Bệnh zona không chỉ là những mảng phồng rộp khiến bạn ngứa rát. Mà đó còn là dấu hiệu của một cuộc tấn công âm thầm từ virus đã ngủ yên trong cơ thể từ thời thủy đậu. Căn bệnh này đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi. Đặc biệt là người có sức đề kháng yếu hoặc đang sống chung với bệnh mạn tính. Zona thường bị hiểu sai là tự khỏi hoặc “không được nói tên”. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra những di chứng thần kinh kéo dài, làm giảm chất lượng sống nghiêm trọng nếu không điều trị đúng cách. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu toàn diện về bệnh zona và đặc biệt là phương pháp phòng bệnh hiệu quả bằng vắc xin đang được triển khai tại BVQT Phương Châu.
Bài viết được cố vấn nội dung bởi ThS. BS. Dương Lê Hồng Thảo, Chuyên Khoa Da liễu, BVQT Phương Châu.

Bệnh Zona đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi, đặc biệt là người có sức đề kháng yếu hoặc đang sống chung với bệnh mạn tính
Bệnh zona là bệnh gì?
Zona là biểu hiện của sự tái hoạt động virus varicella-zoster – loại virus gây bệnh thủy đậu. Ở người đã mắc bệnh thủy đậu, sau khi khỏi, virus tồn tại trong các hạch thần kinh cảm giác cạnh cột sống dưới dạng tiềm tàng, im lặng. Khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch (suy giảm về thần kinh và thể lực, người già yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, các bệnh về máu, đái tháo đường), bệnh tự miễn, stress, điều trị tia xạ, ung thư, HIV/AIDS..., virus sẽ tái hoạt, nhân lên và lan truyền gây viêm lan toả và hoại tử thần kinh. Đồng thời, virus lan truyền ngược chiều đến da, niêm mạc và gây tổn thương.
Không ít người từng chủ quan khi thấy vùng da nổi mẩn đỏ, đau rát và mọc mụn nước dọc theo một bên cơ thể. Với dân gian, đó là giời leo nhưng với y học hiện đại, đó là bệnh zona. Căn bệnh tưởng chừng đơn giản này lại có khả năng tác động sâu sắc đến hệ thần kinh. Hậu quả là để lại biến chứng lâu dài nếu không được điều trị kịp thời.
Vòng đời của virus zona từ thủy đậu đến bùng phát
Virus varicella-zoster có hai giai đoạn hoạt động. Lần đầu tiên khi xâm nhập cơ thể, nó gây ra bệnh thủy đậu. Đây là một bệnh truyền nhiễm quen thuộc ở trẻ nhỏ. Sau khi hồi phục, cơ thể tưởng đã thoát nạn. Nhưng virus thật ra chỉ đang ẩn mình trong hệ thần kinh. Thời gian ủ bệnh thứ hai có thể kéo dài hàng chục năm. Khi hệ miễn dịch suy yếu, virus bắt đầu tái hoạt động trở lại dưới hình thái khác: bệnh zona.
Tỷ lệ mắc zona không ngừng tăng cùng với quá trình già hóa dân số. Tính đến năm 2025, tại Hoa Kỳ có khoảng 1 triệu ca zona mới mỗi năm. Khoảng một phần ba dân số thế giới sẽ mắc zona ít nhất một lần trong đời. Ở người trên 50 tuổi, nguy cơ mắc tăng gấp đôi so với nhóm tuổi trẻ hơn. Vì vậy, zona được xem là bệnh lý thần kinh – da liễu cần đặc biệt quan tâm trong cộng đồng.
Triệu chứng nhận biết của bệnh zona
- Triệu chứng ban đầu: thường kéo dài 1-5 ngày với cảm giác bất thường trên một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, dị cảm nhất là về đêm. Người bệnh có thể nhức đầu, sợ ánh sáng và khó chịu. Giai đoạn này được cho là virus lan truyền dọc dây thần kinh.
- Khoảng nửa ngày đến một ngày sau, tổn thương là mảng đỏ, hơi nề nhẹ, đường kính khoảng vài cm, gờ cao hơn mặt da, sắp xếp dọc theo đường phân bố thần kinh và dần dần nối với nhau thành dải, thành vệt.
