Mang thai là hành trình kỳ diệu và đầy thiêng liêng của một người mẹ. Trong suốt quá trình mang thai, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, không chỉ giúp mẹ bầu khỏe mạnh mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thai nhi. Mỗi tam cá nguyệt (3 tháng) sẽ đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi và nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu. Vì vậy, việc điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp theo từng giai đoạn sẽ giúp mẹ khỏe mạnh, thai nhi phát triển toàn diện và ngăn ngừa nhiều biến chứng thai kỳ.
Dinh dưỡng cho mẹ bầu theo từng tam cá nguyệt.
Bài viết được cố vấn nội dung bởi BS.Trần Quốc Huy, BS Sản phụ khoa, BVQT Phương Châu.
TAM CÁ NGUYỆT LÀ GÌ?
- Thai kỳ được chia thành 3 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 3 tháng và được gọi là tam cá nguyệt:
- Tam cá nguyệt thứ nhất: Từ tuần 1 đến tuần 13 của thai kỳ.
- Tam cá nguyệt thứ hai: Từ tuần 14 đến tuần 27.
- Tam cá nguyệt thứ ba: Từ tuần 28 đến khi sinh.
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO MẸ BẦU THEO TỪNG TAM CÁ NGUYỆT
Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu): Ổn định thai kỳ, ngăn ngừa dị tật
Đây là giai đoạn làm tổ và bắt đầu phát triển và là thời điểm quan trọng để hình thành các cơ quan quan trọng của thai nhi như tủy sống, não, tim, phổi, gan…… nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn và chia lượng thức ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ để bớt cảm giác nghén
Mẹ cần bổ sung gì cho phù hợp ở kì tam cá nguyệt đầu tiên?
- Cần ăn tăng cường các thực phẩm giàu đạm như: trứng, sữa, thịt, đậu đỗ
- Ngoài việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn, bà mẹ cần uống bổ sung sắt và acid folic hoặc đa vi chất theo qui định của y tế.
- Axit folic (Vitamin B9): Giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh, giảm nguy cơ sinh non.
- Sắt: Hỗ trợ tạo máu, giảm nguy cơ thiếu máu sớm.
Phác đồ bổ sung viên sắt/folic cho phụ nữ có thai:
+ Uống ngày 1 viên trong suốt thời gian có thai đến sau đẻ 1 tháng. Mỗi viên gồm 60 mg sắt và 400 mg acid folic.
+ Nếu thai phụ có thiếu máu: cần được điều trị theo phác đồ.
+ Việc cung cấp viên sắt/acid folic cần được thực hiện ngay từ lần đầu khám thai.
+ Kiểm tra việc sử dụng và cung cấp tiếp viên sắt/acid folic trong các lần khám thai sau.
Dinh dưỡng hợp lý, khắc phục tình trạng nghén để đạt mức tăng cân phù hợp với tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai (bình thường là tăng 1kg).
Thực phẩm nên ăn: Rau xanh đậm (rau chân vịt, cải bó xôi,xà lách, cải xoăn, bông cải xanh, cải ngọt....), các loại rau củ(Atisô, măng tây, súp lơ trắng, rau cần tây, dưa leo, bí đao, ngô và khoai lang…), Protein lành mạnh( thịt gà tây, thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, trứng, bơ đậu phộng, quả hạch, các cây họ đậu, đậu phụ…), ngũ cốc nguyên hạt, trái cây giàu vitamin C (cam, bưởi), các loại hạt dinh dưỡng…
*Lưu ý:
Uống viên sắt – acid folic có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn nhưng không gây hại gì và thường mất đi sau vài tuần. Để giảm bớt cảm giác khó chịu do tác dụng phụ của thuốc, nên uống thuốc vào một giờ nhất định; Ăn thêm rau, quả và uống nhiều nước.
Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa): Giai đoạn thai nhi phát triển mạnh
Bước vào kì tam cá nguyệt thứ hai này, thai nhi bắt đầu phát triển về chiều dài, hình thành hệ xương và thần kinh não bộ. Mẹ bắt đầu cảm thấy khỏe hơn, bụng to lên rõ rệt và nhu cầu dinh dưỡng tăng cao để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi có thai 3 tháng giữa thai kỳ, khẩu phần ăn nên nhiều hơn sao cho năng lượng cung cấp tăng 250 kcal/ngày (tương đương 1 bát cơm và thức ăn hợp lý).
Mẹ cần bổ sung gì cho kỳ tam nguyệt này?
Ăn các thực phẩm giàu can xi, kẽm như: tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản. Cần bảo đảm cung cấp đủ can xi 1200mg/ngày, vì thế ngoài chế độ ăn thông thường cần uống thêm 6 đơn vị sữa/ngày.
Thai phụ tiếp tục uống bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất theo qui định.
1 đơn vị ăn của sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100mg can xi, tương đương:
- 1 miếng phô mai có trọng lượng bằng 15g
- 1 hộp sữa chua 100g.
- 1 cốc sữa dạng lỏng 100ml ( sữa dạng lỏng có thể là sữa tươi, sữa tiệt trùng hoặc sữa bột).
-> Như vậy mẹ bầu cần bổ cung 6 đơn vị sữa mỗi ngày, tương đương:
Thực phẩm nên ăn: chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu; Chất béo bao gồm cả mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ với lượng ít và dầu nành, dầu mè, mỡ cá với lượng nhiều hơn; Chất xơ từ ngũ cốc, khoai lang, trái cây, rau xanh,... và uống nhiều nước.
*Lưu ý:
- Tránh thực phẩm nhiều đường, chất béo bão hòa và đồ ăn chế biến sẵn.
- Uống đủ từ 2 – 2,5l nước mỗi ngày.
Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối): Chuẩn bị cho ngày vượt cạn
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất, vì vậy dinh dưỡng thai phụ cần đảm bảo đầy đủ, đa dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi, đặc biệt cần:
Tăng năng lượng bữa ăn như: nhu cầu về năng lượng của thai phụ theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng về mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi có thai 3 tháng cuối là năng lượng cung cấp tăng 450 kcal/ngày (tương đương 2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý).
Mẹ cần bổ sung gì ở kì tam nguyệt cuối?
- Bổ sung chất đạm, chất béo giúp xây dựng và phát triển cơ thể thai nhi: Ngoài cơm (và lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn của bà mẹ có thai cần bổ sung thêm chất đạm, chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ.
- Nên cố gắng sử dụng sữa và chế phẩm sao cho đạt 6 đơn vị sữa/ngày (tương đương 600 mg can xi bao gồm: 2 miếng phô mai, 2 hộp sữa chua và 200 ml sữa)…
- Thực phẩm nên ăn: là những thức ăn có hàm lượng đạm cao, lại có thêm lượng chất béo giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong chất béo. Trước hết cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn sẵn có như: trứng, cá, tôm, cua, thịt, đậu đỗ các loại (đậu tương, đậu xanh…) và vừng, lạc
*Lưu ý:
- Không ăn thức ăn quá mặn để tránh phù nề, tăng huyết áp.
- Duy trì vận động nhẹ và nghỉ ngơi đầy đủ.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý theo từng tam cá nguyệt chính là chìa khóa cho một thai kỳ khỏe mạnh. Ở mỗi giai đoạn, cơ thể mẹ và thai nhi sẽ có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Việc ăn uống đủ chất, đúng thời điểm sẽ giúp cho mẹ:
- Giảm nguy cơ sảy thai, sinh non, dị tật thai nhi
- Giúp mẹ bầu khỏe mạnh, tăng cân hợp lý
- Tăng khả năng sinh thường, phục hồi sau sinh.