Mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu thai kỳ để giảm nghén?

26/05/2025

3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn quan trọng, không chỉ đánh dấu sự phát triển ban đầu của thai nhi mà còn là thời điểm mẹ bầu dễ gặp phải các hiện tượng ốm nghén. Tình trạng buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi khiến nhiều mẹ lo lắng mình không cung cấp đủ dinh dưỡng cho con. Vậy mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu để giảm nghén mà vẫn đảm bảo sức khỏe? 

Bài viết được cố vấn nội dung bởi  BS. Phan Thị Thanh Hằng, BS Sản phụ khoa, BVQT Phương Châu

Mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu thai kỳ để giảm nghén?

ỐM NGHÉN THƯỜNG XẢY RA KHI NÀO? 

Ốm nghén thường xuất hiện từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể do sự thay đổi nội tiết tố. Dù không gây nguy hiểm nghiêm trọng, nhưng ốm nghén kéo dài và nặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

CÁC MẸO GIẢM NGHÉN HIỆU QUẢ CHO MẸ BẦU

- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: Thay vì ăn 3 bữa chính, mẹ nên ăn 5–6 bữa nhỏ để giảm cảm giác đầy bụng và buồn nôn, không nằm ngay sau khi ăn.

- Ăn nhẹ trước khi ngủ và sau khi thức dậy: Một chiếc bánh quy, lát bánh mì khô có thể giúp mẹ giảm cảm giác buồn nôn vào sáng sớm.

- Bổ sung dưỡng chất bằng nhiều cách: Ngoài việc nên ăn đa dạng các thực phẩm: rau xanh, quả tươi, thịt,… thì mẹ bầu 3 tháng cũng nên cân nhắc uống bổ sung các loại viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất. Đặc biệt là viên sắt sẽ rất tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.

- Uống đủ nước: Tránh uống nước trong khi ăn để không gây no bụng, nhưng nên bổ sung nước đều đặn trong ngày.

- Tránh thực phẩm có mùi mạnh hoặc chiên xào nhiều dầu mỡ: Vì như vậy có thể làm tình trạng nghén trở nên trầm trọng hơn.

TOP 10 THỰC PHẨM GIÚP GIẢM NGHÉN VÀ DINH DƯỠNG

Gừng

Gừng có tác dụng làm giảm sự khó chịu của dạ dày, giảm buồn nôn tự nhiên. Mẹ bầu có thể uống trà gừng, ăn kẹo gừng hoặc thêm một chút gừng tươi vào món ăn.

Chuối

Chuối chứa vitamin B6, kali và dễ tiêu hóa – rất tốt để bổ sung năng lượng và giảm cảm giác buồn nôn.

Sữa chua

Vừa giúp làm dịu dạ dày, vừa cung cấp lợi khuẩn tốt cho tiêu hóa.

Bánh quy mặn, bánh mì nướng

Thức ăn khô, ít mùi giúp mẹ dễ ăn hơn và làm dịu cảm giác buồn nôn.

Cam, chanh, bưởi

Các loại quả giàu vitamin C và có vị chua nhẹ thường kích thích vị giác, giảm cảm giác nghén hiệu quả

Ngũ cốc nguyên cám

Bổ sung chất xơ, vitamin nhóm B, đồng thời tốt cho hệ tiêu hóa và giảm mệt mỏi.

Khoai lang

Giàu beta-caroten, giúp hỗ trợ phát triển thai nhi và giảm cảm giác buồn nôn nhờ chứa tinh bột dễ tiêu hóa.

Trứng

Là nguồn cung cấp protein, choline và sắt – rất cần thiết trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Súp lỏng, cháo

Dễ tiêu hóa, bổ sung nước và năng lượng cho cơ thể mà không gây đầy bụng.

Các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt chia…)

Chứa nhiều omega-3, protein và chất xơ, giúp mẹ bầu no lâu và ổn định đường huyết.

MẸ BẦU NÊN TRÁNH CÁC LOẠI THỰC PHẨM NÀO? 

- Thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.

- Đồ ăn cay nóng hoặc có mùi nồng.

- Cà phê, nước ngọt có gas.

- Thực phẩm sống hoặc chưa được nấu chín kỹ.

 Nếu tình trạng nghén trở nên nghiêm trọng như nôn nhiều lần trong ngày, không thể ăn uống, sụt cân nhanh chóng, mẹ nên nhanh chóng đến bệnh viện để được các y bác sĩ chuyên khoa thăm khám, theo dõi chăm sóc và tư vấn dinh dưỡng thai.

 Chăm sóc từ sớm – Khởi đầu cho một thai kỳ khỏe mạnh