- Toàn phát:
+ Triệu chứng da: Trên nền dát đỏ xuất hiện mụn nước, bọng nước hình tròn hoặc bầu dục, lõm giữa, tập trung thành đám giống như chùm nho. Mụn nước, bọng nước ban đầu chứa dịch trong, sau hóa mủ hoặc xuất huyết, dập vỡ để lại vết trợt đóng vẩy tiết, đôi khi có thể hoại tử. Thời gian trung bình từ khi phát tổn thương đến khi lành sẹo khoảng 2-4 tuần. Ở người cao tuổi, tổn thương nhiều, lan rộng. Ở trẻ nhỏ, tổn thương ít, tiến triển nhanh.
+ Đau là triệu chứng hay gặp nhất, đau bỏng rát, đau giật hoặc đau như dao đâm. Mức độ đau đa dạng từ nhẹ như cảm giác rát bỏng, âm ỉ tại chỗ hay nặng như kim châm, cảm giác giật từng cơn.
Không chỉ là tổn thương ngoài da, zona còn gây cảm giác đau sâu bên trong. Người bệnh có thể thấy đau ngay cả khi không chạm vào da. Ở một số trường hợp, cơn đau kéo dài nhiều tuần sau khi vết thương lành. Đây chính là biến chứng thần kinh sau zona mà người bệnh cần đặc biệt lưu ý.
Ngoài tổn thương ngoài da, zona cũng có thể gây sốt nhẹ, mệt mỏi, giảm cảm giác ngon miệng hoặc rối loạn giấc ngủ. Điều này càng khiến người bệnh chủ quan hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác.
Bệnh zona có lây không?
Một điều thường bị hiểu sai là cho rằng zona không lây. Thực tế, virus varicella-zoster vẫn có thể lây lan trong giai đoạn bệnh nhân đang có mụn nước, nếu người tiếp xúc chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc xin thủy đậu.
Tuy nhiên, zona không lây dưới dạng gây bệnh zona. Người tiếp xúc virus Varicella – Zoster sẽ phát triển thủy đậu chứ không phải zona ngay. Con đường lây chủ yếu là qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mụn nước. Khi mụn nước đã khô và đóng vảy, người bệnh không còn khả năng truyền nhiễm. Hiểu đúng cơ chế lây sẽ giúp người bệnh tránh bị kỳ thị không đáng có. Đồng thời có biện pháp bảo vệ người thân, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch.
Biến chứng đáng sợ nhất: đau thần kinh sau zona
Một trong những hậu quả khó chịu nhất của bệnh zona là tình trạng đau kéo dài sau khi các tổn thương da đã biến mất. Đây là đau thần kinh sau zona.
Đau sau zona (Post Herpetic Neuralgia-PHN) là hiện tượng đau dai dẳng trên 3 tháng, thậm chí hàng năm với biểu hiện đau nhạy cảm, rát bỏng, đau âm ỉ hay đau nhói như dao đâm ở vùng da tổn thương zona đã lành sẹo. Bệnh thường xuất hiện ở người già, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh ung thư. Nguyên nhân: do VZV gây viêm, hoại tử và xơ hóa các đầu mút thần kinh. Một số trường hợp có thể kèm đau cơ, đau khớp, mất ngủ do đau, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Theo thống kê, khoảng 20% người ở tuổi 50, trên 50% ở tuổi trên 80 sẽ bị đau thần kinh sau zona. Có người chịu đựng cơn đau này suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Ngoài biến chứng về thần kinh, zona còn có thể gây các biến chứng khác như:
- Viêm da thứ phát, để lại sẹo xấu nếu chăm sóc không đúng cách.
- Nếu tổn thương ở mắt, bệnh có thể dẫn đến viêm giác mạc, suy giảm thị lực hoặc mù lòa.
- Các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm não có thể xảy ra ở người miễn dịch suy yếu.
Bệnh zona trong thai kỳ
Bệnh zona vẫn có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai. Phần lớn phụ nữ mang thai từng mắc thủy đậu hoặc đã tiêm phòng. Đồng nghĩa với việc cơ thể đã có miễn dịch sẵn.
