11 vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh

09/10/2024
Nội dung chính xem nhanh

Trẻ sơ sinh vốn rất nhạy cảm nên sẽ có một số tình trạng thể chất thường gặp trong vài tuần đầu tiên sau khi sinh. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ điều nào sau đây ở con mình, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa càng sớm càng tốt.

1. Chướng bụng

Bụng của trẻ sơ sinh thường phình to, đặc biệt là sau khi bú nhiều. Tuy nhiên, giữa các lần cho ăn, bụng của bé sẽ mềm và gọn hơn. Nếu bụng của trẻ chướng lên, sờ thấy cứng và bé không đi tiêu trong hơn một hoặc hai ngày hoặc bị nôn ói, hãy gọi cho bác sĩ nhi khoa ngay.Nguyên nhân thường gặp nhất là do bé bị đầy hơi hoặc táo bón, nhưng nó cũng có thể báo hiệu một vấn đề đường ruột nghiêm trọng hơn.

2. Chấn thương khi sinh

 Em bé có thể bị chấn thương trong khi sinh, đặc biệt nếu quá trình chuyển dạ kéo dài hoặc khó khăn, hoặc khi bé nặng cân. Trẻ sơ sinh có thể phục hồi các chấn thương nhanh chóng, tuy nhiên vẫn có những tổn thương sẽ vẫn tồn tại.

Thỉnh thoảng, một số trường hợp sẽ xảy ra tai biến gãy xương đòn do quá trình sinh đẻ, và vết gãy này cũng sẽ nhanh chóng lành lại. Sau một vài tuần, một u nhỏ có thể hình thành tại vị trí gãy xương. Nhưng đừng lo lắng, đây là dấu hiệu cho thấy xương mới đang hình thành để hàn gắn vết thương và nó sẽ sớm tiến triển tốt. 

Yếu cơ ở trẻ là một chấn thương khi sinh phổ biến khác trong quá trình chuyển dạ, gây ra bởi áp lực hoặc lực kéo căng các dây thần kinh gắn liền với cơ bắp của trẻ. Những cơ này thường bị suy yếu ở một bên mặt hoặc một bên vai hoặc cánh tay. Đa số trường hợp sẽ trở lại bình thường sau vài tuần. 

3. Em bé bị tái xanh

Em bé có thể có bàn tay và bàn chân hơi xanh hoặc tím, trong đa số trường hợp, đây là điều bình thường. Nếu bàn tay và bàn chân của trẻ hơi chuyển sang màu xanh do lạnh, chúng sẽ trở lại màu hồng ngay khi chúng ấm lên.

Đôi khi, mặt, lưỡi và môi có thể hơi xanh khi trẻ sơ sinh khóc dữ dội, nhưng một khi trẻ đã bình tĩnh, màu sắc của những bộ phận này sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.

Tuy nhiên, màu da xanh dai dẳng là dấu hiệu cho thấy tim hoặc phổi của bé không bình thường và em bé đang không nhận đủ oxy trong máu. Cần phải đưa bé đến bệnh viện ngay để được khám kịp thời vì đây là trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

4. Bé đi cầu không bình thường

4.1. Phân su

Sau khi sinh, bé sẽ được theo dõi vấn đề đi tiểu và đi tiêu bởi nhân viên y tế, để đảm bảo hệ tiêu hóa của bé hoạt động bình thường. Bé có thể sẽ không đi tiêu và đi tiểu trong 24 giờ đầu sau sinh hoặc trễ hơn.

Một hoặc hai lần đi tiêu đầu tiên của bé, phân sẽ có màu đen hoặc xanh đen đậm và dính. Đó là phân su, một chất lấp đầy ruột của trẻ sơ sinh trước khi bé được sinh ra. Nếu em bé của bạn không đi ngoài phân su trong 48 giờ đầu tiên, thì cần báo với bác sĩ để đảm bảo rằng không có vấn đề gì bất thường ở ruột của bé. 

4.2. Đi ngoài ra máu

Đôi khi, trẻ sơ sinh đi tiêu và trong phân có ít máu. Nếu tình trạng này xảy ra trong vài ngày đầu tiên, điều đó thường do trẻ sơ sinh có một vết nứt nhỏ ở hậu môn do đi cầu. Nứt hậu môn không gây hại gì cho bé. Tuy nhiên, nếu có những nguyên nhân khác khiến bé đi cầu ra máu thì sẽ cần được can thiệp điều trị. Vì vậy, bạn cần phải đưa bé đi khám bác sĩ nhi để xác định chính xác nguyên nhân.

5. Ho

Khi uống quá nhanh, bé có thể bị ho do sặc, nhưng kiểu ho này sẽ chấm dứt khi bé đã quen với việc uống hoặc bú sữa. Ví dụ như khi mẹ đang cho bé bú, giai đoạn xuống sữa, tia sữa sẽ mạnh hơn nhiều và làm bé bị ho do sặc.

