩ khám và điều trị khoa Nhi, BVQT Phương Châu

1. Các bệnh hô hấp thường gặp

1.1 Cảm lạnh
Nguyên nhân: Chủ yếu do virus (rhinovirus, coronavirus). Virus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc giọt bắn khi người bệnh hắt hơi, ho.

Triệu chứng: 

 Biểu hiện viêm long hô hấp trên:

  • Sổ mũi, hắt hơi liên tục
  • Ho nhẹ, đau họng

Biểu hiện toàn thân

  • Sốt nhẹ (thường dưới 38°C).
  • Mệt mỏi, chán ăn

Điều trị:

  • Để trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước
  • Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý
  • Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ bị sốt

1.2. Viêm phế quản phổi
Nguyên nhân: Do virus hoặc vi khuẩn. Thường xuất hiện sau khi trẻ bị cảm lạnh. Không khí lạnh, ẩm hoặc ô nhiễm cũng là yếu tố tăng nguy cơ.
Triệu chứng:

  • Ho nhiều, ho có đờm
  • Khó thở, thở khò khè
  • Đau ngực
  • Sốt, mệt mỏi

Điều trị:

  • Đảm bảo trẻ uống đủ nước để làm loãng đờm.
  • Có thể cần dùng thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân là vi khuẩn (cần tham khảo ý kiến bác sĩ).
  • Dùng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ để giảm triệu chứng khó thở

1.3. Viêm phổi
Nguyên nhân: Thường do vi khuẩn (như Streptococcus pneumoniae) hoặc virus (như RSV ở trẻ nhỏ). Viêm phổi thường là biến chứng của viêm phế quản hoặc cảm lạnh không được điều trị dứt điểm.
Triệu chứng:

  • Ho nhiều, thường là ho có đờm vàng hoặc xanh
  • Sốt cao, đôi khi có rét run
  • Dấu hiệu của suy hô hấp: thở nhanh, nông, thở gắng sức (co kéo cơ liên sườn hoặc thở lõm ngực ở trẻ nhỏ
  • Dấu hiệu nặng hơn sau suy hô hấp kéo dài là dấu hiệu thiếu oxy: trẻ kích thích vật vã hoặc lừ đừ, bỏ bú, nặng hơn có thể là môi và móng tay tím tái do thiếu oxy
  • Đau ngực, mệt mỏi nhiều

Điều trị:

  • Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và điều trị kịp thời
  • Thường cần dùng kháng sinh (nếu nguyên nhân là vi khuẩn)
  • Bổ sung oxy nếu trẻ khó thở nhiều

1.4 Viêm tai giữa 
Nguyên nhân: Viêm tai giữa thường xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus, thường xuất phát từ các bệnh đường hô hấp trên như cảm lạnh hoặc viêm xoang, dịch ứ đọng trong tai do tắc nghẽn ống dẫn hoặc do các yếu tố di truyền và cấu trúc tai, yếu tố môi trường (như khói thuốc, nhà trẻ đông đúc).
Triệu chứng của viêm tai giữa có thể khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng:

  •  Đau tai: Trẻ nhỏ có thể kéo hoặc cọ tai vì đau.
  • Sốt: Thường xuất hiện khi có nhiễm trùng.
  • Giảm thính lực: Dịch trong tai giữa gây cản trở âm thanh truyền vào màng nhĩ.
  • Dịch chảy từ tai: Nếu màng nhĩ bị thủng, dịch có thể chảy ra từ tai.
  • Khó ngủ và dễ cáu kỉnh: Đau và áp lực trong tai có thể khiến trẻ khó chịu và mất ngủ.
  • Mất cân bằng: Tai giữa có vai trò quan trọng trong duy trì thăng bằng, nên khi viêm, người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt, mất thăng bằng.

Điều trị: Tùy vào mức độ viêm tai, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp

  •  Kháng sinh: Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh. Cần tuân thủ liều lượng và thời gian dùng để đảm bảo hiệu quả và tránh tình trạng kháng thuốc.
  • Thuốc giảm đau và hạ sốt
  • Theo dõi: Trong một số trường hợp viêm nhẹ, bác sĩ có thể chỉ yêu cầu theo dõi, đặc biệt nếu là viêm tai giữa do virus, thường có thể tự khỏi trong vài ngày.
  • Phẫu thuật dẫn lưu: Nếu viêm tai tái phát nhiều lần hoặc dịch không tự thoát ra, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật đặt ống dẫn lưu để dịch chảy ra ngoài.
  • Luyện tập vệ sinh mũi và cổ họng: Sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch mũi, giúp giảm tắc nghẽn, đặc biệt trong mùa đông hoặc khi trẻ bị cảm lạnh.

