Mỡ máu cao đang là vấn đề sức khỏe được quan tâm trong xã hội hiện đại. Không chỉ ảnh hưởng đến tim mạch, bệnh còn liên quan đến gan, tiểu đường và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Việc hiểu rõ bản chất, dấu hiệu và cách phòng tránh sẽ là chìa khóa giúp bạn để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Mời bạn tìm hiểu thêm trong bài viết sau đây của BS. CKI. Lâm Thị Hồng Diễm, Trung tâm Nội tiết, BVQT Phương Châu.

Mỡ màu cao có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị sớm
Mỡ máu cao là gì?
Mỡ máu cao (rối loạn lipid máu) là tình trạng các chỉ số mỡ trong máu tăng bất thường. Các chỉ số này bao gồm: Cholesterol toàn phần, LDL-Cholesterol (mỡ xấu), Triglyceride và HDL-Cholesterol (mỡ tốt). Ở người bình thường, mỡ máu có vai trò thiết yếu:
- Cholesterol giúp tạo màng tế bào.
- Triglyceride cung cấp năng lượng cho cơ thể.
- HDL (mỡ tốt) vận chuyển cholesterol dư thừa từ cơ quan về gan.
- LDL (mỡ xấu) mang cholesterol từ gan đến tế bào. Khi dư thừa sẽ gây xơ vữa động mạch.
Khi các chỉ số này vượt quá giới hạn cho phép, cơ thể bắt đầu gặp rối loạn chuyển hóa và hình thành các mảng xơ vữa mạch máu. Đây chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt bệnh lý nguy hiểm.
Các ngưỡng chỉ số đánh giá
- Cholesterol toàn phần > 240 mg/dL.
- LDL – Cholesterol (mỡ xấu) > 160 mg/dL.
- HDL – Cholesterol (mỡ tốt) < 40 mg/dL (nam), < 50 mg/dL (nữ).
- Triglyceride > 200 – 499 mg/dL.
Mỡ máu cao có nguy hiểm không?
Câu trả lời là có. Mỡ máu cao thường diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, bệnh có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng nghiêm trọng dưới đây:
Gây ra bệnh tim mạch
Mỡ máu cao khiến cholesterol và triglyceride tích tụ trên thành mạch máu. Điều này làm hẹp lòng mạch, cản trở tuần hoàn máu. Nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ tăng cao, có thể dẫn đến tử vong.
Tăng nguy cơ mắc tiểu đường
Triglyceride cao làm giảm hoạt động của hormone insulin. Khi insulin mất tác dụng điều hòa đường huyết, nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 sẽ tăng lên. Người bị mỡ máu cao cần đặc biệt cảnh giác với tình trạng này.
Gây gan nhiễm mỡ và các bệnh gan nguy hiểm
Bình thường, gan xử lý lượng mỡ trong máu trong vòng 12 giờ. Khi bị nhiễm mỡ, lượng mỡ tồn đọng quá nhiều gây ra gan nhiễm mỡ. Nếu kéo dài, gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Dẫn đến viêm tụy cấp
Triglyceride > 11,3 mmol/L có thể gây tổn thương tuyến tụy. Người bị viêm tụy sẽ gặp các triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn, sốt, thở nhanh. Đây là biến chứng cấp tính cần được cấp cứu kịp thời.
Suy giảm trí nhớ, tăng nguy cơ Alzheimer do mỡ máu cao
Mỡ máu cao làm cản trở máu lên não, gây thiếu oxy và dưỡng chất nuôi não. Điều này tạo điều kiện cho protein amyloid phát triển – yếu tố liên quan đến bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.
Ảnh hưởng chức năng sinh lý
Ở nam giới, mỡ máu cao có thể gây rối loạn cương dương. Ở nữ giới, tình trạng này gây giảm ham muốn tình dục. Đây là hệ quả của việc giảm lưu lượng máu đến các cơ quan sinh dục do mảng xơ vữa gây ra.
Nguyên nhân gây mỡ máu cao
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến mỡ máu cao gồm:
- Ăn nhiều chất béo bão hòa, đặc biệt từ thịt đỏ, thực phẩm chiên rán.
- Thừa cân, béo phì làm tăng sản xuất lipid trong gan.
- Ít vận động khiến mỡ không được chuyển hóa hết.
- Sử dụng rượu bia, thuốc lá làm rối loạn chuyển hóa mỡ.
- Di truyền hoặc các bệnh lý chuyển hóa nền như tiểu đường.
Làm sao để phòng ngừa mỡ máu cao?
Phòng ngừa mỡ máu cao không khó nếu thực hiện đúng cách và duy trì đều đặn lối sống lành mạnh:
Duy trì cân nặng hợp lý
Giảm cân giúp giảm đáng kể các chỉ số lipid trong máu. Chỉ cần giảm 5–10% trọng lượng cơ thể đã có tác động tích cực đến mỡ máu.
Ăn uống lành mạnh
- Giảm chất béo bão hòa từ mỡ động vật, thịt đỏ, đồ chiên.
- Tăng cường chất béo tốt như omega-3 từ cá, dầu hạt.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm nguyên cám để bổ sung chất xơ.
Hạn chế rượu bia, thuốc lá
Chất cồn và nicotine làm tăng LDL và giảm HDL. Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Tập luyện thường xuyên
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện chuyển hóa lipid. Đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe là những lựa chọn phù hợp.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Xét nghiệm mỡ máu nên được thực hiện mỗi 6 – 12 tháng, đặc biệt ở người trên 40 tuổi hoặc có nguy cơ cao.
Mỡ máu cao có chữa khỏi được không?
Mỡ máu cao không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát tốt. Việc điều trị kết hợp giữa chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc theo hướng dẫn bác sĩ sẽ giúp đưa chỉ số mỡ về mức an toàn. Không nên tự ý dùng thuốc hạ mỡ máu. Một số thuốc có thể gây tác dụng phụ trên gan, cơ và các cơ quan khác nếu không được theo dõi chặt chẽ.
Chủ động phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe
Mỡ máu cao là kẻ thù thầm lặng của sức khỏe tim mạch và toàn thân. Không nên chủ quan dù không có triệu chứng rõ ràng. Càng phát hiện sớm, cơ hội kiểm soát và phòng ngừa biến chứng càng cao. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản: ăn uống điều độ, vận động đều đặn và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đó là cách tốt nhất để giữ trái tim khỏe mạnh, sống an nhiên mỗi ngày. Nếu bạn cần kiểm tra mỡ máu hoặc đang có các dấu hiệu nghi ngờ, hãy đến Trung tâm Nội tiết Phương Châu để được tư vấn và xét nghiệm sớm nhất.
Quý khách hàng có thể đặt lịch hẹn khám TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 để được hỗ trợ tư vấn.