Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS. CKI. Nguyễn Đức Vinh – Bác sĩ khám và điều trị khoa Nhi, BVQT Phương Châu
Sốt ở trẻ em cần đi cấp cứu là những cơn sốt kèm theo các dấu hiệu nghiêm trọng. Tuy sốt chỉ là phản ứng tự nhiên của cơ thể trẻ để chống lại các tác nhân gây bệnh, nhưng nếu không được xử lý đúng cách, sốt có thể dẫn đến những biến chứng. Vậy khi nào cần đưa trẻ đi cấp cứu và cách xử trí tại nhà khi thấy trẻ sốt như thế nào? Kính mời ba mẹ tìm hiểu thêm thông qua bài viết dưới đây.
1. Sốt ở trẻ em là gì? Nguyên nhân do đâu?
Sốt là tình trạng thân nhiệt của trẻ tăng trên mức bình thường (từ 37,5°C trở lên). Đây là phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus hoặc tác nhân môi trường.
Nguyên nhân gây sốt ở trẻ thường gặp:
- Nhiễm trùng: Do virus hoặc vi khuẩn gây ra các bệnh như viêm họng, viêm phổi, cúm, hoặc sốt xuất huyết.
- Tiêm chủng: Trẻ có thể sốt nhẹ sau khi tiêm vaccine.
- Nhiễm ký sinh trùng: Như bệnh sốt rét, giun sán.
- Sốt không rõ nguyên nhân: Có thể do các bệnh lý mãn tính hoặc miễn dịch.
2. Những dấu hiệu cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay
Không phải mọi cơn sốt đều nguy hiểm, nhưng khi xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện NGAY LẬP TỨC:
- Sốt kèm bỏ bú hoặc không chịu ăn uống: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bỏ bú hoặc từ chối ăn uống có thể đang rất mệt mỏi hoặc mắc bệnh nghiêm trọng.
- Sốt liên tục không hạ (trên 39 độ) và lừ đừ, mệt mỏi: Nếu trẻ sốt kéo dài trên 39°C mà không hạ sau khi dùng thuốc hoặc có biểu hiện lừ đừ, ngủ li bì, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay.
- Sốt kèm nôn ói liên tục: Trẻ nôn ói nhiều lần trong ngày, đặc biệt kèm theo mất nước (da khô, mắt trũng, tiểu ít) là dấu hiệu nguy hiểm cần cấp cứu.
- Co giật do sốt cao: Tình trạng co giật có thể gây tổn thương não nếu không được xử lý kịp thời.
- Dấu hiệu tím tái, khó thở: Trẻ bị khó thở, thở rút lõm lồng ngực, hoặc môi tím tái là dấu hiệu nguy hiểm báo hiệu tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng.
3. Cách phòng tránh sốt ở trẻ & hướng dẫn xử trí tại nhà
3.1. Cách phòng tránh sốt ở trẻ (là phòng bệnh cho trẻ):
- Tiêm chủng đầy đủ: Đưa trẻ tiêm các vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ: Vệ sinh tay trước khi chăm sóc trẻ và dạy trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, giữ ấm khi chuyển mùa
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng: Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, D, và kẽm.
- Tránh lây nhiễm: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh truyền nhiễm.
3.2 Hướng dẫn xử trí sốt nhẹ tại nhà:
Hạ sốt đúng cách:
- Sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, mỗi 4-6 giờ nếu bé có cử sốt.
- Lau mát cho trẻ bằng nước ấm ở trán, nách, bẹn.
- Cho trẻ uống đủ nước: Cung cấp nước, sữa, hoặc dung dịch điện giải nếu trẻ có dấu hiệu mất nước.
- Theo dõi nhiệt độ thường xuyên: Đo nhiệt độ mỗi 4-6 giờ để kiểm tra diễn biến của sốt.
❗Lưu ý quan trọng:
- Các hướng dẫn trên chỉ áp dụng khi trẻ bị sốt nhẹ và chưa có dấu hiệu nghiêm trọng.
- Nếu trẻ đã có các dấu hiệu cần cấp cứu như tím tái, thở rút lõm hoặc khó thở, ba mẹ không nên chần chừ mà cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Để tình trạng nặng hơn có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
4. Khi nào cần liên hệ bác sĩ?
Khi con có những dấu hiệu nguy hiểm như trên, ba mẹ cần nhanh đưa con đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để thăm khám kịp thời, tránh để quá lâu dẫn đến bệnh tình tiến triển nặng hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị cũng như chất lượng cuộc sống của con.
Sốt ở trẻ là tình trạng phổ biến nhưng không nên xem nhẹ, đặc biệt khi xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm. Hãy luôn theo dõi sát sao và đưa trẻ đi khám khi cần thiết để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho con. BVQT Phương Châu tự hào là nơi đồng hành cùng ba mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe cho con yêu với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại luôn sẵn sàng hỗ trợ kịp thời.
Ba mẹ đặt lịch hẹn khám qua Hotline đặt lịch khám 0907 939 346 hoặc link đăng kí: 👉 https://bit.ly/PCDatlichkham
☎️ Tổng đài Phương Châu: 1900 54 54 66 (Hỗ trợ 24/7) sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.