1.5. Hen suyễn
Nguyên nhân: Hen suyễn là tình trạng viêm mãn tính của đường hô hấp, thường bị kích thích bởi dị ứng, không khí lạnh, vận động, hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.
Triệu chứng:
Thở khò khè, cảm giác nặng ngực
Ho nhiều, đặc biệt vào ban đêm hoặc sau khi vận động
Khó thở, cảm giác hụt hơi
Điều trị:
Sử dụng thuốc hít/khí dung (thuốc giãn phế quản và thuốc corticoid) theo chỉ định
Tránh các yếu tố kích thích như khói thuốc, bụi, phấn hoa, không khí lạnh
Đưa trẻ đi khám chuyên khoa hô hấp để được điều trị dài hạn

1.6. Viêm xoang 
Nguyên nhân: Viêm xoang xảy ra khi các hốc xoang bị tắc nghẽn bởi chất nhầy và nhiễm trùng, thường sau khi bị cảm lạnh hoặc viêm đường hô hấp trên.
Triệu chứng:

  •  Nghẹt mũi, chảy dịch mũi đặc và có mùi hôi
  • Đau, áp lực ở vùng mặt (đặc biệt là ở mũi, trán, gò má)
  • Ho kéo dài, nhất là vào ban đêm
  • Mệt mỏi, đau đầu

Điều trị:

  • Dùng nước muối sinh lý để làm sạch xoang mũi
  • Có thể cần kháng sinh nếu viêm xoang do vi khuẩn
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm và đảm bảo uống nhiều nước để làm loãng dịch xoang

1.7. Viêm thanh quản
Nguyên nhân: Do nhiễm virus, thời tiết lạnh hoặc thay đổi độ ẩm, và đôi khi do nói to hoặc la hét. Viêm thanh quản khiến dây thanh âm bị sưng.
Triệu chứng:

  • Khàn giọng, mất tiếng, nặng hơn sẽ có khó thở thanh quản (khó thở chậm thì hít vào, kèm tiếng thở rít khi hít vào)
  • Ho khan, ho rát
  • Khó nuốt, đau họng
  • Sốt nhẹ

Điều trị:

  • Cho trẻ uống nhiều nước ấm để làm dịu cổ họng
  • Đảm bảo trẻ nghỉ ngơi và tránh nói to hoặc la hét
  • Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để giảm triệu chứng

1.8. Viêm amidan
Nguyên nhân: Thường do virus hoặc vi khuẩn (như Streptococcus nhóm A). Viêm amidan tái phát nhiều lần có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
Triệu chứng:

  •  Đau họng, khó nuốt
  • Amidan sưng đỏ, có thể có mủ trắng
  • Sốt, ớn lạnh
  • Hơi thở có mùi

Điều trị:

  • Đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế uy tín để kiểm tra mức độ viêm và xem xét cần dùng kháng sinh hay không
  • Đảm bảo trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước ấm
  • Nếu viêm amidan tái phát nhiều lần, có thể xem xét cắt amidan theo chỉ định của bác sĩ

2. Cách phòng ngừa bệnh hô hấp 

  • Giữ ấm cho trẻ: Đặc biệt là vùng cổ, ngực, và mũi khi thời tiết lạnh.
  • Dinh dưỡng hợp lý: Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, tăng cường trái cây giàu vitamin.
  • Vệ sinh cá nhân: Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên và tránh chạm vào mặt.
  • Tránh môi trường đông người: Nếu có thể, ba mẹ nên hạn chế để trẻ tiếp xúc với nơi đông người để tránh lây nhiễm.
  • Tiêm phòng đầy đủ: Các vắc xin như cúm, phế cầu sẽ giúp trẻ tăng cường miễn dịch đối với các bệnh hô hấp.

Việc nắm rõ triệu chứng và cách xử trí ban đầu sẽ giúp ba mẹ bảo vệ sức khỏe của con và kịp thời điều trị khi trẻ có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, ba mẹ đừng nên chủ quan mà hãy đưa con đến ngay cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh chính xác nhất. Do có một số loại bệnh có triệu chứng không rõ ràng, dễ khiến ba mẹ lầm tưởng đó chỉ là những cơn bệnh nhẹ, không đưa bé đi khám kịp thời dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn. 

Ba mẹ đừng chủ quan mà hãy chủ động bảo vệ đường hô hấp để giúp trẻ luôn khỏe mạnh nhé.

Ba mẹ đặt lịch hẹn khám qua Hotline đặt lịch khám 0907 939 346 hoặc link đăng kí: 👉 https://bit.ly/PCDatlichkham 
☎️ Tổng đài Phương Châu: 1900 54 54 66 (Hỗ trợ 24/7) sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.