Bệnh cường giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

15/07/2025
Nội dung chính xem nhanh

Bệnh cường giáp không chỉ khiến bạn sụt cân nhanh chóng, tim đập dồn dập, mồ hôi vã ra liên tục mà còn âm thầm đe dọa sức khỏe tim mạch, mắt và khả năng sinh sản. Đây là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, làm rối loạn chuyển hóa và ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan trong cơ thể. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu và nắm rõ cách điều trị bệnh cường giáp sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe, tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra bất ngờ.

Bài viết được cố vấn nội dung chuyên môn bởi BS. CKII. Nguyễn Thiên Trang, Trưởng Khoa Nội, BVQT Phương Châu.

Bệnh cường giáp cần phải được phát hiện và điều trị sớm

Bệnh cường giáp là gì?

Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, tiết ra quá nhiều hormone tuyến giáp (chủ yếu là T3 và T4). Tuyến giáp nằm phía trước cổ, đóng vai trò quan trọng trong điều tiết quá trình trao đổi chất, điều hòa thân nhiệt, kiểm soát nhịp tim và hỗ trợ nhiều hoạt động khác của cơ thể như hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và sinh sản.

Khi bị bệnh cường giáp, cơ thể sẽ tăng cường chuyển hóa, dẫn đến nhiều biến đổi bất thường về sức khỏe và thể trạng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trên tim mạch và trong thai kỳ.

Nguyên nhân gây bệnh cường giáp

Khoảng 80-90% người mắc bệnh cường giáp là do bệnh Basedow (Graves), một bệnh tự miễn mà hệ miễn dịch tấn công ngược lại tuyến giáp, kích thích tuyến giáp hoạt động quá mức.
Ngoài ra, bệnh cường giáp còn có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác như:

  • Viêm tuyến giáp (thyroiditis).
  • Bướu giáp đa nhân.
  • U độc tuyến giáp.
  • Sử dụng quá nhiều thuốc chứa hormone tuyến giáp.
  • Chế độ ăn quá nhiều i-ốt hoặc sử dụng i-ốt phóng xạ không kiểm soát.
  • Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân rõ ràng.

Biểu hiện của bệnh cường giáp

Triệu chứng của bệnh cường giáp rất đa dạng và dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Các dấu hiệu thường gặp gồm:

  • Sụt cân nhanh chóng, thậm chí có thể giảm 10kg chỉ trong thời gian ngắn.
  • Cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, run tay.
  • Lo lắng, bồn chồn, khó ngủ, dễ cáu gắt.
  • Luôn cảm thấy nóng, đổ mồ hôi nhiều.
  • Rối loạn thị giác: mắt mờ, nhạy sáng, thậm chí lồi mắt (thường gặp ở bệnh Basedow).
  • Khó thở, thở gấp.
  • Phì đại tuyến giáp (bướu cổ).
  • Giảm ham muốn, rối loạn kinh nguyệt, giảm chất lượng tình dục.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân chỉ nhận thấy bướu cổ mà không có triệu chứng rầm rộ. Điều này khiến nhiều người chủ quan, dễ bỏ qua giai đoạn phát hiện sớm.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh cường giáp

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh cường giáp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề:

  • Bệnh mắt tuyến giáp: Gây sưng mắt, đau, chói sáng, song thị hoặc mất thị lực.
  • Rối loạn nhịp tim: Tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ, hình thành cục máu đông.
  • Cơn bão giáp: Tình trạng cấp cứu nguy hiểm, đe dọa tính mạng.
  • Biến chứng thai kỳ: Huyết áp cao, sinh non, sẩy thai, thai nhẹ cân.

Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách giúp phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng và duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Chẩn đoán bệnh cường giáp

Để chẩn đoán bệnh cường giáp, bác sĩ sẽ dựa trên:

- Khai thác bệnh sử, triệu chứng lâm sàng.

- Siêu âm hoặc xạ hình tuyến giáp để đánh giá cấu trúc, mức độ hoạt động.

- Xét nghiệm máu:

  • TSH (hormone kích thích tuyến giáp) thường giảm.
  • T3, T4 (hormone tuyến giáp) thường tăng cao.
  • Kháng thể TPO, TRAb giúp xác định nguyên nhân tự miễn (Basedow).

Điều trị bệnh cường giáp

Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc kháng giáp (methimazole, propylthiouracil): Làm giảm sản xuất hormone, kiểm soát hoạt động tuyến giáp.
  • Thuốc chẹn beta: Giảm các triệu chứng tim đập nhanh, run, lo lắng.
  • Liệu pháp i-ốt phóng xạ

Được sử dụng rộng rãi, i-ốt phóng xạ giúp phá hủy các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức, từ đó giảm tiết hormone. Phương pháp này không được áp dụng cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh.

Phẫu thuật tuyến giáp

Phẫu thuật cắt toàn bộ hoặc phần lớn tuyến giáp giúp điều trị triệt để. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải sử dụng thuốc hormone tuyến giáp suốt đời để duy trì nồng độ hormone bình thường.

Phòng ngừa và theo dõi

Đối với bệnh cường giáp, không có biện pháp phòng ngừa hoàn toàn, nhưng việc khám sức khỏe định kỳ, theo dõi chức năng tuyến giáp sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai cần tầm soát kỹ càng để tránh biến chứng cho mẹ và bé.

Khám và tầm soát sức khỏe tuyến giáp tại Đa khoa Phương Châu

Bệnh cường giáp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc thăm khám sớm, chẩn đoán chính xác và tuân thủ điều trị sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn đang có các triệu chứng nghi ngờ, bạn có thể đến ngay Trung tâm Nội tiết Phương Châu để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Trong tháng 7 này, nếu bạn đến khám tuyến giáp tại Đa khoa Phương Châu với Bảo hiểm y tế sẽ nhận được ưu đãi trải nghiệm DỊCH VỤ CHUẨN QUỐC TẾ – QUYỀN LỢI BẢO HIỂM Y TẾ:

  • Giảm 50% chi phí khám cho khách hàng có BHYT tất cả các đầu thẻ lần đầu trải nghiệm dịch vụ tại Đa khoa Phương Châu.
  • Miễn 50% phí khám chuyên khoa thứ 2 trong cùng lượt khám.
  • Miễn 100% phí tái khám nếu có lịch hẹn tái khám từ bác sĩ.

Dù bạn đăng ký BHYT ở đâu, bạn vẫn có thể khám tại Phương Châu và tận hưởng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế một cách minh bạch, nhanh chóng và đúng quyền lợi.

Quý khách hàng có thể đặt lịch hẹn khám TẠI ĐÂY. Hoặc gọi đến số 1900 545466 để được hỗ trợ tư vấn.