Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS.CKI. Trương Hoàng Phúc - Phó Trưởng Khoa Nhi Sơ Sinh, BVQT Phương Châu
Trong tháng đầu đời, trẻ sơ sinh có thể có những biểu hiện về kiểu thở khác với trẻ lớn và người lớn, thường khiến ba mẹ lo lắng, đặc biệt là những ba mẹ lần đầu có con. Nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn liệu các hiện tượng này có phải dấu hiệu bình thường hay bệnh lý. Hãy cùng bác sĩ Phương Châu tìm hiểu rõ nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo để giúp ba mẹ kịp thời xử lý và bảo vệ sức khỏe của trẻ qua bài viết dưới đây nhé.
1. Kiểu thở bình thường của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh thường thở nhanh hơn so với trẻ lớn và người lớn, tần số khoảng 40 đến 60 lần/phút khi bé nằm yên. Tần số này có thể chậm lại còn 30 đến 40 lần/phút khi trẻ ngủ. Kiểu thở của trẻ cũng có thể khác. Trẻ có thể thở nhanh nhiều lần, sau đó ngưng thở trong thời gian ngắn dưới 10 giây, rồi thở lại. Điều này thường được gọi là thở theo chu kỳ và là bình thường.
Để kiểm tra nhịp thở trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể đặt tay lên ngực hoặc bụng của bé và quan sát số lần bụng hoặc ngực nhô lên trong vòng 60 giây và ghi nhận lại.
Đôi khi lúc trẻ ngủ có thể phát ra một số âm thanh như khụt khịt, hoặc như tiếng huýt sáo. Do trẻ sơ sinh chủ yếu là thở mũi bắt buộc và không biết thở miệng, do đó bất cứ điều gì làm hẹp khoang mũi của bé như một ít nhầy mũi, ít sữa do bé trớ lên đều có thể tạo ra âm thanh khi bé hít vào, thở ra.
Điều này được xem là bình thường nếu không xảy ra thường xuyên khi bé thức, hết sau khi vệ sinh mũi, và bé vẫn bú, ngủ và lên cân tốt
2. Kiểu thở bất thường của trẻ sơ sinh
- Thở nhanh: trẻ thở trên 60 lần/phút khi nằm yên, không quấy khóc. Trẻ có thể thở hơi nhanh sau khi quấy khóc, hoặc sau khi vừa bú no. Ba mẹ có thể vỗ trẻ nín, chờ khoảng 1 giờ sau khi bú và kiểm tra lại nhịp thở, nếu trẻ vẫn thở trên 60 lần/phút là dấu hiệu cần chú ý.
- Ngưng thở: trẻ có cơn ngưng thở lâu trên 20 giây và có biểu hiện tím tái khi ngưng thở.
- Thở phập phồng cánh mũi: ba mẹ quan sát thấy cánh mũi trẻ phập phồng khi trẻ thở.
- Thở rên: âm thanh nghe thấy như tiếng rên, khi trẻ thở ra.
- Thở khò khè: nghe như tiếng gió rít qua cửa, khi trẻ thở ra.
- Thở gắng sức: trẻ thở lồng ngực bị hút vào vùng hõm ức, cơ liên sườn, hạ sườn.
Các kiểu thở bất thường này có thể kèm theo ho, sổ mũi, sốt, bỏ bú…
Lời khuyên:
Hãy quan sát hơi thở của bé khi bé khỏe mạnh, để bạn có thể quen với cách bé thở. Đếm số lần bé thở trong một phút. Biết được kiểu thở bình thường của bé sẽ giúp bạn phát hiện ra vấn đề bất thường nhanh hơn.
Khi không chắc chắn về tình trạng của bé, hãy quay video về kiểu thở khiến bạn lo lắng và cho bé đi khám để bác sĩ xem nhé.
3. Nguyên nhân khiến trẻ thở bất thường
3.1. Nguyên Nhân Sinh Lý
- Thân nhiệt tăng: Có thể do sợ trẻ lạnh nên cha mẹ có thể quấn nhiều khăn khiến trẻ tăng thân nhiệt, điều này có thể dẫn đến tăng nhịp thở. Tuy nhiên nếu đo nhiệt độ trẻ bình thường (36,5 -37,5 độ C) hoặc sau khi đã cởi thoáng mà trẻ vẫn thở nhanh thì có thể trẻ có bệnh.
