Xuất huyết giảm tiểu cầu

01/10/2024

Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay được nghỉ khá dài. Cả nhà dự định có chuyến về quê ngoại ở Cà Mau. Ai cũng háo hức nhưng bỗng nhiên Gạo sốt cao, thế là cả nhà đành nán lại hai ngày trước khi về quê.

Gạo hết sốt thì chuyển sang phát ban, mẹ hỏi bác sĩ được biết là phát ban sau nhiễm siêu vi, mẹ cũng an tâm. Vài hôm sau, buổi sáng mẹ vẫn đi dạy như mọi ngày, chiều mẹ phát hiện trên da ở vùng cổ của Gạo có vài nốt đỏ, thấy lạ mẹ hỏi bác sĩ ngay. Bác hướng dẫn mẹ căng da của con ra ở vùng nốt đỏ, nếu nốt đỏ vẫn còn thì chụp hình gởi bác xem. Mẹ gởi hình cho bác, bác nói Gạo bị xuất huyết dưới da, mẹ cần đưa Gạo vào bệnh viện liền.

Bác sĩ thăm khám, dự đoán Gạo bị xuất huyết giảm tiểu cầu và cho chỉ định xét nghiệm máu. Mẹ hồi hộp chờ kết quả, rất nhanh sau bác sĩ cho mẹ biết kết quả xét nghiệm tiểu cầu của Gạo còn có 4 tế bào thôi. (Mức bình thường là 150.000 – 400.000 tế bào tiểu cầu/mm3). Gạo được nhập viện, do lượng tiểu cầu quá thấp nên bác sĩ cần kiểm tra ngoài xuất huyết dưới da ra Gạo còn bị xuất huyết ở nơi nào khác nữa không, từ đó chọn phác đồ điều trị cho phù hợp. Bác sĩ dặn rất kĩ việc giữ Gạo, tránh con bị té, va chạm sẽ gây xuất huyết nhiều lên, nhất là những vị trí nguy hiểm như não

Gạo được nhanh chóng điều trị phác đồ xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, bệnh này thường gặp ở trẻ từ 2 -5 tuổi, thường khởi phát sau một đợt nhiễm siêu vi, khoảng 90% đáp ứng và lui bệnh trong vòng 3- 6 tháng, khoảng 10% kéo dài hơn 6 tháng. Gạo được xét nghiệm kiểm tra lại tiểu cầu cũng như bác sĩ thăm khám theo dõi xuất huyết mới. Kết quả sau 2 ngày dùng thuốc, tiểu cầu của Gạo tăng lên được 29.000/mm3. Sau 5 ngày thì tiểu cầu tăng lên 90.000/mm3. Mẹ con quá vui mừng.

Gạo được xuất viện và tái khám, tiểu cầu của con đã tăng lên trong giới hạn bình thường. Con vẫn tiếp tục tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Ba mẹ và bác sĩ đều vui mừng với kết quả trên và nhất là nhìn Gạo được tung tăng chạy nhảy, vui đùa, cười toe tét là ba mẹ và bác sĩ nhìn nhau cười hạnh phúc.

Bài viết được kể lại dựa trên câu chuyện thực tế của bé điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu tại Nhi khoa Phương Châu.

Mời gia đình xem thêm thông tin về bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu trong bài viết bên dưới.

Xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?

Xuất huyết giảm tiểu cầu ở bé là một rối loạn chảy máu do thiếu tiểu cầu trong máu. Tiểu cầu là những tế bào máu có vai trò quan trọng trong việc giúp máu đông lại. Khi số lượng tiểu cầu thấp, bé có thể dễ bị xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu nướu, chảy máu kinh nhiều, hoặc xuất huyết nội tạng..

Nguyên nhân gây xuất huyết giảm tiểu cầu:

  • Miễn dịch: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ em. Hệ thống miễn dịch của bé tấn công và phá hủy nhầm các tiểu cầu.
  • Nhiễm trùng: Một số loại vi khuẩn và virus có thể gây giảm tiểu cầu.
  • Thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như penicillin và heparin, có thể gây giảm tiểu cầu ở một số bé.
  • Bệnh lý di truyền: Một số bệnh lý di truyền hiếm gặp có thể ảnh hưởng đến sản xuất tiểu cầu.
  • Ung thư máu: Ung thư máu có thể ảnh hưởng đến sản xuất tiểu cầu.

Triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu:

  • Bầm tím dễ dàng
  • Chảy máu cam thường xuyên hoặc kéo dài
  • Chảy máu nướu khi đánh răng hoặc chải răng
  • Chảy máu kinh nhiều
  • Xuất huyết dưới da (như những đốm đỏ nhỏ trên da)
  • Chảy máu trong (như chảy máu não hoặc nội tạng)

Chẩn đoán: Bác sĩ sẽ chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu dựa trên tiền sử bệnh, khám lâm sàng và xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ đo số lượng tiểu cầu của bé.

Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

  • Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch: Hầu hết các trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch ở trẻ em sẽ tự khỏi trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Trong một số trường hợp, bé có thể cần dùng thuốc steroid hoặc các loại thuốc khác để tăng số lượng tiểu cầu.
  • Nhiễm trùng: Điều trị nhiễm trùng sẽ giúp tăng số lượng tiểu cầu.
  • Thuốc: Nếu thuốc gây ra giảm tiểu cầu, bác sĩ sẽ ngừng hoặc thay thế thuốc.
  • Bệnh lý di truyền: Không có cách chữa khỏi bệnh lý di truyền, nhưng có thể điều trị để kiểm soát số lượng tiểu cầu.
  • Ung thư máu: Điều trị ung thư máu sẽ giúp tăng số lượng tiểu cầu.

Hiện nay không có cách nào để ngăn ngừa xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giúp bé giảm nguy cơ chảy máu bằng cách:

  • Tránh cho bé chơi các môn thể thao có va chạm mạnh.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn một cách cẩn thận.
  • Tránh cho bé dùng aspirin.
  • Đảm bảo bé tiêm chủng đầy đủ.

Nếu bé có những dấu hiệu sau đây, ba mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ:

  • Bầm tím dễ dàng
  • Chảy máu cam thường xuyên hoặc kéo dài
  • Chảy máu nướu khi đánh răng hoặc chải răng
  • Chảy máu kinh nhiều
  • Xuất huyết dưới da
  • Chảy máu trong

Liên hệ đặt lịch khám và điều trị:

* BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

* Địa chỉ: Số 300, Nguyễn Văn Cừ (nối dài), P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

* Tổng đài BVQT Phương Châu: 1900 54 54 66

* Quý khách hàng vui lòng đặt lịch tại đây hoặc gọi hotline đặt lịch: 0907 939 346