Tuy nhiên, nếu bé ho dai dẳng hoặc thường xuyên nôn trớ khi bú, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa. Triệu chứng ho dai dẳng có thể là một biểu hiện bệnh lý ở đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Bé có thể cần được chẩn đoán và điều trị. 

6. Khóc quá nhiều

Tất cả trẻ sơ sinh đều khóc, có khi do đói, do nóng, do buồn ngủ và cũng có khi không có lý do rõ ràng. Nếu bạn đã đảm bảo rằng con bạn được cho ăn, cho ợ hơi, mặc ấm và mặc tã sạch mà bé vẫn khóc, thì hãy ôm bé và nói chuyện hoặc hát cho bé nghe cho đến khi bé dừng khóc. Nếu những cách này đều không hiệu quả, hãy thử quấn bé hoặc thử một số cách khác để giúp bé bình tĩnh lại.


Nhận biết tiếng khóc bất thường ở trẻ để kịp thời đi khám bác sĩ nhi khoa

Bạn sẽ quen với kiểu khóc của bé. Nếu tiếng khóc của bé nghe có vẻ kỳ lạ, không giống như tiếng khóc bình thường, chẳng hạn như tiếng khóc đau đớn, hoặc nếu bé khóc kéo dài trong một khoảng thời gian bất thường, thì đó có thể là một vấn đề sức khỏe. Hãy đưa bé đi khám bác sĩ nhi khoa. 

7. Dấu kẹp Forceps

Khi kẹp forceps được sử dụng trong khi sinh, chúng có thể để lại vết đỏ hoặc thậm chí là vết xước trên mặt và đầu của trẻ sơ sinh. Chúng thường biến mất trong vòng vài ngày sau đó.
Đôi khi, có một cục bướu phát triển ở một trong những khu vực này do mô dưới da bị tổn thương nhẹ (còn gọi là bướu huyết thanh), nhưng cục u này cũng thường sẽ biến mất trong vòng 2 tháng sau sinh.

8. Vàng da

Nhiều trẻ sơ sinh bình thường và khỏe mạnh có da hơi vàng, được gọi là vàng da sinh lý và là điều bình thường ở trẻ sơ sinh. Vàng da bởi sự tăng một chất gọi là bilirubin trong máu của trẻ. Vàng da nhẹ là không có hại và không cần can thiệp gì. 

Tuy nhiên, nếu nồng độ bilirubin tăng cao bất thường và không được điều trị, nó có thể dẫn đến tổn thương não. Vàng da có xu hướng phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, thường gặp nhất ở những trẻ không được bú mẹ tốt. Các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ nên cho con bú ít nhất 8 đến 12 lần mỗi ngày, điều này sẽ tạo ra đủ sữa và giữ mức bilirubin thấp.

Vàng da đầu tiên xuất hiện trên mặt, sau đó là ngực và bụng, cuối cùng là cánh tay và chân trong một số trường hợp nặng. Lòng trắng của mắt cũng có thể có màu vàng. Hầu hết các bệnh viện hiện nay thường xuyên sàng lọc bệnh vàng da cho trẻ sơ sinh 24 giờ sau khi sinh bằng cách sử dụng máy đo vàng da qua da.

Khi cần, bác sĩ sẽ cho bé đo vàng da bằng máy đo vàng da hoặc lấy máu xét nghiệm trực tiếp để chẩn đoán tùy vào trường hợp. Nếu vàng da xuất hiện trước 24 giờ tuổi, thì luôn cần xét nghiệm bilirubin để chẩn đoán chính xác. Nếu bạn nhận thấy tình trạng vàng da tăng đột ngột khi bé ở nhà, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa.

9. Thờ ơ và buồn ngủ

Hầu hết trẻ sơ sinh đều dành phần lớn thời gian để ngủ. Miễn là bé thức dậy vài giờ một lần, ăn uống đầy đủ, luôn vui vẻ và tỉnh táo, thì việc ngủ trong thời gian còn lại là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu bé hiếm khi tỉnh táo, không tự thức dậy để bú, có vẻ quá mệt mỏi hoặc không muốn ăn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa. Tình trạng thờ ơ này, đặc biệt nếu trước đó bé hoàn toàn không có triệu chứng này, có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh nghiêm trọng.

10. Suy hô hấp

Trẻ sơ sinh có thể mất vài giờ sau khi sinh để hình thành kiểu thở bình thường, nhưng sau đó thì trẻ sẽ không gặp khó khăn gì nữa. Nếu bạn nghe bé có tiếng khụt khịt ở mũi và lồng ngực khi bé thở bình thường, có thể do mũi bị nghẹt. Bạn có thể sử dụng nước muối để nhỏ mũi cho bé và sau đó dùng tăm bông sơ sinh thấm khô. 

Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh (dưới 30 ngày tuổi) có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào sau đây, hãy thông báo ngay cho bác sĩ nhi khoa:

  • Thở nhanh (hơn 60 nhịp thở trong một phút)
  • Thở co lõm (rút lõm các cơ giữa các xương sườn, hoặc phía dưới của lồng ngực bị lõm vào khi thở)
  • Phập phồng cánh mũi
  • Thở rên
  • Màu da xanh tái, có thể ở môi, tay, chân.

11. Các vấn đề về dây rốn

11.1. Chảy máu gốc rốn

Khi chăm rốn cho bé, bạn có thể nhận thấy một vài giọt máu thấm vào tã khi bị rụng rốn. Điều này là bình thường. Nhưng nếu rốn chảy máu nhiều, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Nếu rốn bị nhiễm trùng, bé cần được điều trị. Mặc dù nhiễm trùng rốn không phổ biến nhưng bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ nhi khoa nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Rốn chảy dịch màu vàng và có mùi hôi
  • Da xung quanh rốn bị đỏ
  • Bé khóc khi bạn chạm vào rốn hoặc vùng da bên cạnh.

11.2. U hạt rốn

Đôi khi thay vì khô hoàn toàn, rốn sẽ hình thành u hạt, là một khối mô sẹo nhỏ, đỏ, nằm ở rốn sau khi rốn rụng. Khối u hạt này sẽ chảy ra một chất dịch màu vàng nhạt. Tình trạng này thường sẽ biến mất sau khoảng một tuần, nhưng nếu không thì bạn cần cho bé đi khám, bác sĩ nhi khoa có thể sẽ phải đốt mô hạt.

11.3. Thoát vị rốn

Nếu rốn của bé bị lồi lên khi bé khóc, bé có thể bị thoát vị rốn. Đây là một tình trạng cơ thành bụng yếu, nên ruột hoặc các bộ phận trong bụng trẻ thoát qua cơ bụng này và hiện ra dưới rốn. Đây không phải là một tình trạng nghiêm trọng và thường tự khỏi khi trẻ được 12 đến 18 tháng tuổi. Trong trường hợp không thể lành khi trẻ đã 3 đến 5 tuổi, thoát vị rốn có thể cần được phẫu thuật. Bạn không cần băng rốn lại vì điều này không có tác dụng.

Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn con mình trong những ngày tháng đầu đời!

Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam

Khoa Nhi - Sơ Sinh Bệnh viện Phương Nam, nơi chăm sóc sức khỏe trẻ em đáng tin cậy ngay tại trung tâm quận 7.  

Với đội ngũ chuyên môn Nhi khoa nhiều năm kinh nghiệm bao quát tất cả các lĩnh vực nhi khoa, Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam là lựa chọn chăm sóc sức khỏe cho bé thuận tiện và đáng tin cậy:

  • Vị trí ngay trung tâm Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7
  • Bệnh viện chuyên về Sản – Nhi – IVF có hệ thống phòng khám Nhi đa dạng và chuyên sâu cho trẻ từ sơ sinh đến 16 tuổi
  • Dịch vụ khám ngoài giờ thuận tiện cho Quý phụ huynh
  • Giờ hoạt động Phòng khám Nhi: T2 - T7, 7:30 – 19:30 và Tiêm chủng: T2 - T7, 7:30 – 16:30
  • Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn hiện đại hàng đầu đảm bảo sự an toàn của khách hàng, đặc biệt là trẻ nhỏ

Tại Bệnh viện Phương Nam, tại Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phương Nam, trẻ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện theo từng mốc độ tuổi quan trọng suốt thời gian trưởng thành:

  • 5 mốc độ tuổi quan trọng của trẻ cần được theo giám sát: Sơ sinh - Nhũ nhi (1 tuần tuổi - 12 tháng), Mầm non (12 tháng – 3 tuổi), Trẻ mẫu giáo (3 – 6 tuổi), Tuổi đi học (6 - 12 tuổi), và Tuổi teen (12 - 16 tuổi)
  • Chương trình Nhi Khoa Phát Triển tiên phong tại Việt Nam
  • Chương trình tầm soát, điều trị tiêu hoá cho trẻ em và nội soi tiêu hoá nhi
  • Tầm soát, điều trị các vấn để về nội tiết và dậy thì sớm
  • Chương trình tiêm chủng theo độ tuổi có bác sĩ Nhi tư vấn
  • Chương trình tái khám và theo dõi dành riêng cho trẻ sinh non và trẻ sơ sinh nguy cơ cao
  • Tầm soát và điều trị các vấn đề về dinh dưỡng trẻ em

Chúng tôi mang đến trải nghiệm chăm sóc sức khỏe thoải mái và bổ ích cho gia đình với Bác sĩ thân thiện, cởi mở, sẵn sàng dành thời gian tư vấn và đồng hành cùng gia đình; và hướng dẫn trẻ và bố mẹ cách duy trì lối sống lành mạnh hằng ngày cho con bên cạnh việc tư vấn bệnh lý.

Nguồn: Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