Bé viêm phổi vì không điều trị dứt điểm cảm cúm thông thường

11/04/2024
Main content quick view

Cảm cúm là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt vào những tháng cuối năm khi thời tiết lạnh và độ ẩm thay đổi. Tuy nhiên, không phải ba mẹ nào cũng biết rằng cảm cúm, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS. CKI. Nguyễn Đức Vinh – Bác sĩ khám và điều trị khoa Nhi, BVQT Phương Châu

1. Vì sao cảm cúm dễ chuyển thành viêm phổi?

Khi trẻ bị cảm cúm, hệ miễn dịch đang phải chống lại virus gây bệnh, khiến sức đề kháng suy giảm. Nếu không được nghỉ ngơi đủ hoặc không dùng thuốc đúng liều lượng, virus có thể xâm nhập sâu hơn vào đường hô hấp hoặc bắt đầu xuất hiện đồng nhiễm hoặc bội nhiễm vi khuẩn. Đặc biệt, những trẻ đã có sẵn các yếu tố nguy cơ như hen suyễn hoặc dị ứng sẽ càng dễ bị các biến chứng nặng như viêm phế quản, viêm phổi.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh chuyển nặng

Ba mẹ cần chú ý nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau khi bị cảm cúm vài ngày:
  • Ho kéo dài và tăng dần cường độ, xuất hiện đờm xanh hoặc vàng
  • Sốt cao liên tục không giảm, kèm theo rét run
  • Thở nhanh, thở gấp và có tiếng khò khè.
  • Da xanh tái, môi và móng tay tím tái do thiếu oxy

Những triệu chứng này là dấu hiệu cảnh báo viêm phổi và cần đưa trẻ đi khám ngay để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

3. Điều trị và phòng ngừa cảm cúm để tránh biến chứng

  • Điều trị cảm cúm: Khi trẻ có dấu hiệu cảm cúm, ba mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, và đưa trẻ đến bác sĩ nếu triệu chứng không cải thiện sau 2-3 ngày.
  • Không tự ý dùng kháng sinh: Nhiều ba mẹ có thói quen cho trẻ uống kháng sinh ngay khi có triệu chứng cảm cúm, nhưng điều này có thể làm giảm sức đề kháng tự nhiên của trẻ và gây lờn thuốc.
  • Chăm sóc vệ sinh: Rửa tay thường xuyên, tránh để trẻ tiếp xúc với người đang có triệu chứng cảm cúm.
  • Giữ ấm cơ thể: Đặc biệt là vùng cổ, ngực, và bàn chân khi thời tiết chuyển lạnh.
  • Tiêm phòng cúm hàng năm: Vắc xin cúm giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và tránh biến chứng.

4. Lời khuyên từ bác sĩ

Việc chủ quan với cảm cúm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu cảm cúm, ba mẹ nên chú ý theo dõi kỹ và có các biện pháp chăm sóc đúng cách, đặc biệt cần nhờ đến bác sĩ nếu thấy bệnh kéo dài hoặc có dấu hiệu chuyển biến xấu. Cẩn trọng và phòng ngừa từ đầu là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Ba mẹ đừng vì chủ quan mà khiến tình trạng bệnh của con nặng hơn, hãy chủ động đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ có chuyên môn thăm khám, sớm phát hiện bệnh cho bé và điều trị kịp thời. 

Nhi khoa Phương Châu - Người bạn đồng hành đáng tin cậy trên hành trình chăm sóc sức khỏe con yêu của bạn. Ba mẹ đặt lịch hẹn khám qua Hotline đặt lịch khám 0907 939 346 hoặc link đăng kí: 👉 https://bit.ly/PCDatlichkham 

☎️ Tổng đài Phương Châu: 1900 54 54 66 (Hỗ trợ 24/7) sẵn lòng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.