Tuy nhiên, nếu bà bầu mắc zona trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi vẫn có thể xảy ra dù tỷ lệ thấp hơn nhiều so với thủy đậu. Một số nghiên cứu y học ghi nhận nguy cơ dị tật thai nhi rất hiếm gặp nhưng không thể loại trừ. Đặc biệt nếu tổn thương zona xuất hiện gần vùng bụng.
Vào cuối thai kỳ, đặc biệt là trong vòng 2 tuần trước khi sinh, nếu mẹ bầu phát bệnh và chưa kịp đóng vảy, trẻ sinh ra có thể bị phơi nhiễm virus từ mẹ. Trong một số trường hợp hiếm, điều này có thể dẫn đến thủy đậu sơ sinh, một biến chứng cần được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế ngay sau sinh. Cũng cần lưu ý rằng, bệnh zona không lây qua nhau thai. Trẻ chỉ bị ảnh hưởng nếu tiếp xúc với dịch từ mụn nước của mẹ trong hoặc sau sinh.
Về điều trị, phần lớn các trường hợp zona ở thai kỳ đều được theo dõi sát sao. Việc dùng thuốc an toàn trong thai kỳ theo chỉ định nghiêm ngặt từ bác sĩ chuyên khoa sản và da liễu. Mẹ bầu không tự ý dùng thuốc, đắp lá, hoặc xử lý theo kinh nghiệm dân gian.
Bệnh zona cần được điều trị càng sớm càng tốt
Thời điểm lý tưởng để điều trị zona là trong 72 giờ đầu từ khi xuất hiện tổn thương da. Đây là giai đoạn virus đang nhân lên mạnh. Thuốc kháng virus sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc ức chế sự phát tán. Điều này giảm tổn thương da và ngăn biến chứng thần kinh.
Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng virus đường uống như acyclovir, valacyclovir hoặc famciclovir. Bên cạnh đó là thuốc giảm đau, thuốc chống viêm hoặc thuốc đặc trị đau thần kinh. Chăm sóc da tại nhà cũng đóng vai trò quan trọng. Người bệnh nên giữ da khô thoáng, tránh đắp lá, tránh gãi hay cào làm vỡ mụn nước. Nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và tinh thần ổn định sẽ giúp quá trình hồi phục nhanh hơn.
Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin zona
Hiện nay, bệnh zona có thể chủ động phòng ngừa bằng vắc xin. Loại vắc xin hiện đại nhất hiện nay đã được FDA (Hoa Kỳ) và WHO công nhận hiệu quả lên đến 90% trong việc ngăn ngừa bệnh zona và giảm mạnh nguy cơ đau thần kinh sau zona. Đây là bước tiến lớn trong việc phòng ngừa zona, một bệnh lý từng khiến người cao tuổi sống chung với đau đớn kéo dài mà không có cách nào khống chế.
Một số thông tin về vắc xin Zona mới nhất hiện nay:
- Vắc xin phù hợp cho người từ 50 tuổi trở lên, bất kể đã từng mắc zona hay chưa.
- Những người dưới 50 tuổi nhưng có bệnh nền như đái tháo đường, ung thư, hội chứng thận hư cũng được khuyến khích tiêm chủng.
- Lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau từ 2–6 tháng.
Hiện tại, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu đã triển khai tiêm chủng vắc xin zona mới nhất hiện nay. Đội ngũ bác sĩ tại khoa Tiêm chủng sẽ tư vấn đầy đủ, theo dõi sát sau tiêm và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêm. Nếu bạn đang bước sang độ tuổi trung niên, đã từng bị thủy đậu, hoặc đang sống chung với bệnh lý mạn tính, hãy chủ động hỏi bác sĩ về vắc xin zona. Phòng bệnh trước khi virus thức giấc là cách thông minh và hiệu quả nhất để bảo vệ chính bạn và người thân.
Quý khách hàng có thể đặt lịch hẹn khám TẠI ĐÂY. Hoặc gọi đến tổng đài 1900 54 54 66 để được hỗ trợ thêm thông tin.