Thiếu máu, thiết sắt trong thai kỳ: Hiểu rõ để bảo vệ mẹ và bé

21/03/2025
Nội dung chính xem nhanh

Cố vấn chuyên môn:

BS. Phan Thị Thanh Hằng, BS Sản phụ khoa, BVQT Phương Châu

1. Khi nào các mẹ bầu được chẩn đoán là thiếu máu?

Phụ nữ có thai được coi là thiếu máu khi hàm lượng Hemoglobin (Hb) trong máu thấp <11g/dl.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây thiếu máu nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai là thiếu máu thiếu sắt. Đây là tình trạng cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết để tạo Hemoglobin – một protein quan trọng của hồng cầu.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khoảng 36,8% phụ nữ Việt Nam bị thiếu máu khi mang thai, trong đó 75% trường hợp thiếu máu do thiếu sắt. Hơn 90% trường hợp thiếu máu khi mang thai phát triển trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ).

Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng không tốt đến thai phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho trẻ sau này. Chính vì vậy việc duy trì hemoglobin trong giới hạn bình thường là rất quan trọng.

2. Nguyên nhân của thiếu máu thiếu sắt

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ có thai:

- Chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Nhu cầu sắt của phụ nữ có thai cao hơn để cung cấp cho thai

- Ăn uống đầy đủ nhưng cơ thể không hấp thu được (do bệnh lý đường tiêu hoá, bệnh lý nội tiết)

- Khoảng cách giữa 2 lần mang thai liên tiếp gần nhau.

- Mang thai nhiều hơn 1 thai.

- Nôn quá nhiều, thường do bị nghén buổi sáng.

- Không bổ sung đủ lượng sắt cần thiết trong quá trình mang thai.

- Trước khi mang thai có cường kinh (tình trạng ra nhiều máu hơn bình thường trong chu kỳ kinh nguyệt).

- Có tiền sử thiếu máu trước khi mang thai.

3. Dấu hiệu thiếu sắt ở bà bầu

Các triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai gồm có:

- Mệt mỏi, yếu người.

- Kém tập trung, giảm chú ý, giảm khả năng làm việc.

- Chóng mặt hoặc choáng váng.

- Đau đầu.

- Da nhợt nhạt hoặc vàng.

- Hụt hơi.

- Dễ rụng tóc.

Trường hợp thiếu máu trầm trọng có thể xuất hiện các triệu chứng như:

- Nhịp tim nhanh.

- Huyết áp thấp.

- Khó tập trung.

4. Thiếu máu trong thai kỳ sẽ gây nên những ảnh hưởng gì?

Đối với mẹ: dễ sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản. Trong đó, băng huyết sau sinh cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người mẹ.

Đối với con: nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, dễ mắc bệnh sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu. Con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm của thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác. Trẻ sơ sinh bị thiếu máu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não. Nguyên do bởi sự thiếu hụt sắt từ sớm sẽ tác động tiêu cực đến các tế bào oligodendrocyte, làm thay đổi quá trình myelin hóa, từ đó gây ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh.

Vì vậy, các bác sĩ đã coi thiếu máu, thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa.

5. Chế độ dinh dưỡng để giảm nguy cơ thiếu máu thiếu sắt      

Để đảm bảo sức khỏe thai kỳ và nhu cầu phát triển của thai nhi, WHO khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên bổ sung 30 – 60 mg sắt nguyên tố cho cơ thể mỗi ngày. Không chỉ giai đoạn mang thai, người mẹ nên bổ sung sắt liên tục cho đến sau khi sinh 3 tháng để tránh thiếu máu cũng như tăng tốc độ hồi phục của cơ thể. Sắt có nhiều trong các loại thực phẩm sau đây:

- Bổ sung các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng; rau có màu xanh đậm, hạt ngũ cốc

- Hạn chế sử dụng đồ uống có chất kích thích: trà, cà phê

- Tăng cường ăn hoa quả, trái cây chứa nhiều vitamin C sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn.

- Cần thực hiện uống viên sắt và acid folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn quốc gia về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Bổ sung Sắt-acid folic/ viên đa vi chất:

Liều dùng như sau:

- Mỗi ngày uống 1 viên trong suốt thời gian có thai đến sau đẻ 1 tháng. Mỗi viên gồm 60mg sắt và 400mcg acid folic.

- Nếu phụ nữ mang thai có thiếu máu: cần uống theo chỉ định của bác sĩ.

6. Những lưu ý mẹ có thai cần nhớ khi bổ sung sắt

Việc bổ sung sắt cho mẹ bầu là điều cần thiết cho mẹ và thai nhi trong bụng. Vì vậy làm sao để bổ sung sắt một cách tốt nhất, giúp mẹ hấp thu sắt hiệu quả. Dưới đây là một số lưu ý về việc bổ sung sắt trong thai kỳ:

- Sắt là chất dinh dưỡng khó hấp thu vì vậy mẹ bầu nên uống sắt khi đói bụng và uống kèm một số loại nước uống giàu vitamin C như nước chanh hoặc nước cam. Sắt cũng được khuyến nghị uống sau ăn 1-2 giờ để có thể hấp thụ tốt nhất.

- Không nên sử dụng sắt cùng thời điểm với sữa hoặc các chế phẩm từ sữa, các thuốc bổ sung canxi hay các thực phẩm chứa nhiều canxi. Canxi sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sắt vì vậy thời điểm bổ sung sắt cần tránh không kết hợp chung với các thực phẩm hay sản phẩm chứa nhiều canxi.

- Việc bổ sung sắt có thể có một số tác dụng phụ như gây nóng trong người hoặc táo bón, vì vậy khi sử dụng viên bổ sung sắt, mẹ cần uống nhiều nước, ăn thêm các thực phẩm giàu chất xơ để phòng táo bón. Bên cạnh đó nên uống sắt với nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng, tránh uống chung sắt với nước trà, cà phê vì các loại đồ uống này có thể làm giảm hấp thu sắt.

Quý khách hàng có thể đặt lịch hẹn khám TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 để được hỗ trợ thông tin.