Đái tháo đường (hay còn gọi là bệnh tiểu đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể. Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để dự phòng những biến chứng nguy hiểm cho các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Hiện nay, đái tháo đường vẫn là một bệnh mãn tính có tỷ lệ mắc cao và đang có xu hướng dần trẻ hóa. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức tổng quan nhất giúp bạn có thể kiểm soát, điều trị và để phòng bệnh đái tháo đường hiệu quả.
Bài viết được cố vấn nội dung bởi ThS. BS. CKII. Hứa Thành Nhân, Trưởng Trung Tâm Nội Tiết, Bệnh Viện Quốc tế Phương Châu.

Để có thể điều trị và phòng bệnh đái tháo đường hiệu quả cần chú ý những gì?
Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa. Bệnh có đặc điểm tăng glucose máu do hậu quả của tình trạng thiếu hụt insulin tuyệt đối hoặc tương đối. Tăng glucose máu mạn tính gây nên những rối loạn chuyển hóa đường, đạm, mỡ, gây tổn hại nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Làm sao để biết bạn có đang mắc bệnh ĐTĐ hay không?
Theo Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA) 2024, tiêu chuẩn đoán bệnh ĐTĐ gồm 1 trong các tiêu chí sau (trừ ĐTĐ thai kỳ):
- Đường huyết tương đói (sau 8 giờ không ăn) ≥ 126mg% hoặc
- Đường huyết tương 2 giờ sau khi uống 75g glucose ≥ 200mg% hoặc
- HbA1c ≥ 6,5% (phải được thực hiện phòng xét nghiêm được chuần hóa theo tiêu chuẩn quốc tế) hoặc
- Một mẫu đường huyết tương bất kỳ ≥ 200mg% kèm các triệu chứng của tăng đường huyết.
Lặp lại xét nghiệm lần 2 nếu không có triệu chứng của tăng đường huyết.
Phân loại bệnh đái tháo đường
Bệnh ĐTĐ có các thể bệnh sau:
Đái tháo đường type 1
Trong thể bệnh này, tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy dẫn đến không thể tự sản xuất insulin. Cơ thể thiếu insulin dẫn đến không thể kiểm soát được lượng đường trong máu dẫn đến bệnh ĐTĐ. Phần lớn ĐTĐ type 1 thường gặp ở người trẻ tuổi.
Đái tháo đường type 2
Trong thể bệnh này, tuyến tụy vẫn tiết ra insulin nhưng lại suy giảm hoặc cơ thể không phản ứng với insulin (kháng insulin) dẫn đến lượng đường trong máu không được kiểm soát.
Đái tháo đường thai kỳ
Khi mang thai cơ thể người phụ nữ tiết nhiều hormone kháng insulin như estrogen, progesterone. Khi sự đề kháng quá mức dẫn đến cơ thể không tiết ra đủ insulin để điều hòa lượng đường trong máu. Tình trạng này có thể hết sau khi sản phụ sinh con nhưng cũng có một số trường hợp sẽ tiến triển thành ĐTĐ type 2.
Các type ĐTĐ không đặc hiệu khác
- Đái tháo đường do khiếm khuyết trên nhiễm sắc thể thường.
- Di truyền theo gen trội hay gen lặn tại tế bào beta.
- Đái tháo đường do tổn thương tuyến tụy, do thuốc hay hóa chất...
Nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường
- Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
- Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) mắc bệnh ĐTĐ.
- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
- Tăng huyết áp (HA ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị THA).
- HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9 mmol/L) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/L).
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
- Người it hoạt động thể lực.
- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen: Acanthosis nigricans).
- Phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm.
- Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên.
- Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1- 3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.
Mục tiêu điều trị bệnh đái tháo đường là gì?
Việc điều trị bệnh ĐTĐ hướng đến đạt được mục tiêu ổn định về chỉ số đường huyết. Cụ thể như trong bảng sau:
Thông số |
Mục tiêu |
Đường huyết đói |
70 – 130mg% |
Đường huyết sau ăn |
<180mg% |
HbA1c
|
<7% |
Hiện nay, đặc biệt là tại Trung Tâm Nội Tiết Phương Châu, việc điều trị đái tháo đường được cá thể hóa. Có nghĩa là không phải tất cả bệnh nhân ĐTĐ đều phải đạt được các chỉ số trên. Tùy thuộc vào tuổi, thời gian mắc bệnh, bệnh lý kèm theo... của mỗi người mà bác sĩ sẽ có một phác đồ điều trị với kết quả mục tiêu phù hợp.
Bệnh đái tháo đường đường điều trị như thế nào?
Để điều trị hiệu quả bệnh đái tháo đường không chỉ cần tuần thủ dùng thuốc là đủ mà cần có sự đóng góp nhiều chuyên ngành, chuyên khoa như: nội tiết, dinh dưỡng, mắt, thần kinh… Bao gồm phối hợp các phương pháp sau:
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp vận động thể lực:
- Cơ bản trong chế độ ăn của bệnh nhân ĐTĐ là hạn chế glucid (tinh bột). Đối với thức ăn có hàm lượng glucid < 5%, bệnh nhân ĐTĐ có thể ăn không hạn chế (đa số các loại rau xanh).
- Kiêng hay hạn chế tối đa các loại đường hấp thu nhanh (mứt, bánh ngọt, đường, nước ngọt). Nên ăn nhiều thức ăn có chất xơ.
