Thoái hóa khớp gối làm một bệnh về xương khớp vô cùng phổ biến. Hiện nay, tiêm khớp gối là một liệu pháp tối ưu và mang lại hiệu quả cao trong điều trị thoái hóa khớp gối so với dùng thuốc hay phẫu thuật xâm lấn. Các liệu pháp này cũng được chứng minh độ an toàn cao và ít gây ra tác dụng phụ cho người sử dụng.
Bài viết được cố vấn nội dung chuyên môn bởi BS. CKI. Huỳnh Ngọc Nguyên Khánh, BVQT Phương Châu.
1. Tiêm khớp gối là gì?
Tiêm khớp là một liệu pháp dùng kim tiêm đưa thuốc vào ổ khớp hoặc phần mềm cạnh khớp để điều trị tại chỗ một số bệnh lý khớp như viêm khớp dạng thấp, bệnh lý cột sống thể huyết thanh âm tính, thoái hóa khớp…
Tiêm khớp gối là kỹ thuật đã được thực hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước. Nó đã được chứng minh về tính hiệu quả điều trị tốt, đáp ứng điều trị trong thời gian ngắn và an toàn trong nếu tuân thủ đúng chỉ định và thực hiện đúng quy trình.
Các thuốc thường dùng tiêm vào khớp gối: corticosteroid (thuốc chống viêm), acid hyaluronic (HA), huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)…
2. Tiêm khớp gối được chỉ định khi nào?
Tiêm khớp gối được chỉ định trong các trường hợp đau khớp gối đáp ứng kém với điều trị nội khoa dù đã dùng thuốc toàn thân đúng phác đồ, đúng liều lượng trong các bệnh dưới đây:
- Thoái hoá khớp gối.
- Viêm khớp dạng thấp có tổn thương khớp gối.
- Gout.
- Bệnh lý cột sống thể huyết thanh âm tính: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp mạn tính thiếu niên... có tổn thương khớp gối.
Tiêm khớp gối thường được chỉ định trong điều trị thoái hóa khớp gối và nhiều trường hợp khác
3. Những trường hợp nào không nên thực hiện tiêm khớp gối?
- Viêm khớp gối nhiễm khuẩn: viêm khớp mủ, lao khớp.
- Tổn thương khớp gối do bệnh lý thần kinh, bệnh máu.
- Nhiễm khuẩn ngoài da vùng quanh khớp gối, nhiễm nấm... khi tiêm có nguy cơ đưa vi khuẩn, nấm vào trong khớp gối.
- Cơ địa suy giảm miễn dịch.
* Lưu ý: Tiêm khớp cần thận trọng với bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý rối loạn đông máu.
4. Các biến chứng khi tiêm khớp gối
Tiêm khớp gối được chứng minh mang tính an toàn cao. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng kỹ thuật và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Trong một số trường hợp sẽ có thể gây các biến chứng như:
- Đau tăng sau khi tiêm 12 - 24 giờ: do phản ứng viêm màng hoạt dịch với tinh thể thuốc (viêm khớp vi tinh thể). Đau thường khỏi sau một ngày, không phải can thiệp, có thể bổ sung thuốc chống viêm, giảm đau.
- Nhiễm khuẩn do thủ thuật khớp tiêm (viêm mủ): đây là một biến cố nghiêm trọng, biểu hiện bằng sốt, sưng đau tại chỗ, tràn dịch cần phái tái khám ngay.
- Biến chứng muộn: teo da, mất sắc tố da tại chỗ tiêm do tiêm nhiều lần vào một vị trí, hoặc tiêm quá nông.
- Biến chứng hiếm gặp: tai biến do bệnh nhân quá sợ hãi. Biểu hiện kích thích hệ phó giao cảm, do tiêm thuốc vào mạch máu hoặc tiêm quá nhanh: bệnh nhân choáng váng, vã mồ hôi, ho khan, có cảm giác tức ngực khó thở, rối loạn cơ trơn. Xử trí: đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, giơ cao chân, theo dõi mạch, huyết áp để có các biện pháp xử trí cấp cứu khi cần thiết.
Nhân viên y tế Phương Châu thực hiện quy trình tách huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
5. Tiêm khớp gối điều trị thoái hóa tại BVQT Phương Châu
Hiện tại BVQT Phương Châu có thực hiện tiêm khớp gối điều trị thoái hóa như tiêm acid hyaluronic (HA), tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)… Tùy vào trường hợp cụ thể mà bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm loại thuốc phù hợp. Quy trình tiêm khớp an toàn được thực hiện bởi các bác sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề cao. Cùng với đó là hệ thống y tế Phương Châu được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, cận lâm sàng như siêu âm, X-quang, CT-Scan… hỗ trợ chẩn đoán, điều trị hiệu quả bệnh thoái hóa khớp gối.
Quý khách hàng có thể đặt lịch khám bệnh TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 để được hỗ trợ thông tin.