Thai kỳ là một hành trình kỳ diệu, nhưng cũng đầy nhạy cảm và đòi hỏi sự hiểu biết đúng đắn. Tuy nhiên, không ít mẹ bầu vẫn đang áp dụng những quan niệm truyền miệng chưa được kiểm chứng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Dưới đây là những lầm tưởng phổ biến và khuyến nghị từ bác sĩ sản khoa để giúp mẹ bầu chăm sóc thai kỳ một cách khoa học và an toàn.

1. Lầm tưởng: Phụ nữ mang thai không nên vận động để tránh sẩy thai hoặc động thai
Thực tế:
Phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể – và nên – vận động nhẹ nhàng, đều đặn, trừ những trường hợp có chỉ định nghỉ ngơi tuyệt đối từ bác sĩ như dọa sẩy thai, nhau tiền đạo trung tâm, hở eo tử cung, v.v.
Lợi ích của vận động trong thai kỳ:
- Cải thiện tuần hoàn máu, giảm phù nề và nguy cơ giãn tĩnh mạch.
- Hạn chế đau lưng, cải thiện tư thế.
- Giảm táo bón, hỗ trợ tiêu hóa.
- Giúp ngủ ngon, giảm stress, tăng cường sức khỏe tinh thần.
- Nâng cao thể lực cho quá trình sinh nở.
- Giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, trầm cảm.
- Thúc đẩy quá trình hồi phục sau sinh.
Các hoạt động phù hợp cho mẹ bầu:
- Đi bộ nhẹ nhàng 30–45 phút/ngày.
- Yoga bầu, bơi lội, thiền, bài tập Kegel.
- Tham gia lớp thể dục tiền sản có huấn luyện viên hoặc chuyên gia hướng dẫn.
- Nên uống đủ nước, ăn nhẹ trước khi vận động và mặc trang phục thoải mái.
Khi nào cần tránh vận động:
- Dọa sẩy thai, dọa sinh non, xuất huyết âm đạo.
- Vỡ ối sớm, nhau tiền đạo.
- Thai kỳ có biến chứng nặng (tiền sản giật, nhau bong non...).
- Có chỉ định từ bác sĩ yêu cầu nghỉ ngơi tuyệt đối.
2. Lầm tưởng: Quan hệ tình dục trong thai kỳ có thể gây hại cho thai nhi
- Thực tế:
Quan hệ tình dục trong thai kỳ là an toàn đối với hầu hết các trường hợp thai kỳ khỏe mạnh. Thai nhi được bảo vệ bởi nước ối, thành tử cung và nút nhầy cổ tử cung nên không bị ảnh hưởng bởi hoạt động tình dục thông thường.
- Nên tránh quan hệ nếu:
+ Có nguy cơ sinh non hoặc tiền sử sẩy thai liên tiếp.
+ Chảy máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân.
+ Nhau bám thấp, nhau tiền đạo.
+ Cổ tử cung hở, ngắn hoặc yếu (hở eo tử cung).
+ Vỡ ối hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng đường sinh dục.
- Khuyến nghị từ bác sĩ:
+ Trao đổi với bác sĩ nếu có tiền sử thai kỳ bất thường hoặc lo lắng về tình trạng hiện tại.
+ Lựa chọn tư thế quan hệ an toàn, tránh tạo áp lực lên vùng bụng.
+ Khuyến khích sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ viêm nhiễm.
+ Theo dõi các dấu hiệu bất thường sau quan hệ: đau bụng, ra máu, rỉ ối… và đi khám kịp thời.
3. Lầm tưởng: Sau sinh phải nhét bông gòn vào tai để tránh gió độc, tránh cảm lạnh
- Sự thật:
+ Cảm lạnh hay cảm cúm là do virus hoặc vi khuẩn gây ra, không phải do "gió lùa" qua tai. Tai không phải là đường chính gây cảm lạnh – virus thường xâm nhập qua mũi và miệng.
+ Việc nhét bông gòn vào tai có thể:
+ Tăng nguy cơ viêm ống tai ngoài do độ ẩm và vi khuẩn tích tụ.
+ Gây tổn thương da ống tai nếu thao tác không đúng.
+ Làm bít tắc tai, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Khuyến nghị từ bác sĩ:
+ Không cần nhét bông gòn vào tai sau sinh.
+ Nên giữ ấm toàn thân, nhất là vùng cổ, ngực, lòng bàn chân.
+ Tránh tắm nước lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột.
+ Ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý và giữ gìn vệ sinh cá nhân để nâng cao sức đề kháng.
4. Lầm tưởng: Siêu âm nhiều sẽ gây hại cho thai nhi
- Sự thật:
+ Siêu âm sử dụng sóng âm tần số cao – không phát ra tia bức xạ như chụp X-quang – và không gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi nếu thực hiện đúng kỹ thuật và đúng chỉ định.
+ Các tổ chức y tế lớn trên thế giới như WHO, ACOG, RCOG đều xác nhận tính an toàn của siêu âm thai kỳ khi thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn.
- Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý:
+ Không nên lạm dụng siêu âm chỉ để “xem mặt con”.
+ Siêu âm quá nhiều không giúp phát hiện thêm thông tin y khoa, đồng thời gây tốn kém, lo lắng không cần thiết.
- Khuyến nghị:
Thực hiện siêu âm đúng lịch, tại các mốc quan trọng:
+ Tuần 11–13: Đo độ mờ da gáy, sàng lọc dị tật sớm
+ Tuần 18–22: Siêu âm hình thái, đánh giá các cơ quan.
+ Tuần 28–32: Theo dõi phát triển thai, nước ối, bánh nhau.
+ Tuần 36–40: Kiểm tra ngôi thai, chuẩn bị sinh.
5. Lầm tưởng: Xoa bụng thường xuyên giúp bé khỏe, tăng kết nối mẹ con
- Sự thật:
Việc xoa bụng nhẹ nhàng, đúng cách, thực hiện không thường xuyên có thể giúp tăng kết nối cảm xúc với thai nhi. Tuy nhiên, nếu xoa bụng quá nhiều, nhất là từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi, có thể kích thích tử cung co bóp, làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm.
- Khuyến nghị:
+ Tránh xoa bụng liên tục trong ngày, đặc biệt khi có dấu hiệu gò cứng bụng, ra huyết âm đạo, đau bụng dưới.
+ Chỉ nên xoa bụng nhẹ nhàng khi cảm nhận thai máy hoặc như một hình thức giao tiếp với bé.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để được theo dõi và tư vấn.
Hiểu đúng, hành động đúng là chìa khóa giúp mẹ bầu trải qua thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Để tránh những sai lầm đáng tiếc, mẹ nên nghe theo các chỉ định của bác sĩ và khám thai đúng mốc mẹ nhé!!