Tại Sao Nên Sinh Thường? Khi Nào Bác Sĩ Chỉ Định Sinh Mổ?

09/10/2024
Nội dung chính xem nhanh

Lợi ích của việc sinh thường

 Đối với mẹ:

  •  Hồi phục sức khỏe sau sinh sớm.
  • Thời gian nằm viện ngắn.
  • Sinh thường giúp tử cung co hồi tốt hơn. Điều này làm giảm lượng máu mất sau sinh và hạn chế nguy cơ ứ sản dịch.
  • Mất máu ít hơn: thông thường 50 – 200ml.
  • Nguy cơ nhiễm trùng ít.
  • Mẹ được tiếp xúc sớm với trẻ, giúp gắn kết tình cảm mẹ con nhiều hơn.
  • Cho bé bú mẹ sớm giúp tăng tiết sữa sớm hơn.
  • Tương lai sản khoa và ngoại khoa tốt hơn.

Đối với bé:

  •  Ngực bé được ép khi đi qua âm đạo nên dịch trong phổi được ép ra ngoài tốt hơn, hạn chế nguy cơ bệnh đường hô hấp.
  • Được da kề da với mẹ và bú mẹ sớm hơn.
  • Được tiếp xúc với hệ vi khuẩn có lợi trong âm đạo của mẹ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ đường ruột của trẻ.
  • Không chịu ảnh hưởng bởi các loại thuốc có thể sử dụng trong quá trình phẫu thuật.

Khi nào nên sinh mổ?

Mặc dù sinh thường mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải trường hợp nào cũng phù hợp. Sinh mổ không chỉ là lựa chọn mà còn là giải pháp tối ưu trong nhiều trường hợp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Mẹ bầu có thể sẽ được chỉ định sinh mổ khi xuất hiện những bất thường hoặc bệnh lý sau:

Đối với mẹ:

  • Bệnh lý toàn thân: Các bệnh lý như tiền sản giật nặng, sản giật, bệnh tim mạch nặng... có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ nếu sinh thường
  • Mẹ có vết mổ cũ trên thân tử cung: vết mổ cũ bóc u xơ tử cung, vết mổ cũ lấy thai từ 2 lần trở lên
  • Bất thường bẩm sinh của đường sinh dục: Tử cung đôi, vách ngăn âm đạo,
  • Bất thường đường ra của thai: khung chậu hẹp, khung chậu giới hạn, các khối u tiền đạo cản trở đường ra của thai

Đối với thai nhi:

  • Kích thước thai nhi: Thai quá lớn (trên 4kg) hoặc quá nhỏ đều có thể gây khó khăn trong quá trình sinh thường.
  • Bất thường bánh nhau, nước ối: các trường hợp vô ối, nhau tiền đạo, nhau cày răng lược sẽ được chỉ định mổ lấy thai
  • Thai chậm tăng trưởng: Các trường hợp thai chậm tăng trưởng giải đoạn II, III sẽ được chỉ định sinh mổ
  • Đa thai: Mang thai nhiều bé cùng lúc thường được chỉ định sinh mổ, đặc biệt khi thai thứ nhất không ở ngôi đầu.
  • Ngôi thai bất thường: Các ngôi thai khác thường như ngôi mông, ngôi ngang, ngôi mặt, ngôi thóp trước,..
  • Suy thai: Khi thai nhi không đủ sức khỏe để chịu đựng quá trình chuyển dạ, cần phải nhanh chóng kết thúc cuộc chuyển dạ, sinh mổ là lựa chọn tối ưu.

Ngoài ra, các tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình chuyển dạ như bất tương xứng khung chậu và thai, suy thai trong chuyển dạ, sa dây rốn, rau bong non, chuyển dạ kéo dài, khó khăn... cũng có thể là lý do để bác sĩ quyết định chuyển sang sinh mổ.

Quyết định cuối cùng thuộc về ai?

Quyết định cuối cùng về việc sinh thường hay sinh mổ nên được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ và cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, nguy cơ tiềm ẩn của từng phương pháp.

Lời khuyên cho mẹ bầu

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ: Bác sĩ là người có chuyên môn, sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tốt nhất cho mình và bé.
  • Tìm hiểu thông tin: Tìm hiểu kỹ về hai phương pháp sinh để đưa ra quyết định sáng suốt.
  • Chuẩn bị tâm lý: Dù chọn phương pháp sinh nào, mẹ bầu cũng cần chuẩn bị tâm lý thật tốt để đối mặt với những thay đổi trong quá trình mang thai và sinh nở.

Sinh thường là phương pháp sinh lý tự nhiên, mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sinh mổ là lựa chọn tốt nhất để đảm bảo an toàn cho cả hai. Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp nhất.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.

  • Zalo