- Trẻ quấy khóc hoặc kích động: Lúc này, nhịp thở của trẻ tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu oxy tăng thêm.
- Sau khi mới bú no: bú cũng là hoạt động tốn sức, sau bú no trẻ có thể thở hơi gấp, ba mẹ có thể vỗ lưng, bồng bé lên cao để bé ợ hơi và tiêu sữa, nếu bé vẫn còn thở nhanh hay gắng sức sau 1 giờ sau bú thì có thể bé có vấn đề cần kiểm tra.
3.2. Nguyên Nhân Bệnh Lý
- Viêm hô hấp: bao gồm viêm hô hấp trên, viêm hô hấp dưới và viêm phổi, đều có thể gây cản trở hô hấp của bé, gây thiếu oxy, khiến bé phải thở nhanh, gắng sức.
- Bệnh tim bẩm sinh: Bệnh tim bẩm sinh khiến oxy trong máu thấp, hoặc giảm tưới máu cơ thể, sung huyết phổi, trẻ phải thở nhanh hơn để bù đắp lượng oxy thiếu hụt.
- Tắc nghẽn đường hô hấp do dị tật bẩm sinh như mềm sụn thanh quản….
- Trào ngược dạ dày thực quản: dịch trào ngược khi bé ngủ có thể làm trẻ khò khè, khó thở, nặng hơn có thể gây viêm phổi hít.
4. Khi nào cần đưa trẻ đi bác sĩ
Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu trẻ có một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Nhịp thở trên 60 lần/phút, ngay cả khi trẻ đang yên tĩnh.
- Thở gắng sức: trẻ thở lồng ngực bị hút vào vùng hõm ức, cơ liên sườn, hạ sườn
- Trẻ thở khò khè thở rít, thở rên cho dù đã vệ sinh mũi vẫn không cải thiện
- Da tím tái, nhợt nhạt, đặc biệt ở môi
- Trẻ lười bú hoặc bỏ bú, ngủ li bì hoặc khó đánh thức.
- Sốt cao hoặc hạ thân nhiệt (dưới 36°C hoặc trên 38°C).
Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào trong số này, ba mẹ không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
5. Cách phòng ngừa bệnh lý hô hấp cho trẻ
- Giữ ấm cơ thể trẻ: Nên cho trẻ mặc ấm, đặc biệt vào ban đêm hoặc khi trời lạnh. Lưu ý không để trẻ quá nóng (thường trẻ sẽ mặc nhiều hơn người lớn 1 lớp áo hoặc khăn).
- Bảo vệ đường hô hấp: Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc môi trường ô nhiễm.
- Hạn chế hôn trẻ, đặt biệt là vùng mặt vì người lớn có thể là người lành mang bệnh.
- Dinh dưỡng đầy đủ: Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để tăng cường miễn dịch tự nhiên.
- Vệ sinh sạch sẽ: Người chăm sóc trẻ cần rửa tay kỹ trước khi bế, cho trẻ ăn hoặc thay tã, đeo khẩu trang khi chăm sóc bé nếu bị cảm cúm.
- Tránh nơi đông người: Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, nhất là trong mùa dịch bệnh hô hấp.
**Lời khuyên:
- Hãy quan sát hơi thở của bé khi bé khỏe mạnh, để ba mẹ có thể quen với cách bé thở.
- Đếm số lần bé thở trong một phút. Biết được kiểu thở bình thường của bé sẽ giúp ba mẹ phát hiện ra vấn đề bất thường nhanh hơn.
- Khi không chắc chắn về tình trạng của bé, hãy quay video về kiểu thở khiến ba mẹ lo lắng và cho bé đi khám để bác sĩ xem.
Việc phòng ngừa các bệnh lý hô hấp cho trẻ rất quan trọng, nhất là giữ ấm, vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch còn yếu, vì vậy ba mẹ cần cẩn thận theo dõi những biểu hiện bất thường và hành động sớm để bảo vệ sức khỏe của con.
Ba mẹ đặt lịch hẹn khám ngay hôm nay qua Hotline đặt lịch khám 0907 939 346 hoặc link đăng kí: 👉 https://bit.ly/PCDatlichkham
☎️ Tổng đài Phương Châu: 1900 54 54 66 (Hỗ trợ 24/7) sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.