3 THÁNG CUỐI THAI KỲ, MẸ BẦU CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?
(Tổng kết sau livestream chủ đề 11, lớp “Học Tiền Sản Và Chăm Con Cùng Phương Châu: http://bit.ly/livestream_chude11).
Được xem là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến cuộc vượt cạn vuông – tròn của mẹ bầu, khám thai định kỳ cần được mẹ bầu thực hiện đầy đủ và theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Tần suất khám thai trong 3 tháng cuối nhiều và dày hơn?
Theo khuyến nghị của BVQT Phương Châu, lịch khám thai sẽ gồm các mốc thời gian như sau:
- Từ 28 – 32 tuần: Khám thai mỗi 2 tuần
- Tuổi thai trên 36 tuần: Khám thai mỗi tuần
* Lưu ý: Khi thai kỳ có những biểu hiện bất thường, mẹ bầu nên đến khám sớm nhất ngay khi có thể thay. Đồng thời, lịch khám những ngày sau đó cũng được thắt chặt hơn.
Tại Phương Châu, mẹ bầu sẽ trải qua quá trình khám thai 3 tháng cuối như thế nào?
Kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm và siêu âm chính là tiền đề tạo nên cuộc vượt cạn an toàn mà chúng tôi đã và đang thực hiện xuyên suốt thời gian qua.
“Kịp thời điều trị và xử trí những bất thường của mẹ và bé, tiên lượng các nguy cơ (nếu có) trong cuộc vượt cạn, lựa chọn sinh thường hay sinh mổ, nơi sinh phù hợp với tình hình thực tế của thai kỳ,… – Đây là các lợi ích mà quá trình thăm khám thai định kỳ mang lại” - BS. CKI. Nguyễn Văn Sử - Phó Trưởng Khoa Khám Sản Phụ Khoa BVQT Phương Châu chia sẻ.
1. Kiểm tra sức khỏe cho mẹ và bé để đảm bảo đủ khả năng vượt cạn an toàn, đồng thời phát hiện các bệnh lý: Tiền sản giật, bệnh tim,…ở mẹ và chậm tăng trưởng hay nhau tiền đạo,…ở thai nhi
- Đối với mẹ: Theo dõi cân nặng, đo huyết áp, phù. Bên cạnh đó, khám âm đạo để xem có rỉ ối hoặc viêm âm đạo hay không, từ đó, bác sĩ sẽ kịp thời điều trị giúp hạn chế tình trạng sinh non. Ngoài ra, khám khung chậu cũng trở nên vô cùng cần thiết để đánh giá độ rộng/hẹp và tiên lượng được cuộc sanh.
- Đối với thai nhi: Kiểm tra tim thai, đo độ cao tử cung, vòng bụng của bé, xem độ tăng trưởng,…
2. Xét nghiệm: Thực hiện các xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra công thức máu, phát hiện các bệnh lý lây truyền từ mẹ sang con (HIV, Viêm gan B, Giang mai,…), xét nghiệm GBS,…
3. Siêu âm: Xác định tim thai, ngôi thai, bánh nhau, ước lượng cân nặng, đánh giá lượng nước ối, chuyển động thai và theo dõi cơn gò tử cung để có các bước chuẩn bị thật tốt cho ngày đón bé chào đời.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, mẹ bầu cần lưu ý theo dõi những triệu chứng bất thường vì đây có thể là dấu hiệu chuẩn bị chuyển dạ hoặc bé đang gặp vấn đề. Vì vậy, các gia đình phải nhanh chóng đưa mẹ đến bệnh viện gần nhất ngay khi nhận thấy:
- Thai không máy (bé không còn chuyển động)
- Ra huyết hoặc ra nước âm đạo
- Rỉ ối
- Đau bụng từng cơn và có chu kỳ
- Phù, nhức đầu, chóng mặt
Lựa chọn phương pháp sinh thế nào sẽ phù hợp với thai kỳ “Nguy cơ cao”?
Song thai, thai to, vết mổ cũ, nhau tiền đạo, thai chậm tăng trưởng tử cung, mẹ có bệnh lý nội khoa (tim mạch, viêm gan B,…) sẽ phải cân nhắc thật kỹ giữa sinh thường/ sinh mổ cũng như nơi sinh có thể đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Trong tường hợp này, các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán và đánh giá những nguy cơ mà cuộc vượt cạn đó mang lại để chỉ định phương pháp sinh mổ khi cần thiết.
Điều cuối cùng và cũng rất quan trọng mà các bác sĩ của Phương Châu thường xuyên nhắc lại nhiều lần: Lựa chọn nơi vượt cạn có đủ khả năng chăm sóc sức khỏe hai mẹ con trong và sau sinh, xử trí tốt khi xảy ra tai biến sản khoa và sơ sinh non tháng.
Mẹ tròn – con vuông luôn là đích đến hạnh phúc mà gia đình nào cũng mong muốn có được. Vậy nên, ngay từ 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu đừng bỏ qua những lưu ý mà bác sĩ của Phương Châu đã chia sẻ nhé!
--------------------------
✔️ Nhờ vào sự kết hợp giữa online và offline, các ông bố bà mẹ ở khắp nơi có thể thuận tiện theo dõi những kiến thức bổ ích tại lớp “Học Tiền Sản Và Chăm Con Cùng Phương Châu”. Gia đình mình có thể tìm hiểu thông tin chi tiết và thời gian diễn ra lớp học tại https://bit.ly/HocTienSanChamConCungPC_T12-T1