- Thời gian vận động thể lực khoảng 150 phút/tuần, vận động thường xuyên, ít nhất 5 ngày/tuần. Mức độ vận động thể lực tùy theo sức khỏe của mỗi bệnh nhân.
- Chương trình huấn luyện bệnh nhân như theo dõi đường huyết tại nhà, tự kiểm tra chăm sóc bàn chân, nhận biết hạ đường huyết và xử trí ban đầu.
- Dùng thuốc hạ đường huyết hoặc insulin khi cần.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường
Biến chứng cấp
Biến chứng cấp của tăng đường huyết bao gồm:
Hôn mê do tăng đường huyết (Diabetic ketoacidosis - DKA)
- Thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 1.
- Đặc trưng bởi sự tăng đường huyết, tăng keton máu và nhiễm toan chuyển hóa.
- Triệu chứng: buồn nôn, nôn, đau bụng, thở nhanh, hơi thở có mùi acetone, rối loạn ý thức.
Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu (Hyperosmolar Hyperglycemic State - HHS)
- Thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.
- Đặc trưng bởi mức đường huyết rất cao, mất nước nghiêm trọng, nhưng không có hoặc rất ít keton.
- Triệu chứng: khát nước, tiểu nhiều, mệt mỏi, lơ mơ, co giật, có thể dẫn đến hôn mê.
Biến chứng mạn
Biến chứng mạn của đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Dưới đây là những biến chứng mạn tính phổ biến nhất:
Biến chứng về tim mạch
- Bệnh tim mạch vành: nguy cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim tăng lên.
- Đột quỵ: tăng nguy cơ đột quỵ do tổn thương mạch máu não.
- Bệnh động mạch ngoại biên: có thể dẫn đến hoại tử chi và tăng nguy cơ đoạn chi.
Bệnh thận đái tháo đường (bệnh thận mạn)
- Đường huyết cao kéo dài làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận, gây suy giảm chức năng thận.
- Có thể tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, cần lọc máu hoặc ghép thận.
Biến chứng mắt (bệnh võng mạc đái tháo đường)
- Có thể gây phù hoàng điểm, xuất huyết, bong võng mạc và cuối cùng dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
Bệnh thần kinh đái tháo đường
- Bệnh thần kinh ngoại biên: gây tê bì, đau rát, cảm giác châm chích hoặc mất cảm giác ở bàn chân và tay.
- Bệnh thần kinh tự chủ: ảnh hưởng đến các chức năng tự động như tiêu hóa, tiết niệu, và tim mạch.
Biến chứng bàn chân đái tháo đường
- Tổn thương mạch máu và thần kinh dẫn đến loét bàn chân, khó lành và nhiễm trùng.
- Tăng nguy cơ đoạn chi nếu không được điều trị thích hợp.
Biến chứng da và nhiễm trùng
- Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng da, nấm và các bệnh lý da khác.
- Hệ miễn dịch bị suy giảm làm tăng nguy cơ nhiễm trùng toàn thân.
Chủ động phòng ngừa bệnh đái tháo đường ngay hôm nay
Phòng ngừa đái tháo đường có thể thực hiện thông qua việc thay đổi lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
- Giảm tiêu thụ đường và thực phẩm chế biến: hạn chế ăn uống có đường, đồ ngọt và thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế.
- Tăng cường chất xơ: ăn nhiều rau, củ, quả, các loại ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt giúp cải thiện kiểm soát đường huyết.
- Kiểm soát khẩu phần ăn: giúp duy trì cân nặng hợp lý và ngăn ngừa tăng đường huyết.
Tăng cường hoạt động thể chất
- Tập thể dục đều đặn ít nhất 150 phút/tuần với các hoạt động vừa phải như đi bộ nhanh, bơi lội, hoặc đạp xe.
- Kết hợp các bài tập tăng cường sức mạnh ít nhất 2 lần/tuần để cải thiện cơ bắp và đốt cháy calo hiệu quả hơn.
Duy trì cân nặng hợp lý
Giảm cân nếu thừa cân có thể giúp giảm nguy cơ phát triển đái tháo đường.
Kiểm soát căng thẳng
Thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga, hoặc hít thở sâu để giúp cân bằng hormone và kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Ngủ đủ giấc
Đảm bảo ngủ đủ từ 7-8 giờ mỗi đêm. Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tránh các thói quen xấu
- Hạn chế hoặc ngừng hút thuốc lá.
- Hạn chế rượu bia.
Hy vọng qua bài viết trên, chúng ta đã có những kiến thức cơ bản nhất để sớm phát hiện, điều trị và phòng bệnh đái tháo đường hiệu quả cho bản thân và gia đình. Nếu bạn hoặc người thân có những dấu hiệu nghi ngờ có thể mắc bệnh đái tháo đường thì nên đến ngay Trung Tâm Nội Tiết Phương Châu để được bác sĩ khám và chẩn đoán nhé.
Trung tâm nội tiết BVQT Phương Châu tiếp nhận khám, điều trị bệnh đái tháo đường, chăm sóc bàn chân ĐTĐ và các bệnh lý nội tiết, chuyển hóa khác. Trung tâm có đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội tiết cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia còn lắng nghe và cá thể hóa điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân, kết hợp tâm lý liệu pháp và thay đổi lối sống để bệnh nhân an tâm phối hợp điều trị.
Quý khách hàng có thể đặt lịch khám bệnh TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 để được hỗ trợ thông tin.