Adenomyosis hay còn được gọi là bệnh cơ tuyến tử cung hay lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể gây ra tình trạng như sau: đau bụng kinh nhiều hay đau dữ dội, kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài, đôi khi ra máu cục, có thể gây ra đau, trằn nặng vùng chậu. Bài viết dưới đây sẽ giúp các chị em biết được các thông tin về biến chứng, cách chẩn đoán bệnh và phương pháp điều trị adenomyosis dựa trên lời khuyên của bác sĩ chuyên môn.
Bài viết được cố vấn bởi BS. CKII. Nguyễn Duy Linh – Giám đốc Chuyên môn TĐYT Phương Châu
1. Adenomyosis gây ra những biến chứng hoặc hậu quả gì?
Nếu không điều trị, các triệu chứng của Adenomyosis có xu hướng trở nên tồi tệ và nặng dần hơn theo thời gian. Máu kinh ra nhiều hay kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu. Thiếu máu có thể khiến cho chị em cảm thấy mệt mỏi, uể oải, da niêm nhợt nhạt, xanh xao hoặc thường hay cảm thấy lạnh trong người.
Adenomyosis có thể gây ra tình trạng thống kinh dữ dội, mức độ ngày càng tăng hơn dẫn đến việc chị em cảm giác rất sợ và ám ảnh khi gần đến ngày hành kinh, đặc biệt là trong những ngày hành kinh. Chính vì vậy, lâu dần chất lượng cuộc sống của người phụ nữ cũng sẽ ngày một giảm đi rất nhiều.
Adenomyosis lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng hiếm muộn, chậm có con.
Hình ảnh về vùng cơ tử cung bị ảnh hưởng bỡi lạc nội mạc, trở nên xơ chai giống như bị nhân xơ tử cung
Nguồn: https://en.m.wikipedia.org/wiki/File:Adenomyosis,_Hysterectomy_Specimen.jpg
2. Adenomyosis có chuyển thành ung thư không?
Không. Adenomyosis không gây ra ung thư hoặc trở thành ung thư.
3. Adenomyosis được chẩn đoán thế nào?
Các Bác Sĩ thường chẩn đoán Adenomyosis dựa vào khai thác các triệu chứng mà chị em đang gặp phải (rong kinh, đau bụng khi hành kinh…) khi đi khám bệnh. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm khác cũng được thực hiện như sau:
- Khám vùng chậu: Khi khám bụng và chậu, có thể phát hiện tử cung to hơn, chắc hơn hoặc đau hơn khi sờ.
- Siêu âm: Khi siêu âm có thể phát hiện tử cung to hơn, thành cơ tử cung dày hơn so với bình thường, dày không đối xứng, thành sau cơ tử cung dày nhiều hơn so với thành trước…hoặc các dấu hiệu đặc trưng khác của Adenomyosis trên siêu âm.
Hình ảnh Adenomyosis trên siêu âm
Chụp cộng hưởng từ (MRI): cũng có thể thấy tử cung to, dày không cân xứng thành cơ tử cung hoặc những dấu hiệu đặc trưng khác
4. Adenomyosis được điều trị như thế nào?
Do Adenomyosis bị tác động bởi nội tiết tố, estrogen, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các mô nội mạc tử cung. Vì vậy, các triệu chứng của Adenomyosis thường sẽ tự thoái lui sau khi chị em mãn kinh. Trong khi chờ đợi đến khi mãn kinh, có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm đau, giúp cầm máu và các triệu chứng khác:
- Thuốc giảm đau: các Bác Sĩ thường sử dụng thuốc kháng viêm Non-steroid (NSAIDs), như: Ibuprofen, Diclofenac…hoặc các loại thuốc Paracetamol có chứa Codein để giúp hạn chế cơn đau.
- Các loại thuốc nội tiết: Một số loại thuốc nội tiết tố có thể được sử dụng để điều trị tình trạng ra kinh nhiều hoặc chảy máu tử cung bất thường. Các lựa chọn bao gồm: thuốc viên tránh thai, các loại thuốc nội tiết chứa Progestin hay các dụng cụ tử cung chứa nội tiết tố (chẳng hạn như vòng Mirena®) hay sử dụng thuốc GnRH agonist, một loại thuốc nội tiết giúp kích hoạt lên buồng trứng ngưng sản xuất ra nội tiết tố, có thể giúp làm giảm đau và giảm lượng máu kinh.
- Các thuốc không chứa nội tiết: các loại thuốc như Tranexamic acid cũng có thể được sử dụng để làm giảm lượng máu kinh.
Các loại thủ thuật hoặc phẫu thuật cũng có thể được áp dụng trên bệnh nhân bị Adenomyosis, bao gồm:
- Hủy lớp nội mạc tử cung: Một khi lớp nội mạc tử cung được loại bỏ, bệnh nhân sẽ có kinh nguyệt ít hơn hoặc một số trường hợp sẽ không còn ra kinh nguyệt nữa. Một vài điều cần lưu ý là, sau khi thực hiện đốt hủy nội mạc, việc mang thai không thể thực hiện được, cũng như việc phá hủy nội mạc cũng không làm cải thiện cơn đau liên quan đến Adenomyosis.
