Đau bụng ở trẻ em và những vấn đề cần lưu ý

09/30/2024
Main content quick view

Bài viết được cố vấn nội dung bởi BS. Nguyễn Thị Mỹ Dung, Bác sĩ khám và điều trị khoa Nhi, BVQT Phương Châu

Đau bụng là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng. Nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ rất đa dạng, từ những vấn đề đơn giản như đầy hơi, khó tiêu đến những bệnh lý nghiêm trọng hơn cần được xử trí và điều trị kịp thời. Hãy cùng bác sĩ Phương Châu tìm hiểu về các nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng đau bụng ở trẻ thông qua bài viết dưới đây nhé.

  1. Tổng quan về đau bụng ở trẻ em

    Đau bụng là cảm giác khó chịu ở bất kỳ vị trí nào trong vùng bụng. Cơn đau có thể nặng hoặc nhẹ, đau quặn từng cơn hoặc liên tục. Trẻ có thể cảm thấy cơn đau khắp bụng hoặc chỉ đau một vùng cụ thể nào đó , có thể có tư thế giảm đau và kèm theo một số triệu chứng khác: sốt, nôn ói, tiêu lỏng, phân khô cứng, ăn - bú kém,…

  2. Nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em là gì?
    1. Nhóm nguyên nhân thường gặp:
      • Táo bón.
      • Nhiễm trùng đường tiêu hóa.
      • Các bệnh nhiễm trùng khác: nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, viêm hạch mạc treo, bệnh lý phụ khoa, nhiễm khuẩn tiết niệu.
      • Đau quặn bụng ở trẻ sơ sinh ( đau bụng Colic).

    2. Các nguyên nhân khác:

    • Tiêu hóa : Viêm dạ dày cấp tính,bệnh viêm ruột, viêm tụy, viêm túi mật cấp tính, viêm gan, áp xe trong ổ bụng, túi thừa Meckel…
    • Dị ứng thực phẩm.
    • Kém hấp thu.
    • Nuốt phải dị vật.  
    • Tiết niệu sinh dục: sỏi thận , xoắn tinh hoàn, xoắn buồng trứng.  
    • Ngộ độc.   
    • Bệnh lý hệ thống.

    Các nguyên nhân gây đau bụng cấp tính nghiêm trọng ở trẻ em bao gồm:

    • Viêm ruột thừa – túi thừa.
    • Thoát vị nghẹt.
    • Lồng ruột, xoắn ruột, tắc ruột.
    • Viêm tụy cấp.
    • Sỏi mật.
    • Sỏi thận.
    • Áp xe các cơ quan trong bụng.
    • U nang buồng trứng, thai ngoài tử cung (ở bé gái lớn)...
  3. Khi nào nên cho trẻ đến gặp bác sĩ?

    Nếu trẻ bị đau bụng đột ngột hoặc dữ dội hoặc có các triệu chứng sau đây, hãy gọi bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu càng sớm càng tốt:

    • Bụng của trẻ rất đau, chướng căng.
    • Cơn đau bụng vẫn còn hoặc tăng lên sau 1 đến 2 ngày hoặc lan ra các vùng lân cận.
    • Trẻ sốt trên 38 độ C, ớn lạnh hoặc đau khi đi tiểu.
    • Phân của trẻ có màu đỏ hoặc đen hoặc có máu trong phân.
    • Nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu.
    • Trẻ nôn ra chất nôn có màu đen, đỏ hoặc vàng.
    • Trẻ đừ, mệt mỏi, ít chơi hơn so với bình thường.
    • Có dấu hiệu mất nước: khô miệng, nước tiểu đậm, ít hoặc không có nước mắt khi khóc.
  4. Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ:

    Khi đến gặp bác sĩ, trẻ sẽ được thăm khám và tùy theo nguyên nhân nghi ngờ gây ra cơn đau bụng mà bác sĩ sẽ chỉ định trẻ làm một trong các xét nghiệm sau:

    • Xét nghiệm máu.
    • Xét nghiệm nước tiểu.
    • Chụp Xquang bụng đứng.
    • Siêu âm bụng.
    • Chụp CT-scan bụng.
    • Nội soi đường tiêu hóa.
  5. Điều trị đau bụng như thế nào?

    Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau bụng ở trẻ em, có thể là:

    • Truyền dịch, bù nước, điện giải.
    • Thuốc giảm đau.
    • Kháng sinh điều trị nếu có liên quan nhiễm trùng.
    • Phẫu thuật đối với trường hợp bụng ngoại khoa.
    • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng – sinh hoạt
  6. Chăm sóc trẻ tại nhà để giảm đau bụng như thế nào?

Khi cơn đau bụng ở trẻ em chưa được biết rõ nguyên nhân, cha mẹ có thể chăm sóc trẻ bằng các phương pháp tại nhà sau đây để làm giảm nhẹ triệu chứng:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động mạnh.
  • Cho trẻ uống nhiều nước điện giải nếu có nôn ói hoặc tiêu chảy, bắt đầu với số lượng nhỏ và tăng dần khi trẻ cảm thấy khỏe hơn.
  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nhạt, dễ tiêu. Tránh các loại thực phẩm hoặc đồ uống nhiều đường hay các loại thức ăn có nguy cơ làm cho cơn đau nặng hơn.
  • Nếu trẻ có tình trạng táo bón, phải đảm bảo trẻ được uống đủ nước và bổ sung đầy đủ chất xơ , rau củ quả trong chế độ ăn hàng ngày.
  • Không tự ý cho trẻ uống bất kì loại thuốc hoặc chất bổ sung không kê đơn nào mà phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước sử dụng

  • Tóm lại : Đau bụng ở trẻ nhỏ là vấn đề sức khỏe phổ biến mà các bậc phụ huynh thường gặp phải. Nguyên nhân gây đau bụng rất đa dạng. Vậy nên, việc theo dõi sát sao các dấu hiệu của con là vô cùng quan trọng. Nếu bé có biểu hiện đau bụng kéo dài, kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nôn mửa, hãy đưa bé đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

     Hãy để Nhi khoa Phương Châu là người bạn đồng hành đáng tin cậy trên hành trình cùng con phát triển, ba mẹ nhé.

    Ba mẹ đặt lịch hẹn khám qua Hotline đặt lịch khám 0907 939 346 hoặc link đăng kí: 👉 https://bit.ly/PCDatlichkham   

    ☎️ Tổng đài Phương Châu: 1900 54 54 66 (Hỗ trợ 24/7) sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.