- Hủy lạc nội mạc trong cơ tử cung (Adenomyosis) bằng đốt sóng cao tần (RFA): đây là thủ thuật tiên tiến được áp dụng gần đây trên thế giới, giúp điều trị cho những bệnh nhân vẫn còn có ý định sanh con và không muốn phải điều trị phẫu thuật (thường là phẫu thuật cắt bỏ tử cung).
Thủ thuật này được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm ngã bụng hoặc âm đạo, hoặc phẫu thuật nội soi ổ bụng. Một kim đốt sóng cao tần được đưa đến đúng vị trí cơ tử cung bị lạc nội mạc. Máy đốt sóng cao tần sẽ được khởi động và thực hiện theo chế độ đã cài đặt sẵn để tạo ra một nhiệt lượng > 600C, giúp phá hủy mô bị lạc nội mạc. Sau thủ thuật bệnh nhân sẽ cải thiện tình trạng thống kinh và tình trạng ra kinh nhiều. Đây là thủ thuật an toàn cao, đã được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận cho áp dụng điều trị nhiều năm nay.
Hình ảnh minh họa hủy lạc nội mạc trong cơ tử cung bằng đốt sóng cao tần (RFA) ngả bụng
- Phẫu thuật cắt bỏ khối lạc nội mạc tử cung: phẫu thuật để loại bỏ khối lạc nội mạc khỏi cơ tử cung trong Adenomyosis cũng có thể được áp dụng. Phẫu thuật được thực hiện gần tương tự như phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung nhưng thường khó thực hiện hơn do ranh giới của vùng cơ tử cung bị lạc nội mạc khó xác định ranh giới (trong khi nhân xơ tử cung thường có vỏ bao và rãnh giới rõ ràng). Trong Adenomyosis, cơ tử cung thường cứng, chắc, biến dạng hơn nên việc khâu cơ tử cung sau mổ cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
- Phẫu thuật cắt tử cung: Đây là biện pháp giải quyết triệt để tình trạng Adenomyosis. Sau phẫu thuật, người phụ nữ sẽ không còn ra kinh theo chu kỳ nữa và cũng sẽ không thể mang thai.
5. Adenomyosis có ảnh hưởng đến việc mang thai không?
Ảnh hưởng của lạc nội mạc trong cơ tử cung do Adenomyosis có thể làm tăng tình trạng hiếm muộn, sẩy thai và sanh non. Điều này được giải thích có thể là do bởi phôi thai không thể bám dính tốt vào trong lớp nội mạc tử cung tại vùng bị lạc nội mạc (các vị trí này thường có tình trạng xơ chai, thiếu máu nuôi).
Hình ảnh nội mạc tử cung trong Adenomyosis
Nguồn: Gordts. Clinical aspects uterine adenomyosis. Fertil Steril 2018
6. Có thể phòng ngừa Adenomyosis được không?
Do nguyên nhân và cơ chế gây bệnh Adenomyosis vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng, chính vì vậy việc phòng ngừa hiệu quả Adenomyosis vẫn chưa có biện pháp hiệu quả.
7. Khi nào thì tôi nên đi khám bệnh để biết có bị Adenomyosis hay không?
Các chị em nên đi đến Bệnh viện để khám khi có những triệu chứng hoặc vấn đề sau:
- Ra máu kinh nhiều hoặc ra kinh kéo dài
- Đau bụng khi hành kinh nhiều hoặc dữ dội trong thời gian gần đây.
- Đau bụng dưới khi quan hệ tình dục.
- Cảm giác trằn hoặc nặng vùng bụng dưới
- Cảm thấy bụng ngày càng to dần…
- Khi cảm thấy bản thân có các dấu hiệu bất thường, các chị em nên lựa chọn cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại, uy tín, chất lượng cao để thăm khám và sớm phát hiện các loại bệnh (nếu có).
Trung Tâm Phụ Khoa Phương Châu - Chăm sóc sức khỏe phụ khoa chủ động cho người phụ nữ.
- Đội ngũ bác sĩ chuyên gia giàu kinh nghiệm.
- Có mặt trên hệ thống Phương Châu: Cần Thơ – Sa Đéc – Sóc Trăng.
- Quy trình khám và điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế JCI (Joint Commission International).
- Trang thiết bị hiện đại giúp tầm soát sớm các bệnh lý và khối u tiềm ẩn.
- Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm đến sự riêng tư và tối ưu hóa các biện pháp bảo vệ để các chị em an tâm hơn trong quá trình chăm sóc sức khỏe.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU.
- Địa chỉ: 300 Nguyễn Văn Cừ (nối dài), P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
- Tổng đài hỗ trợ tư vấn: 1900 54 54 66.
- Đặt lịch hẹn khám các chuyên khoa tại Phương Châu qua số 0907 939 346 hoặc link: https://bit.ly/PCDatlichkham
Tài liệu tham khảo:
[1] https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14167-adenomyosis
[2] https://www.yalemedicine.org/conditions/uterine-adenomyosis